Tổng thống Zelensky tiết lộ thiệt hại tài chính của Ukraine
Lãnh đạo Ukraine cho biết xung đột với Nga đã gây thiệt hại 550 tỷ USD, đồng thời kêu gọi phương Tây hỗ trợ 7 tỷ USD/tháng.
Phát biểu trước các đại diện Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 21/4, Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine đã phải chịu thiệt hại lên đến hơn nửa nghìn tỷ USD, và cần hàng tỷ USD viện trợ mỗi tháng để tồn tại. Chính quyền Kiev ước tính tổng sản phẩm nội địa (GDP) của đất nước giảm từ 30-50%.
“Theo ước tính sơ bộ, Ukraine đã thiệt hại 550 tỷ USD”, ông Zelensky nói trong bài phát biểu trực tuyến trước các tổ chức tài chính phương Tây. “Ukraine sẽ cần ít nhất 7 tỷ USD mỗi tháng để tái thiết nền kinh tế.”
Đây cũng là con số mà ông Zelensky đưa ra với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EU) Ursula von der Leyen vào tuần trước, mặc dù vào thời điểm đó, ông tuyên bố rằng số tiền này chỉ đủ để cho phép chính phủ trả lương và lương hưu.
Cũng tại cuộc họp ngày 21/4, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết thiệt hại vật chất đối với các tòa nhà và cơ sở hạ tầng của Ukraine đã lên tới khoảng 60 tỷ USD và sẽ còn tăng thêm khi xung đột tiếp tục.
“Với sự hỗ trợ của các bạn, chúng tôi sẽ có thể nhanh chóng tái thiết, và có thêm nhiều cơ hội kinh doanh với các quốc gia khác nhau”, ông Zelensky nói.
Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal - hiện đang thăm Washington (Mỹ) - cho biết GDP của Ukraine có thể giảm 30-50%. Ông cũng trích dẫn các phân tích sơ bộ về "thiệt hại trực tiếp và gián tiếp" do chiến tranh gây ra, với con số lên đến 560 tỷ USD. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, con số này gấp hơn 3 lần quy mô nền kinh tế Ukraine, ở mức 155,5 tỷ USD vào năm 2020. Ông Shmygal nói rằng việc tái thiết sẽ tiêu tốn 600 tỷ USD hoặc hơn.
“Nếu chúng ta không cùng nhau ngăn chặn cuộc xung đột này, tổn thất sẽ tăng lên đáng kể”, ông Shmygal nói, đồng thời cho biết Ukraine sẽ cần một kế hoạch tái thiết tương tự như Kế hoạch Marshall thời hậu Thế chiến Hai, vốn đã giúp vực dậy châu Âu sau khi bị tàn phá nặng nề.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết viện trợ tài chính trực tiếp thêm 500 triệu USD cho Kiev - nâng tổng số tiền viện trợ lên đến 1 tỷ USD từ tháng 2.
Ngoài ra, Mỹ cũng tuyên bố viện trợ thêm nhiều vũ khí, đạn dược và thiết bị trị giá 800 triệu USD. Viện trợ quân sự của Mỹ cho Kiev hiện đã vượt quá 3 tỷ USD kể từ khi Nga khai màn chiến dịch ở Ukraine.
Bình luận về việc tái thiết Ukraine, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng Nga nên gánh vác một số chi phí. "Vì rõ ràng là chi phí tái thiết Ukraine sẽ rất lớn", bà Yellen nói.
Tuy nhiên, nữ bộ trưởng cảnh báo rằng việc sử dụng nguồn dự trữ ngân hàng trung ương Nga bị tịch thu ở Mỹ vào việc tái thiết Ukraine sẽ là một "bước đi quan trọng" cần được thảo luận kỹ càng với các đối tác quốc tế.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Zelensky từng kêu gọi các nước đã áp đặt lệnh trừng phạt và đóng băng tài sản của Nga sử dụng số tiền đó để giúp tái thiết Ukraine sau chiến tranh, và chi trả cho những tổn thất mà các nước khác phải gánh chịu vì cuộc xung đột.