Tổng thư ký Stoltenberg gợi ý Ukraine có thể bỏ qua một bước trong lộ trình gia nhập NATO
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết Ukraine sẽ nhận được 'thông điệp tích cực' về con đường gia nhập liên minh, đồng thời gợi ý Kiev sẽ có thể bỏ qua một bước trong quá trình đó.
Sự chia rẽ giữa 31 thành viên NATO có nghĩa là sẽ không có hạn chót hoặc lời mời trực tiếp nào đối với Ukraine. Nhưng ông Stoltenberg cho biết Kiev sẽ nhận được nhiều viện trợ quân sự và đảm bảo an ninh hơn, nới lỏng các điều kiện chính thức để gia nhập, cũng như một hình thức hợp tác mới với liên minh, gọi là Hội đồng NATO - Ukraine.
"Tôi hy vọng các đồng minh sẽ gửi đi một thông điệp rõ ràng, đoàn kết và tích cực về con đường gia nhập của Ukraine", ông Stoltenberg nói khi đến dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius (Litva).
Ông cũng đề xuất các quốc gia thành viên “bỏ yêu cầu về Kế hoạch Hành động Thành viên (MAP)” đối với Kiev. Điều này sẽ thay đổi lộ trình gia nhập “từ quy trình hai bước thành quy trình một bước,” ông giải thích. MAP là danh sách các mục tiêu chính trị, kinh tế và quân sự mà các quốc gia Đông Âu khác phải đáp ứng trước khi gia nhập liên minh.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng cho biết cuộc họp sẽ gửi một "tín hiệu tích cực" về nỗ lực trở thành thành viên của Kiev. Các nhà ngoại giao tỏ ra lạc quan trong khi các nhà đàm phán đang tiến gần đến thỏa thuận cuối cùng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, phát biểu cùng với Tổng thống Litva Gitanas Nausea, đã tái khẳng định cam kết của Washington đối với liên minh. “Cam kết của chúng tôi với các bạn không bị dao động”, ông nói.
Hội nghị thượng đỉnh cũng dự kiến sẽ thông qua các kế hoạch toàn diện đầu tiên của NATO kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh nhằm chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào từ Nga.
Mátxcơva, viện dẫn sự mở rộng về phía Đông của NATO là yếu tố chính dẫn đến chiến dịch quân sự ở Ukraine, đã chỉ trích các động thái mới nhất của liên minh.
Hãng thông tấn RIA dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao của Nga tại Vienna cảnh báo rằng châu Âu sẽ là nơi đầu tiên phải đối mặt với "những hậu quả thảm khốc" nếu xung đột ở Ukraine leo thang.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, dự kiến tham dự cuộc họp ở Vilnius, đã thúc giục NATO đưa ra một con đường rõ ràng để Ukraine gia nhập sau khi xung đột kết thúc.
Các thành viên NATO ở Đông Âu đã ủng hộ lập trường của Kiev, lập luận rằng đưa Ukraine vào chiếc ô an ninh tập thể của NATO là cách tốt nhất để ngăn chặn Nga.
Các nước như Mỹ, Đức đã tỏ ra thận trọng hơn trước mọi động thái mà họ lo ngại có thể lôi kéo NATO vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga và có khả năng châm ngòi cho một cuộc xung đột toàn cầu.
Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel cho biết Ukraine thiếu sức mạnh không quân và đạn dược cho cuộc phản công vốn đang tiến triển chậm chạp. Ông nói rằng các đồng minh NATO không được chần chừ trong việc cung cấp viện trợ quân sự.
Hội nghị thượng đỉnh được cho là sẽ ra quyết định cam kết hỗ trợ 500 triệu euro mỗi năm cho Ukraine, bao gồm cung cấp y tế và rà phá bom mìn.
Một nguồn tin ngoại giao châu Âu tiết lộ các đảm bảo an ninh của nhóm G7 dành cho Ukraine sẽ được công bố ngay sau hội nghị thượng đỉnh NATO. Na Uy tuyên bố sẽ tăng cường viện trợ quân sự cho Kiev.