Tổng thống Zelensky: Ukraine đang cạn tên lửa Patriot để đối phó Nga
Trong bối cảnh Nga vẫn tiếp tục tập kích, Tổng thống Zelensky cho biết phòng không nước này đang cạn dần đạn cho tổ hợp phòng không Patriot để đối phó, Kiev mong muốn phương Tây cấp phép cho Kiev tự sản xuất loại tên lửa này.
"Một chỉ huy gọi cho tôi vào rạng sáng và thông báo họ không còn tên lửa nào cho tổ hợp phòng không Patriot. Khi đó 8 tên lửa Nga đang bay tới và đơn vị này không còn đạn để đánh chặn mục tiêu. Chúng tôi đang cạn dần tên lửa Patriot", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hôm 19/2.
Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine nên được cấp phép chế tạo đạn tên lửa Patriot trong nước để đảm bảo duy trì nguồn cung, nếu các quốc gia ủng hộ không thể cung cấp đảm bảo an ninh đầy đủ.

Tên lửa phòng không Patriot
Tổng thống Ukraine đề xuất phương án Washington cung cấp 20 tổ hợp Patriot và cho phép Kiev tự sản xuất tên lửa, đổi lại Mỹ sẽ không cần triển khai quân đến quốc gia Đông Âu.
Tổng thống Zelensky tuần trước tiết lộ phòng không Ukraine đã phóng 10 tên lửa Patriot với tổng trị giá khoảng 30 triệu USD để chặn 6 tên lửa đạn đạo Nga trong trận tập kích ngày 12/2.
Bộ tư lệnh không quân Ukraine khi đó cho biết Nga tập kích nước này bằng 7 quả đạn, gồm tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M và tên lửa phòng không S-400 hoán cải, cùng 123 máy bay không người lái (UAV) tự sát dòng Geran và mồi bẫy. Mục tiêu là thủ đô Kiev và thành phố Kryvyi Rih thuộc tỉnh Dnipro.
"Các đơn vị phòng không Ukraine đã đánh chặn 6 tên lửa đạn đạo và 71 UAV, trong khi 40 phi cơ mồi bẫy bị lạc đường và không gây hậu quả tiêu cực", cơ quan này cho hay, nhưng không đề cập tới tên lửa và hai UAV còn lại.

Tên lửa phòng không Patriot
Ukraine đã tiếp nhận 5 tổ hợp Patriot được Mỹ và một số nước châu Âu chuyển giao. Đây từng được kỳ vọng là vũ khí có thể thay đổi đáng kể cục diện trên bầu trời Ukraine, nhờ năng lực chiến đấu vượt trội so với các hệ thống phòng không mà phương Tây viện trợ trước đó.
Tuy nhiên, cuộc chiến Đông Âu vẫn khốc liệt khiến cho Ukraine nhanh chóng cạn kiệt đạn tên lửa.
Quan chức Mỹ hồi cuối tháng 1 cho biết nước này đã chuyển cho Ukraine khoảng 90 tên lửa Patriot bị Israel loại biên. Những thành phần khác của tổ hợp Patriot mà Israel đã loại biên, trong đó có radar hỏa lực, sẽ được bàn giao cho Ukraine sau khi tân trang tại Mỹ.

Tên lửa phòng không Patriot
Hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo Patriot PAC-3 được Mỹ phát triển để thay thế hệ thống Nike Hercules (là hệ thống phòng không tầm trung và tầm cao của Lầu Năm Góc) và thay thế hệ thống MIM -23 Hawk (hệ thống phòng không chiến thuật tầm trung của quân đội Mỹ).
Cho đến nay, nó là một trong những hệ thống phòng không được phổ biến rộng rãi nhất thế giới (sau S300 của Nga) khi có tới 16 quốc gia đang sử dụng. Khác với S300 chưa một lần ghi nhận thực chiến, hệ thống Patriot PAC-3 đã nhiều lần tham chiến và từng ghi nhận bắn hạ các máy bay và tên lửa của đối phương. Hiện nay phiên bản mới nhất của hệ thống này có có khả năng tiêu diệt mục tiêu với phương thức "Hit-to-Kill" tức truy đuổi và tiêu diệt mục tiêu bằng động năng thay vì dùng đầu đạn nổ mảnh.
