Tổng Thư ký Liên hợp quốc bổ nhiệm cố vấn đặc biệt về Libya
Ngày 6/12, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) đã bổ nhiệm nhà ngoại giao Mỹ Stephanie Williams làm cố vấn đặc biệt về Libya, thay thế đặc phái viên Jan Kubis - đã bất ngờ đệ đơn xin từ chức chỉ một tháng trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống quan trọng tại quốc gia Bắc Phi này.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã đề xuất bà Williams làm "cố vấn đặc biệt" thay vì "đặc phái viên". Trong một tuyên bố, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric nêu rõ việc bổ nhiệm bà Williams làm cố vấn đặc biệt giúp đảm bảo vai trò dẫn dắt của LHQ trong tháng 12 - vốn có ý nghĩa lịch sử với quốc gia Bắc Phi này. Theo đó, bà Williams sẽ chuyển đến sống ở thủ đô Tripoli và bắt đầu công việc trong vài ngày tới.
Bà Stephanie Williams, thông thạo tiếng Arab, đã được bổ nhiệm làm người đứng đầu Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Libya (UNSMIL) vào năm 2020.
Trước đó, ngày 24/11, LHQ thông báo việc đặc phái viên LHQ về Libya Jan Kubis đã đệ đơn từ chức lên Tổng Thư ký Guterres. Tuy nhiên, hiện chưa rõ lý do khiến ông Kubis từ chức chỉ trong chưa đầy một năm sau khi được bổ nhiệm và chỉ một tháng trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử quan trọng ở Libya - quốc gia vốn bị chiến tranh tàn phá.
Các cuộc bầu cử của Libya dự kiến diễn ra vào ngày 24/12 tới, giữa lúc LHQ đang tìm cách chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn 10 năm qua tại quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ này. Hơn 2,8 triệu cử tri trong tổng số 7 triệu dân của Libya sẽ đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sắp tới. Sự kiện này được xem là bước tiến hết sức quan trọng trong lộ trình hòa bình của quốc gia Bắc Phi này, nhờ các nỗ lực liên tục của cộng đồng quốc tế.
Trong một diễn biến khác, cũng trong ngày 6/12, hai ngân hàng trung ương đối địch tại Libya thông báo đã đạt được thỏa thuận hợp nhất sau 7 năm quốc gia Bắc Phi này bị chia rẽ, với hai chính quyền đối địch cùng tồn tại.
Thông báo của đại diện chính quyền có trụ sở ở Tripoli cho biết thống đốc ngân hàng trung ương của chính quyền được quốc tế công nhận ở miền Tây, ông Seddik al-Kabir, và người đồng cấp ở miền Đông, ông Ali al-Hebri, đã nhất trí kế hoạch chi tiết để khởi động quá trình hợp nhất.
Sự tồn tại của hai ngân hàng trung ương khiến công tác xử lý nguồn thu từ dầu mỏ và kiểm soát chính sách tiền tệ của Libya trở nên phức tạp, làm cho lạm phát leo thang và gây ra cuộc khủng hoảng thanh khoản, mặc dù nước này có lượng dầu thô dự trữ khổng lồ. Nợ công của Libya đã tăng vọt lên mức 100 tỷ USD.
Libya rơi vào khủng hoảng kể từ năm 2011 sau khi nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi bị lật đổ. Từ đó, quốc gia Bắc Phi này luôn trong tình trạng bị chia rẽ giữa hai chính quyền đối địch, được các lực lượng nước ngoài và các tay súng trong nước hậu thuẫn. Tuy nhiên, tháng 10/2020, các phe phái tham chiến tại Libya đã nhất trí ngừng bắn và thúc đẩy tiến trình hòa giải.