Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ Năm

Chiều 24.6, tại Trung tâm báo chí Kỳ họp Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Hồ Long

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Hồ Long

Tham gia họp báo có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các phóng viên, biên tập viên trong và nước ngoài...

Khắc phục hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né trách nhiệm

Tại họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, Kinh tế, Tài chính – Ngân sách, Quốc phòng và An ninh, đại diện Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trả lời câu hỏi của các phóng viên, biên tập viên một số vấn đề về kết quả Kỳ họp.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo quy định pháp luật hiện hành, tại Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp thứ Mười của mỗi nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện lời hứa chất vấn, kết quả hoạt động giám sát nói chung, trong đó có giám sát chuyên đề. Để thực hiện hoạt động giám sát này thì một cơ sở quan trọng là dựa vào các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại mỗi kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại các nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn đều nêu cụ thể, có định lượng các việc cần thực hiện, tạo cơ sở cho đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội thực hiện giám sát.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại họp báo. Ảnh: Hồ Long

Về khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội không chỉ đưa ra yêu cầu “sớm đề xuất ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy định cụ thể cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” mà còn yêu cầu “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các vi phạm”.

Nghị quyết Kỳ họp thứ Năm cũng yêu cầu tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước... đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc, kiến nghị của địa phương, người dân, doanh nghiệp; và, tiến hành báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV.

“Những giải pháp được Nghị quyết về Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đưa ra đã tương đối đủ để góp phần hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức”, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói.

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nêu ý kiến cá nhân về giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ né trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An cho rằng, Quốc hội đã nêu rõ, trực diện và thẳng thắn về “tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ dẫn đến sự trì trệ trong giải quyết công việc, gây bức xúc trong xã hội”. Do vậy, trong điều hành thì cần có "bàn tay sắt", nêu cao kỷ luật, kỷ cương trong làm việc, ai có công thì được thưởng, ai làm tốt thì được khen, ai làm chưa tốt phải có hình thức kỷ luật phù hợp để chấn chỉnh tinh thần, thái độ làm việc, thưởng phạt công minh sẽ tạo động lực cho cán bộ. “Quản trị Nhà nước hay quản trị trong doanh nghiệp thì hiệu quả đều là mục tiêu cao nhất. Do đó, cần đưa ra định mức công việc để ai làm tốt, ai làm chưa tốt đều sẽ được nhìn thấy rõ, kịp thời khen thưởng, có hình thức kỷ luật phù hợp”, đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Liên quan đến vấn đề kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện tăng lương cơ sở từ ngày 1.7 tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, Chính phủ đã có kinh nghiệm trong việc này. Cùng với đó, Luật Giá (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua cũng đã quy định các giải pháp kiểm soát giá. "Quốc hội sẽ giám sát việc Chính phủ triển khai Luật Giá (sửa đổi), đặc biệt là trong bối cảnh từ 1.7 tới sẽ tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội cũng đã yêu cầu kiểm soát giá cả hàng hóa thiết yếu và chỉ số lạm phát (CPI). Như vậy, với sự vào cuộc từ sớm của Chính phủ, sự giám sát của Quốc hội thì tình trạng tăng lương không theo kịp tăng giá sẽ không xảy ra”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhận định.

Tiếp tục đổi mới công tác dân nguyện của Quốc hội

Trước đó, Báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Năm, Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội Hoàng Thị Lan Nhung nêu rõ, sau 23 ngày làm việc, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra: thông qua 8 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần 2 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác; giám sát tối cao chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri và giải quyết các kiến nghị của cử tri cùng một số nội dung quan trọng khác.

Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội Hoàng Thị Lan Nhung phát biểu.Ảnh: Hồ Long

Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội Hoàng Thị Lan Nhung phát biểu.Ảnh: Hồ Long

Cụ thể, các luật được Quốc hội thông qua gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. 3 nghị quyết chứa quy phạm pháp luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này gồm: Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Về giám sát, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, Nghị quyết về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề năm 2024 “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Các đại biểu tại họp báo. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu tại họp báo. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh họp báo. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh họp báo. Ảnh: Hồ Long

Đặc biệt, tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội tiến hành thảo luận riêng về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư, qua đó, tiếp tục thể hiện tinh thần đổi mới về công tác dân nguyện của Quốc hội, nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, Nhân dân. Quốc hội đã đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành và các cơ quan có liên quan trả lời, giải quyết các kiến nghị tại Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Năm của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tập trung khắc phục các hạn chế, thực hiện các kiến nghị đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu tại Báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư; khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm một số kiến nghị cử tri đã kiến nghị nhiều lần, các vấn đề nổi cộm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/tong-thu-ky-quoc-hoi-chu-nhiem-van-phong-quoc-hoi-bui-van-cuong-chu-tri-hop-bao-cong-bo-ket-qua-ky-hop-thu-nam-i333762/