Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi G20 hợp tác trong vấn đề khí hậu

Ngày 14-11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các thành viên trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hợp tác làm chậm lại quá trình ấm lên trên toàn cầu. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Ngày 14-11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các thành viên trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hợp tác làm chậm lại quá trình ấm lên trên toàn cầu.

Phát biểu trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia, Tổng Thư ký Guterres nhận định thế giới đang đối mặt với thảm họa khí hậu và các hành động hiện nay đang góp phần đẩy nhanh quá trình này. Do đó, ông đề xuất thiết lập một “hiệp ước đoàn kết khí hậu”, trong đó các nước phát triển sẽ tăng cường nỗ lực hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất ở ngưỡng 1,5 độ C, đồng thời hỗ trợ tài chính và kỹ thuật nhằm đẩy nhanh việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo tại các nền kinh tế mới nổi. Tổng Thư ký khẳng định việc G20 hành động hay không hành động sẽ quyết định liệu người dân có thể sinh sống hòa bình và bền vững trên Trái Đất hay không.

Đức kêu gọi EU mở rộng hợp tác với ASEAN

Ngày 14-11, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần mở rộng hợp tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay.

Phát biểu tại Hội nghị Doanh nghiệp Đức khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 17 diễn ra ở Singapore, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa EU và ASEAN trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới có nhiều thay đổi. Ông cũng bày tỏ hy vọng các cuộc đàm phán thương mại giữa EU và Australia, Ấn Độ và Indonesia sẽ đạt tiến triển nhanh và có thể đi đến những thỏa thuận mới. Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào một số nguyên liệu thô hay các công nghệ then chốt sẽ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh quốc gia của nước này. Tuy nhiên, ông Scholz lưu ý rằng việc tách riêng ra không phải là giải pháp. Ông nhấn mạnh “một thế giới với những rào cản thương mại và các nền kinh tế tách rời nhau sẽ không phải là một nơi tốt đẹp hơn”.

Vắc-xin ngừa COVID-19 công nghệ truyền thống có thể giảm thiểu ca bệnh nặng

Các nhà nghiên cứu tại Trường Y Duke - NUS (Singapore) đã so sánh phản ứng miễn dịch của tế bào T trong khoảng 500 mẫu máu của hơn 130 người đã tiêm vắc-xin virus bất hoạt và vắc-xin mRNA. Kết quả cho thấy các vắc-xin bất hoạt như vắc-xin của Sinopharm và Sinovac (Trung Quốc) tạo ra lượng kháng thể phổ rộng hơn chống lại nhiều protein khác nhau của virus SARS-CoV-2, trong khi các vắc-xin mRNA như vắc-xin của Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức) và Moderna (Mỹ) chỉ nhắm mục tiêu vào protein gai.

Vắc-xin bất hoạt được sản xuất bằng cách nuôi cấy tác nhân gây bệnh, thường là virus, trong những môi trường thích hợp. Đây là công nghệ được sử dụng trong sản xuất vắc-xin phòng bại liệt và cúm. Trong khi đó, vắc-xin mRNA sử dụng vật liệu di truyền của virus để kích thích phản ứng miễn dịch.

Theo Tiến sĩ Anthony Tanoto Tan - đồng tác giả nghiên cứu, kết quả trên cho thấy, mặc dù vắc-xin bất hoạt có thể không hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2, nhưng những vắc-xin công nghệ cũ này có thể ngăn ngừa bệnh trở nặng. Các nhà nghiên cứu kết luận mỗi công nghệ sản xuất vắc-xin đều có những ưu điểm riêng, do đó nếu sử dụng kết hợp các vắc-xin sản xuất theo cả 2 công nghệ mới và cũ có thể cung cấp sự bảo vệ tốt hơn chống lại COVID-19./.

PV

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202211/tong-thu-ky-lien-hop-quoc-keu-goi-g20-hop-tac-trong-van-de-khi-hau-2554119/