Tổng tuyển cử để thống nhất hoàn toàn

Đại thắng mùa xuân 1975 là chiến công chói lọi, là mốc son đã đánh bại hoàn toàn mưu đồ chia cắt đất nước Việt Nam của các thế lực xâm lược ngoại bang

Với Đại thắng mùa xuân 1975, cuộc chiến tranh cách mạng kéo dài 30 năm của dân tộc Việt Nam đã kết thúc trọn vẹn, chấm dứt ách thống trị trên một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên đất nước ta.

Non sông đất nước ta đã thu về một mối, nhưng ở hai miền Nam, Bắc vẫn tồn tại hai nhà nước. Ở miền Bắc, Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chính quyền các cấp là Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chính địa phương. Ở miền Nam, có Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng Cố vấn của Chính phủ; chính quyền các cấp là UBND cách mạng các địa phương.

I.

Nhận rõ tính cấp thiết và tầm quan trọng chiến lược của việc sớm thống nhất đất nước về mặt Nhà nước, cuối tháng 9-1975, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 24 (khóa III), đã ra Nghị quyết số 247/NQ-TW về nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết nêu rõ: "Từ trước đến nay, trong sự nghiệp cách mạng nước ta, nhân dân ta vẫn có một đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin lãnh đạo cả nước, một quân đội cách mạng của nhân dân cả nước. Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng tha thiết bậc nhất của đồng bào cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam... Thống nhất càng sớm thì càng phát huy nhanh sức mạnh toàn diện của Tổ quốc".

Thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, ngày 27-10-1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa họp phiên đặc biệt để thảo luận và thông qua đề án về thực hiện thống nhất đất nước về mặt Nhà nước; cử đoàn đại biểu miền Bắc gồm 25 người để tiến hành Hội nghị Hiệp thương chính trị với Đoàn đại biểu miền Nam.

Ở miền Nam, từ ngày 5 đến 6-11-1975, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Ủy ban Trung ương liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Hội đồng Cố vấn Chính phủ và đại biểu nhân sĩ trí thức miền Nam tiến hành Hội nghị liên tịch mở rộng. Hội nghị cử đoàn đại biểu miền Nam gồm 25 người để tiến hành hiệp thương với đoàn đại biểu miền Bắc.

Từ ngày 15 đến 21-11-1975, tại TP Sài Gòn, đại biểu nhân dân hai miền Nam - Bắc đã tổ chức Hội nghị hiệp thương chính trị để bàn về vấn đề thống nhất Việt Nam về mặt Nhà nước. Hội nghị nhất trí nhận định cách mạng Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn cả nước cùng tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cần hoàn thành thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thống nhất trọn vẹn và vững chắc nhất. Hội nghị nhấn mạnh: "Cần tổ chức cuộc Tổng tuyển cử trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung cho cả nước. Là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và chủ nghĩa xã hội, Quốc hội đó sẽ xác định thể chế Nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất".

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất có tác dụng quyết định đối với việc thực hiện thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, vì vậy, ngày 3-1-1976, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 228-CT/TW yêu cầu các cấp ủy Đảng phải hết sức coi trọng việc lãnh đạo tổng tuyển cử. Chỉ thị nêu rõ cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung "sẽ được tiến hành trong cả nước cùng một ngày, theo những nguyên tắc thật sự dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những nguyên tắc ấy sẽ được vận dụng vào miền Nam cho thích hợp với điều kiện cụ thể của miền Nam". Bộ Chính trị thành lập Ban Chỉ đạo bầu cử các cấp. Ban Chỉ đạo bầu cử Trung ương gồm 9 thành viên, do đồng chí Trường Chinh làm Trưởng ban. Ở mỗi miền, thành lập Ban Chỉ đạo bầu cử miền gồm 15 thành viên. Ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện, thị xã và xã, thị trấn, các Ban Chỉ đạo bầu cử các cấp cũng được thành lập.

Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thống nhất thành lập Hội đồng Bầu cử toàn quốc. Theo Hội nghị Hiệp thương chính trị, Hội đồng Bầu cử toàn quốc gồm 22 đại biểu, trong đó mỗi miền cử 11 đại biểu.

