Tổng tuyển cử ở Bồ Đào Nha: Thêm một quốc gia châu Âu 'bật xi-nhan' bên phải
Kết quả sơ bộ cuộc tổng tuyển cử tại Bồ Đào Nha hôm Chủ nhật vừa qua cho thấy Liên minh Dân chủ (AD) trung hữu đã giành chiến thắng sít sao trước Đảng Xã hội cầm quyền, trong khi đảng cực hữu Chega cũng vươn lên cán đích ở vị trí thứ ba.
Thắng lợi của Liên minh trung hữu
Đảng Xã hội Bồ Đào Nha (PS) đã thừa nhận thất bại vào tối Chủ nhật sau khi có kết quả sơ bộ của cuộc tổng tuyển cử sớm, kết thúc 8 năm nắm quyền của đảng này và phản ánh xu hướng thiên hữu của đất nước, một xu hướng đang lan rộng khắp châu Âu.
Sự thay đổi đó còn được đánh dấu bằng sự trỗi dậy của Chega, một đảng cánh hữu và có quan điểm bài ngoại, đã tăng vọt từ vị trí khá thấp gần đây để trở thành đảng được yêu thích thứ ba ở Bồ Đào Nha.
Đảng Xã hội cầm quyền, vốn đang gặp khó khăn bởi một cuộc điều tra tham nhũng, đã cạnh tranh gay gắt với Liên minh Dân chủ (AD), một liên minh trung hữu, cho đến tận tối muộn, khi nhà lãnh đạo đảng Xã hội thừa nhận trong một cuộc họp báo.
Đảng Xã hội và Liên minh Dân chủ mỗi bên đã giành được khoảng 29% số phiếu bầu, với khoảng 99% khu vực bỏ phiếu đã hoàn thành công tác kiểm phiếu tính đến ngày 11/3. Các lá phiếu bầu ở nước ngoài, bầu ra 4 ghế quốc hội, vẫn chưa được kiểm, nhưng lãnh đạo đảng Xã hội, ông Pedro Nuno Santos, nói rằng những lá phiếu đó khó có thể bù đắp cho số phiếu mà đảng này cần để giành chiến thắng.
“Mọi thứ chỉ ra rằng kết quả sẽ không cho phép đảng Xã hội trở thành đảng được bầu chọn nhiều nhất”, ông Nuno Santos buồn bã nói trong cuộc họp báo tối Chủ nhật (10/3).
Kết quả bầu cử lần này đã mở đường cho ông Luis Montenegro, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (PSD), đảng lớn trong Liên minh Dân chủ, thành lập chính phủ mới. Bản thân ông Montenegro cũng tự tin nói trong một cuộc họp báo vào tối Chủ nhật: “Dường như không thể phủ nhận rằng Liên minh Dân chủ đã thắng trong cuộc bầu cử và đảng Xã hội đã thua”.
Ông Luis Montenegro nhiều khả năng sẽ được Tổng thống Bồ Đào Nha, Marcelo Rebelo de Sousa bổ nhiệm làm thủ tướng dựa trên kết quả bầu cử sơ bộ. Tuy nhiên, vị luật sư 51 tuổi này cũng khẳng định lại cam kết rằng ông sẽ không thành lập liên minh với Chega, đảng cực hữu vốn bị những người phản đối cáo buộc là phân biệt chủng tộc và bài ngoại. Các chuyên gia cho rằng điều đó có khả năng khiến ông Montenegro phải thành lập một chính phủ thiểu số.
Cờ trong tay Chega
Phát biểu với báo giới, ông Andre Ventura nói rằng ông sẵn sàng xây dựng chính phủ với Liên minh Dân chủ để mang lại cho Bồ Đào Nha một “chính phủ ổn định”, bất chấp việc ông Luis Montenegro đã loại trừ khả năng đó trong suốt chiến dịch tranh cử và tiếp tục bác bỏ ngay sau khi biết kết quả bầu cử sơ bộ.
Nhiều nhà phân tích nhận định, nếu Liên minh Dân chủ do ông Montenegro dẫn đầu thành lập một chính phủ thiểu số thì chính phủ này có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và gặp nhiều khó khăn trong việc thông qua luật.
Theo tiến sĩ Marina Costa Lobo, nhà khoa học chính trị tại Đại học Lisbon, bất kỳ chính phủ nào do Liên minh Dân chủ thành lập đều sẽ phải thỏa hiệp để nhận được cái gật đầu từ các đảng khác nếu muốn thông qua các luật và chính sách quan trọng.
“Bây giờ các chính trị gia phải tìm kiếm sự ổn định mà cuộc bầu cử không đảm bảo”, tiến sĩ Lobo phân tích, đồng thời cho biết kể từ khi Bồ Đào Nha trở thành một nước dân chủ cách đây 50 năm, chỉ có hai chính phủ thiểu số tồn tại đủ nhiệm kỳ.
