Tổng thư ký NATO tuyên bố đối phó mối đe dọa an ninh của Trung Quốc là trọng tâm của liên minh này

Khi NATO khởi động cuộc tập trận răn đe hạt nhân thường niên ngày 18/10, Tổng thư ký Stoltenberg tuyên bố: đối phó mối đe dọa an ninh do sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ là trọng tâm của liên minh trong tương lai.

 Tổng thư ký Jens Stoltenberg tuyên bố: đối phó với các mối đe dọa an ninh do sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ là trọng tâm của liên minh quân sự NATO trong tương lai (Ảnh: alamy).

Tổng thư ký Jens Stoltenberg tuyên bố: đối phó với các mối đe dọa an ninh do sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ là trọng tâm của liên minh quân sự NATO trong tương lai (Ảnh: alamy).

NATO tuyên bố trong một thông cáo báo chí rằng, tại cuộc tập trận răn đe hạt nhân thường niên kéo dài một tuần ở khu vực Nam Âu mang tên "Steadfast Noon", liên minh quân sự này đã huy động các máy bay và binh sĩ từ 14 quốc gia thành viên để đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân của NATO vẫn an toàn và đáng tin cậy; đồng thời nhấn mạnh rằng đây là hoạt động huấn luyện thường xuyên và theo chu kỳ, không liên quan đến bất kỳ sự kiện nào trên thế giới.

Cuộc tập trận có sự tham gia của các máy bay chiến đấu đa năng, nghĩa là, có thể triển khai bắn ném được cả vũ khí hạt nhân và bom đạn thông thường, nhưng vũ khí hạt nhân thực sự sẽ không được sử dụng; đồng thời các máy bay trinh sát và máy bay tiếp dầu trên không cũng được điều động tham gia tập trận.

NATO tiến hành diễn tập răn đe hạt nhân hàng năm (Ảnh: 163.com).

Cùng lúc, tờ báo Anh Financial Times ra hôm thứ Hai, 18/10 đã đăng bài phỏng vấn ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông tuyên bố rằng Trung Quốc đã ảnh hưởng đến an ninh châu Âu thông qua khả năng mạng, công nghệ mới và tên lửa tầm xa.

Ông Jens Stoltenberg nói rằng ứng phó với các mối đe dọa an ninh do sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ là một phần quan trọng trong triết lý tương lai của NATO.

Ông nói, NATO là liên minh của Bắc Mỹ và châu Âu, nhưng những thách thức toàn cầu mà các khu vực này phải đối mặt, bao gồm chủ nghĩa khủng bố, mạng và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Do đó, khi tăng cường khả năng phòng thủ tập thể của chúng ta, cũng liên quan đến cách đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc".

"Những gì chúng ta có thể dự đoán là sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến an ninh của chúng ta. Nhưng những ảnh hưởng này hiện đã có rồi".

Máy bay của quân đội Đức tham gia diễn tập (Ảnh: 163.com).

Về mặt địa lý, với tư cách là một mối đe dọa truyền thống đối với NATO, Nga nằm gần châu Âu và Bắc Mỹ hơn Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Stoltenberg cho rằng Trung Quốc và NATO đang xích lại gần nhau hơn. Ông nói: "Chúng ta đã thấy họ ở Bắc Cực và cả trong không gian mạng. Họ đã tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở các quốc gia chúng ta. Tất nhiên, họ có nhiều vũ khí tầm xa có thể tấn công các thành viên NATO, và họ đã chế tạo rất nhiều tên lửa liên lục địa tầm xa cùng rất nhiều giếng phóng”.

Ở chiều ngược lại, trước việc NATO trục xuất 8 thành viên của phái bộ Nga tại NATO trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 18/10 đã thông báo rằng phái bộ Nga tại NATO sẽ đình chỉ hoạt động từ tháng tới và phái bộ quân sự của NATO tại Moscow cũng sẽ bị đóng cửa. Ông cho biết nếu NATO muốn liên lạc với Nga thì có thể thông qua Đại sứ quán Nga ở Brussels, Bỉ. Động thái này của Nga đã khiến quan hệ giữa Nga với NATO ngày càng trở nên tồi tệ.

Ông Stoltenberg nói rằng làm thế nào để bảo vệ các đồng minh NATO khỏi những mối đe dọa này sẽ được “giải quyết triệt để" trong các nguyên tắc mới của NATO trong thập kỷ tới.

Tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh tới hoạt động ở Tây Thái Bình Dương và Biển Đông trong mấy tháng vừa qua (Ảnh: Reuters).

Ông chỉ ra rằng NATO trong nhiều thập kỷ qua đã tập trung chống lại Nga và chống lại chủ nghĩa khủng bố kể từ năm 2001. Mỹ gần đây đã tập trung trọng điểm vào Trung Quốc, giống như định hướng địa chính trị của họ đã chuyển từ châu Âu sang Trung Quốc.

Bình luận của Financial Times chỉ ra rằng điều này đánh dấu sự thay đổi tư duy lớn của NATO về các mục tiêu của mình và phản ánh sự chuyển hướng trọng tâm địa chiến lược của Mỹ sang châu Á.

NATO sẽ thông qua phương châm chiến lược mới tại hội nghị thượng đỉnh các quốc gia trong liên minh vào mùa Hè năm 2022, phương châm chiến lược này sẽ vạch ra các mục tiêu của NATO trong 10 năm tới. Phiên bản hiện tại của chính sách chiến lược được thông qua năm 2010 không đề cập đến Trung Quốc.

Trước đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đã tiết lộ "kế hoạch ứng phó sự trỗi dậy của Trung Quốc" của NATO trong một cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền do mạng tin tức Politico của Mỹ công bố vào ngày 6/10.

Trong tương lai, ngoài Nga, Trung Quốc cũng bị NATO coi là mối đe dọa an ninh (Ảnh: shutterstock).

Ông Stoltenberg đã tuyên bố “Chúng ta không coi Trung Quốc là đối thủ, cũng không coi Trung Quốc là kẻ thù”. "Chúng ta cần tiếp xúc với Trung Quốc trong các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu. Nếu không bao gồm sự tham gia của Trung Quốc, thế giới sẽ không có cách nào giảm đủ lượng khí thải carbon. Chúng ta cũng cần thảo luận về các vấn đề kiểm soát vũ khí với Trung Quốc. Vì vậy, chúng ta cần phải tiếp xúc chính trị với Trung Quốc".

Về mối quan hệ giữa NATO và Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đây từng khẳng định “Trung Quốc luôn tôn trọng phát triển hòa bình và hợp tác cùng có lợi, duy trì khái niệm an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững, đồng thời luôn theo đuổi chiến lược quốc phòng phòng ngự. Trung Quốc hy vọng NATO sẽ nhìn nhận sự phát triển của Trung Quốc với một thái độ khách quan, tích cực và cởi mở, đồng thời làm nhiều hơn nữa để giúp duy trì an ninh và sự ổn định quốc tế và khu vực; giữ tư duy Chiến tranh Lạnh sẽ không có tiền đồ tốt đẹp”.

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tong-thu-ky-nato-tuyen-bo-doi-pho-moi-de-doa-an-ninh-cua-trung-quoc-la-trong-tam-cua-lien-minh-nay-post151395.html