Ngày 16-1-1976, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 248-NQ/TW "Về một số vấn đề cụ thể về công tác bầu cử Quốc hội". Bộ Chính trị thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về việc ấn định ngày bầu cử sẽ là ngày chủ nhật, 25-4-1976.

Đúng vào ngày nói trên, trong không khí tưng bừng của ngày hội toàn dân thực thi quyền làm chủ của công dân một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, hơn 23 triệu đồng bào cả nước đã tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội chung cho cả nước. Tỉ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%, trong đó miền Bắc 99,36%, miền Nam 98,59%.

Ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và hình ảnh chiến sĩ giải phóng được tái hiện trong đợt tập luyện diễu binh, diễu hành trước lễ 30-4 tại TP HCM.Ảnh: VÕ HOÀNG TRIỀU

Ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và hình ảnh chiến sĩ giải phóng được tái hiện trong đợt tập luyện diễu binh, diễu hành trước lễ 30-4 tại TP HCM.Ảnh: VÕ HOÀNG TRIỀU

II.

Sau thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử, từ ngày 24-6 đến 3-7-1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất họp kỳ thứ nhất, bao gồm các đại biểu từ mọi miền đất nước. Quốc hội đã thảo luận và hoàn toàn nhất trí với Báo cáo chính trị và thông qua nhiều quyết định quan trọng, như lấy tên nước mới là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc kỳ là lá cờ đỏ ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh; Quốc huy hình tròn, nền đỏ, giữa có ngôi sao vàng 5 cánh, xung quanh có bông lúa, ở dưới có bánh xe răng cưa và dòng chữ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Quốc ca là bài "Tiến quân ca"; Hà Nội là thủ đô; TP Sài Gòn - Gia Định được mang tên là TP Hồ Chí Minh.

Để thể hiện tính liên tục của Nhà nước qua các giai đoạn đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, theo đề nghị của Đoàn Chủ tịch kỳ họp, Quốc hội thảo luận và thông qua Nghị quyết về tên gọi của Quốc hội được bầu trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 25-4-1976 là Quốc hội khóa VI với ý nghĩa kế tục sự nghiệp của 5 khóa Quốc hội trước. Đồng thời, qua thảo luận dân chủ, Quốc hội quyết nghị: "Trong khi chưa có Hiến pháp mới, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp năm 1959 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Tổ chức Nhà nước của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở Trung ương gồm có: Quốc hội; Chủ tịch nước và hai Phó Chủ tịch nước; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Chính phủ; Hội đồng Quốc phòng; TAND Tối cao và VKSND Tối cao. Quốc hội giao cho Hội đồng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xúc tiến việc dự thảo các luật, pháp lệnh cần thiết trong tình hình mới trình Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Ngày 2-7-1976, Quốc hội khóa VI đã bầu các chức danh lãnh đạo: Đồng chí Tôn Đức Thắng là Chủ tịch; các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Hữu Thọ là Phó Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Trường Chinh là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng chí Phạm Văn Đồng là Thủ tướng Chính phủ. Quốc hội cũng thông qua danh sách Hội đồng Quốc phòng, Hội đồng Chính phủ và các Ủy ban Quốc hội.

* * *

Như vậy, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng tha thiết của nhân dân cả nước, sau hơn một năm từ Đại thắng mùa xuân 1975 (4.1975 - 7.1976), công cuộc thống nhất đất nước về mặt Nhà nước đã hoàn thành. Cuộc bầu cử Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất diễn ra thành công. Đại thắng mùa xuân 1975 là chiến công chói lọi, là mốc son đã đánh bại hoàn toàn mưu đồ chia cắt đất nước Việt Nam của các thế lực xâm lược ngoại bang; hiện thực hóa khát vọng độc lập, tự do và thống đất đất nước của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Thượng tá - TS LÊ VĂN CỬ (Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tong-tuyen-cu-de-thong-nhat-hoan-toan-196250428204101936.htm