Tổng Thư ký LHQ cảnh báo yêu cầu của Israel sơ tán hàng triệu người tại Gaza
Theo Tổng Thư ký LHQ, việc sơ tán hơn một triệu người trong vùng chiến sự đông đúc đến một nơi không có thức ăn, nước uống và chỗ ở, khi toàn bộ lãnh thổ Gaza đang bị bao vây là cực kỳ nguy hiểm và bất khả thi.
Hôm 14/10, phát biểu sau khi Israel kêu gọi dân thường Palestine sơ tán khỏi phía bắc Gaza về phía nam dải đất trong 24 giờ, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, việc này là không khả thi.
“Việc di chuyển hơn một triệu người trong vùng chiến sự đông đúc đến một nơi không có thức ăn, nước uống và nơi trú ngụ, khi toàn bộ lãnh thổ Gaza đang bị bao vây là cực kỳ nguy hiểm và trong một số trường hợp, điều đó là không thể thực hiện.”, ông Guterres nói.
Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh, ngay cả chiến tranh cũng có luật. “Luật nhân đạo quốc tế và luật Nhân quyền phải được tôn trọng và bảo vệ; thường dân phải được bảo vệ và không bao giờ được phép sử dụng dân thường làm lá chắn. Tất cả con tin ở Gaza phải được phóng thích ngay lập tức”.
Vào khuya ngày 13/10, Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã thông báo cho LHQ, toàn bộ người dân Palestine khoảng 1 triệu người ở phía bắc Gaza sẽ sơ tán đến phía nam dải đất trong vòng 24 giờ.
Thông báo nói, IDF có thể sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Dải Gaza.
Phát biểu trên truyền hình vào ngày 13/10, Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố: “Chúng tôi đang tấn công kẻ thù của mình bằng sức mạnh chưa từng có”, nhấn mạnh, chiến dịch trả đũa của nước này mới chỉ là khởi đầu.
Trước đó quân đội Israel tuyên bố sẽ “xóa sổ” Hamas vì vụ tấn công của nhóm này hôm 7/10 đã giết chết 1.300 người Israel, chủ yếu là dân thường và bắt giữ nhiều con tin.
Phản ứng trước kêu gọi của Israel, ngày 13/10, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, việc sơ tán người dân Palestine ở phía bắc đến phía nam Gaza là “không thể chấp nhận được”.
Bộ này nhấn mạnh, việc buộc 2,5 triệu người ở Gaza đang trong tình cảnh thiếu điện, nước, thức ăn và bị bắn phá tập trung trong một khu vực giới hạn là vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế và “vô nhân đạo”.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Israel đảo ngược “sai lầm nghiêm trọng” này và lập tức chấm dứt các hành động tàn bạo chống lại dân thường ở Gaza.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Tây Ban Nha, bà Yolanda Diaz, kêu gọi cộng đồng quốc tế gây áp lực lên Israel để tránh “một vụ thảm sát” ở Gaza.
“Cộng đồng quốc tế không thể làm ngơ. EU phải yêu cầu Israel dừng các kế hoạch gây ra một vụ thảm sát.”, bà Diaz khẩn thiết.
Hồi đầu tuần, Ngoại trưởng Tây Ban Nha, Jose Manuel Albares cho biết, chính phủ nước này lên án cuộc tấn công của Hamas vào Israel, tuy nhiên cũng nhất trí rằng, bất kỳ phản ứng quân sự nào cũng phải tuân theo luật pháp quốc tế.
Theo các quan chức y tế, hơn 250 người Palestine thiệt mạng trong 24 giờ qua, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel nhằm vào các đoàn xe tháo chạy khỏi thành phố Gaza.
Các cuộc tấn công của Israel cũng khiến 1.300 tòa nhà/5.540 căn hộ bị phá hủy, khoảng 3.750 ngôi nhà khác bị hư hại nặng không thể ở được.
Theo Liên Hợp Quốc, ước tính hàng chục nghìn người Palestine đã sơ tán từ phía bắc về phía nam Gaza theo lệnh của Israel. Hơn 400.000 người Palestine cũng đã sơ tán trước đó do tình trạng bạo lực thù địch trong vùng.
Tuy nhiên, rất nhiều người Palestin tuyên bố thà chết chứ nhất định sẽ không rời đi.
Các nhà thờ Hồi giáo phát đi thông điệp: “Hãy giữ lấy nhà của bạn, đất của bạn”.
Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Jordan, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho rằng, việc cưỡng bức di tản sẽ lặp lại tình huống năm 1948, khi hàng trăm nghìn người Palestine chạy trốn hoặc bị đuổi khỏi vùng đất ngày nay thuộc lãnh thổ Israel. Và, hầu hết người Gaza hiện nay là hậu duệ của những người tị nạn năm xưa.
Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế cảnh báo về một thảm họa nếu xảy ra tình huống một làn sóng tháo chạy, đồng thời cho rằng, cuộc bao vây Gaza nên được dỡ bỏ để mở đường cho các hoạt động nhân đạo.
Hôm 13/10, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, Tedros Adhanom Ghebreyesus, bày tỏ lo ngại việc sơ tán các nhân viên y tế và bệnh nhân tại các bệnh viện ở phía bắc Gaza tới nam Gaza trong đêm khi mà các bệnh viện phía Nam không có khả năng tiếp nhận bệnh nhân.
Ông Ghebreyesus yêu cầu Chính phủ Israel hủy bỏ quyết định và tránh dẫn đến thảm kịch cho người dân ở Gaza; nhấn mạnh, việc chăm sóc sức khỏe con người được bảo vệ theo luật nhân đạo quốc tế.
Tổ chức bác sĩ không biên giới (MFS) phản ứng trước việc Israel cho Bệnh viện Al Awda ở Gaza chỉ 2 giờ để sơ tán. “Nhân viên của chúng tôi vẫn đang điều trị cho bệnh nhân. Chúng tôi dứt khoát lên án hành động này cũng như việc tiếp tục các cuộc tấn công bừa bãi gây đổ máu vào cơ sở chăm sóc sức khỏe ở Gaza. Chúng tôi đang cố gắng bảo vệ nhân viên và bệnh nhân của mình”.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc ở Trung Đông và Bắc Phi (UNICEF MENA) bày tỏ “kinh hoàng” trước cảnh tượng đang xảy ra ở Gaza khi rất nhiều trẻ em trở thành nạn nhân của bom đạn và hơn 1 triệu người không có nơi nào an toàn để trú ẩn; tuyên bố những điều đang diễn ra ở Gaza “là không thể chấp nhận được và bạo lực phải chấm dứt lập tức”.
Một thông tin được truyền thông quốc tế chú tâm, nhà báo Issam Abdallah, phóng viên của Reuters đã thiệt mạng hôm 13/10 khi đang tác nghiệp ở miền Nam Lebanon bởi tên lửa bắn từ hướng Israel, theo một phóng viên Reuters cùng có mặt tại hiện trường. Vụ không kích khiến 6 nhà báo khác bị thương.