Yan Chernyak - thiên tài tình báo bị lãng quên
Yan Chernyak là huyền thoại của tình báo Liên Xô. Ông đã lãnh đạo thành công một mạng lưới tình báo quốc tế. Trước và trong Thế chiến thứ hai, các điệp viên của ông đã thu thập được nhiều thông tin kỹ thuật quân sự cần thiết cho Liên Xô nhưng không ai bị Gestapo hoặc các cơ quan phản gián của các nước châu Âu phát hiện. Và mặc dù Yan Chernyak chưa bao giờ phục vụ trong quân đội của Hitler, hoạt động của ông gắn liền với nước Đức và Đế chế thứ ba.
Yan Chernyak được ít người biết đến mặc dù ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng nước Nga. Ông là người kiệm lời. Ngay cả người vợ yêu quý của ông cũng biết rất ít về các chiến công của chồng mình. Trong những năm 1980-1990, khi nhiều thông tin được giải mật, Chernyak vẫn giữ sự thận trọng vốn có của thời tiền chiến.
Những người bạn điệp viên nước ngoài của ông vẫn còn sống, không ai bị bắt sau 11 năm làm việc cho tình báo Liên Xô, và mặc dù chỉ được biết đến dưới các mật danh trong hồ sơ cá nhân của ông mà tình báo Quân đội, vì những lý do dễ hiểu, không có ý định tiết lộ. Ba điệp viên của ông đã làm việc cho tình báo Liên Xô gần ba thập kỷ. Tiếc thay, Yan Chernyak không để lại bất kỳ ghi chép hay hồi ức nào.
Yan Chernyak đã tuyển mộ được hơn 20 điệp viên có giá trị. Có một giai thoại thường được truyền tụng giữa các đồng nghiệp rằng nếu cần thiết, Yan Chernyak có thể tuyển mộ cả vua Anh, nhưng nhà tình báo của chúng ta không được giao nhiệm vụ như vậy.
Yan Chernyak sinh ngày 6/4/1909 trong gia đình một thương gia Do Thái nghèo ở tỉnh Chernivtsy thuộc Áo - Hungary. Năm lên 7, bố mẹ qua đời trong chiến tranh, Yan được nuôi dưỡng tại trại trẻ mồ côi. Năm 1927, ông vào học Trường Kỹ thuật Cao cấp Praha. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc tại một nhà máy điện nhỏ. Thời gian rỗi, ông học ngoại ngữ. Ở tuổi 20, Yan Chernyak đã thông thạo tiếng Romania, Hungary, Anh, Séc, Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Đức. Ông nói tiếng Đức chuẩn đến mức không thể phân biệt được ông với người bản ngữ ở các tỉnh phía Tây nước Đức. Sau đó, ông học tiếng Nga. Giỏi nhiều ngoại ngữ là một lợi thế vô cùng lớn đối với Yan Chernyak, giúp ông sau này trở thành một nhà tình báo Quân đội.
Thật vậy, năm 1930, Yan Chernyak được Cơ quan tình báo Quân đội Liên Xô tuyển mộ tại Berlin, nơi ông đang du học. Nhưng ông làm một điệp viên bình thường thu thập thông tin không lâu. Mặc dù, ngay cả trong thời gian này, ông cũng đã cung cấp cho Moscow một lượng thông tin quân sự, chính trị và kỹ thuật về Đức và Ý mà may ra một nhánh tình báo mới có thể đảm đương được. Và năm 1934, Yan Chernyak đã thành lập một tổ chức như vậy.
Tổ chức này gồm 35 người và vài năm sau, hầu như tất cả họ đều giữ những chức vụ rất quan trọng trong các lĩnh vực then chốt của Đức: Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục An ninh Quốc gia, các bộ Công nghiệp - Quân sự. Trong Thế chiến thứ hai, các điệp viên của Yan Chernyak đã giữ những chức vụ cao ở Wehrmacht (Lực lượng vũ trang của Đức Quốc xã), Abwehr (Tình báo Quân sự) và Gestapo (Cảnh sát mật). Một người làm việc trực tiếp tại Tổng hành dinh của Hitler. Tuy nhiên, một số người không giữ chức vụ đặc biệt nhưng lại là những điệp viên rất có giá trị.
Cần lưu ý rằng không một điệp viên nào của Yan Chernyak bị phát hiện. Có lẽ đây là lý do tại sao hiện nay Tổng Cục Tình báo của Bộ Tổng tham mưu Liên bang Nga thường xuyên giấu kín tất cả những gì có thể phủ bóng đen lên những người này hoặc con cháu của họ.
Sau khi Yan Chernyak trở thành Anh hùng nước Nga, Tổng cục Tình báo của Bộ Tổng tham mưu thông báo rất ngắn gọn rằng trong số các điệp viên của ông, có hai nữ diễn viên Olga Chekhova và Marika Rokk.
Chính nhờ những nguồn thông tin quan trọng như vậy mà Yan Chernyak có thể chuyển cho Trung tâm rất nhiều tài liệu đặc biệt có giá trị trong lĩnh vực quân sự - chính trị, kể cả các kế hoạch tác chiến của Bộ Tư lệnh Tối cao Wehrmacht. Ngoài ra, ông còn cung cấp một lượng lớn thông tin cực kỳ quan trọng và thậm chí cả các mô hình sản phẩm trong nhiều lĩnh vực phát triển chủ yếu của hệ thống vũ khí và thiết bị quân sự.
Danh sách các lĩnh vực mà các điệp viên của Yan Chernyak hoạt động thật đáng kính nể và đáng được trình bày một cách đầy đủ nhất có thể. Trước hết, đó là quy hoạch chiến lược và các phương thức tác chiến nhằm triển khai lực lượng vũ trang của Đức và Ý trước và trong chiến tranh. Xin trích dẫn một tài liệu nằm trên bàn làm việc của Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo của Bộ Tổng tham mưu ngày 12/6/1941. Toàn văn như sau:
“Lệnh của Tổng tư lệnh Lục quân Đức ấn định thời điểm tấn công Liên Xô ban hành ngày 10/6/1941. Điểm 1. Đề nghị coi ngày 22/6 năm nay là Ngày “D” của Chiến dịch “Barbarossa”. Điểm 2. Chiến dịch bắt đầu sau khi có tín hiệu “Dortmund”. Điểm 3. Tín hiệu “Altona” có nghĩa là chuyển thời điểm mở màn chiến dịch sang ngày khác. Điểm 4. Ngày 22/6, vào lúc 3 giờ 30 phút - lực lượng mặt đất bắt đầu tấn công. Nếu điều kiện thời tiết không cho phép triển khai không quân thì lực lượng mặt đất sẽ độc lập tiến hành cuộc tấn công”.
Tài liệu này do Yan Chernyak gửi về và ngay lập tức được đích thân Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo chuyển cho Stalin, nhưng lãnh tụ gạt phăng đi và nói: “Lại cái trò phao tin nhảm của quân Anh”.
Những thông tin khác có số phận may mắn hơn: các công trình của các nhà thiết kế Đức trong các lĩnh vực sản xuất quốc phòng khác nhau. Đó là hàng không, kể cả máy bay phản lực lẫn các công nghệ và vật liệu mới nhất được sử dụng trong chế tạo máy bay, động cơ và trang bị vũ khí đại bác cho máy bay, thiết bị điện tử hàng không, bom và tên lửa máy bay, kỹ thuật tên lửa (cụ thể là bom bay V-1 và tên lửa V-2 ), xe tăng và xe bọc thép chở quân, hệ thống pháo binh, vũ khí hóa học và các biện pháp phòng, chống, thiết bị radar và liên lạc vô tuyến, kỹ thuật hồng ngoại và vô tuyến, vũ khí thủy lôi và ngư lôi, các phương tiện phát hiện tàu ngầm và tác chiến điện tử.
Như chúng ta thấy, phạm vi và khối lượng thông tin tình báo vô cùng rộng, nhưng đây không phải là điều duy nhất đáng kinh ngạc. Trung tâm Tình báo Moscow nhận được từ Chernyak không phải những tin tức ngắn mà là hàng trăm trang tài liệu thông tin, tài liệu kỹ thuật, bản vẽ và thậm chí cả các mô hình thật của các sản phẩm và tổ hợp máy.
Và điều này không chỉ xảy ra trước chiến tranh. Trong chiến tranh, với sự trợ giúp của hệ thống liên lạc chuyển phát nhanh được tổ chức khéo léo, Chernyak đã chuyển đến Trung tâm tất cả những gì mà lưới tình báo của ông thu được. Những tài liệu này cho phép Liên Xô tiến hành sản xuất các vũ khí và thiết bị tương tự trong thời gian ngắn nhất có thể và với chi phí tối thiểu.
Bộ chỉ huy Liên Xô đã kịp thời nhận được thông tin chi tiết từ Chernyak về các kế hoạch tác chiến của Tổng hành dinh Hitler, về hệ thống phòng không của Đức, khả năng chiến đấu, hỏa lực và đặc điểm thiết kế của vũ khí và đạn dược Đức; về những đổi mới trong tác chiến và chiến thuật của Wehrmacht và Luftwaffe (Không quân Đức Quốc xã). Nhóm của Yan Chernyak cũng thu thập được thông tin về thực trạng của ngành công nghiệp quốc phòng, trữ lượng nguyên liệu thô chiến lược và các loại vũ khí tối tân nhất.
Ví dụ, chẳng bao lâu sau khi người Đức tiến hành sản xuất loại xe tăng mới “Tiger”, một bản mô tả kỹ thuật đầy đủ về loại xe này cũng như hướng dẫn sử dụng trong chiến đấu đã xuất hiện ở Moscow. Nhờ thông tin chi tiết, các đơn vị chống tăng Liên Xô đã kịp thời biết được những điểm yếu của loại xe tăng siêu bí mật này.
Nhóm tình báo của Yan Chernyak không bị phát hiện. Mặc dù lực lượng phản gián Đức biết về sự tồn tại của nó và thậm chí đã chộp bắt được các buổi phát sóng. Nhưng chúng không thể giải mã nội dung, bắt giữ các hiệu thính viên hoặc điệp viên. Vào cuối chiến tranh, Yan Chernyak nhận nhiệm vụ mới và chuyển đến London, từ đó ông sang Mỹ. Thời gian này, một số tổ chức gián điệp của Liên Xô đang hoạt động ở đây với mục đích thu thập thông tin về việc chế tạo bom nguyên tử. Hai trong số đó thuộc biên chế của Bộ Dân ủy Nội vụ. Về phía Tổng cục Tình báo của Bộ Tổng tham mưu, “dự án nguyên tử” do Đại tá Nikolay Zabotin, đại diện cơ sở tình báo Liên Xô ở Canada, phụ trách. Tuy nhiên, sau một thời gian, Zabotin bị lực lượng phản gián nước này phát hiện khi đang tìm cách thu thập thông tin về “dự án uranium”. Ngay lập tức, ông được triệu hồi về nước.
Là người thay thế Nikolay Zabotin, Chernyak đã vào cuộc ngay lập tức, ông tổ chức lại hoạt động của nhóm tình báo, tìm kiếm những nguồn thông tin mới và chẳng bao lâu, Trung tâm Tình báo Moscow bắt đầu nhận được nhiều thông tin quy mô lớn về “dự án nguyên tử”.
Nhưng thời gian của ông ở Mỹ rất ngắn ngủi. Nhân việc một điệp viên của cơ sở tình báo Liên Xô có quen biết một số điệp viên của Chernyak chạy sang phía Mỹ, Chernyak được triệu hồi về nước ngay lập tức. Với mục đích này, người ta đã sử dụng một tàu chiến của Liên Xô đang có chuyến thăm xã giao tới một cảng của Mỹ. Và tháng 1/1946, Yan Chernyak đến thành phố Sevastopol, bán đảo Krym. Tháng 5/1946, ông nhập quốc tịch Liên Xô, trở thành cố vấn của Tổng cục Tình báo của Bộ Tổng tham mưu và sau đó nhận chức “phiên dịch viên” của Hãng thông tấn TASS.
Ông làm công việc này cho đến năm 1969 thì nghỉ hưu ở tuổi 60. Trong 13 năm dưới vỏ bọc “phiên dịch viên” của TASS, Chernyak đã nhiều lần đi công tác nước ngoài, thực hiện các chiến dịch tình báo rất phức tạp mà cho đến nay, các nhân viên của Tổng cục Tình báo thậm chí không muốn nhắc đến.
Về đời riêng của Yan Chernyak hiện nay độc giả cũng đã được biết ít nhiều. Ở Moscow, ông gặp Tamara Ivanovna, một nữ sinh Đại học Y khoa hai mươi tuổi và ít lâu sau, họ kết hôn.
Hai vợ chồng sống với nhau hạnh phúc và tâm đầu ý hợp mặc dù với đồng lương hưu khá khiêm tốn. Yan Chernyak không được nhà nước trao tặng bất cứ huân, huy chương nào. Ông luôn luôn là một nhân viên dân sự. Con người mà trong 5 năm chiến tranh đã mang lại hiệu quả kinh tế lên tới hàng chục triệu USD đã bị lãng quên. Tuy nhiên, cuối cùng công lý đã chiến thắng, dẫu rằng hơi muộn. Năm 1995, Yan Chernyak, lúc đang ốm nặng, đã được hai vị tướng đáng kính đến trao tặng danh hiệu Anh hùng Nga ngay tại bệnh viện.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/yan-chernyak-thien-tai-tinh-bao-bi-lang-quen-i744417/