Các nhà quan sát cho rằng, Chega vẫn có thể trở thành một phần của chính phủ liên minh trong trường hợp Bồ Đào Nha rơi vào thế bế tắc chính trị. Ngay cả khi tiếp tục bị cô lập thì với thành tích hôm Chủ nhật, Chega vẫn củng cố vị thế là đảng lớn thứ ba trong quốc hội và có sự hiện diện chính trị hùng mạnh ở Bồ Đào Nha.
Và, đáng nói hơn bất cứ kịch bản nào thì Quốc hội Bồ Đào Nha giờ đây sẽ bị thống trị bởi các đảng cánh hữu. Tổng hợp lại, họ sẽ có ít nhất 135 ghế trong tổng số 230 ghế (4 ghế, phân bổ cho cử tri bên ngoài Bồ Đào Nha, hiện vẫn chưa được xác định). Và tấm màng ngăn cách cực hữu và trung hữu sẽ trở nên dễ thẩm thấu hơn nếu như việc tìm tiếng nói chung giữa Liên minh dân chủ và các đảng còn lại đi vào ngõ cụt.
Tờ Expresso của Bồ Đào Nha cũng chung nhận định như vậy khi phân tích rằng, ngay cả với sự hậu thuẫn của đảng trung hữu nhỏ hơn là “Sáng kiến Tự do”, bất kỳ chính phủ thiểu số tiềm năng nào do Liên minh Dân chủ lãnh đạo có thể vẫn phải dựa vào sự ủng hộ của Chega để thông qua luật. Do đó, ông Montenegro có thể sẽ phải chịu áp lực đáng kể từ chính đảng của mình nếu việc bắt tay với Chega là cần thiết để ngăn chặn việc cánh tả quay trở lại nắm quyền.
Thêm động lực cho làn sóng cánh hữu
Cuộc tổng tuyển cử Bồ Đào Nha là một trong những cuộc bỏ phiếu quốc gia cuối cùng trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu quan trọng vào tháng 6, được coi là phong vũ biểu của những cơn gió chính trị trên khắp cựu lục địa.
Việc Chega giành được số phiếu bầu tăng vọt lên hơn 18% trong cuộc bầu cử năm nay từ khoảng 7% vào năm 2022, một phần xuất phát từ mong muốn của cử tri Bồ Đào Nha về điều gì đó mới mẻ. José Santana Pereira, Phó giáo sư Khoa học chính trị tại Viện Đại học Lisbon, cho biết: “Công chúng cảm thấy đã đến lúc phải thay đổi”.
“Đó là một kết quả hoàn toàn mang tính lịch sử,” lãnh đạo đảng Chega, Andre Ventura, nói với các phóng viên vào tối Chủ nhật. Ông Ventura, 41 tuổi, một cựu bình luận viên thể thao trên truyền hình, đã trở nên nổi tiếng nhờ các cuộc tấn công bằng lốp xe nhằm vào nhóm thiểu số gốc Romania ở Bồ Đào Nha và lập trường cứng rắn chống nhập cư hoặc đề xuất thiến bằng hóa chất đối với những tội phạm tình dục.
Sự nổi lên của Chega thể hiện một hiện thực mới ở Bồ Đào Nha, nơi không có đảng cực hữu nào giành được chỗ đứng đáng kể kể từ khi chế độ độc tài quân sự kết thúc vào những năm 1970, mặc dù các đảng tương tự đã lớn mạnh trong những năm gần đây ở các nước châu Âu khác.
Tiến sĩ Marina Costa Lobo, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Lisbon, cho biết: “Bồ Đào Nha đã không còn là một ngoại lệ trong bức tranh toàn cảnh các đảng chính trị châu Âu”, một bối cảnh được đánh dấu bởi “sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy cực đoan” và tầm quan trọng của các vấn đề dân túy, trong đó nổi bật là việc chống nhập cư.
Các chuyên gia cho biết, giống như các đảng cực hữu khác ở châu Âu, Chega nắm bắt được những lo ngại về tài chính và cảm giác bất an nói chung của người dân. Mức lương thấp liên tục của Bồ Đào Nha đã không thể theo kịp lạm phát; giá nhà đất đã tăng gấp đôi trong 8 năm qua; và mọi người đã phản đối việc thiếu khả năng tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Ông Ventura đã hứa cắt giảm thuế, trả lương hưu cao hơn và ban hành các quy định chặt chẽ hơn về nhập cư. Dưới biểu ngữ “Bồ Đào Nha cần một cuộc dọn dẹp”, chính trị gia 41 tuổi xuất cũng vận động chống tham nhũng sau khi chính phủ cũ, đứng đầu là đảng Xã hội, sụp đổ trong bối cảnh cuộc điều tra liên quan đến nhượng quyền khai thác lithium.
Thủ tướng Bồ Đào Nha vào thời điểm đó, ông Antonio Costa - người đã nắm quyền từ năm 2015 và là người bất ngờ giành được đa số tuyệt đối trong cuộc tổng tuyển cử năm 2022 - chưa bị cáo buộc bất kỳ tội danh nào. Nhưng ông đã từ chức vào tháng 11 và nói rằng cuộc điều tra không phù hợp với vai trò chính thức của ông.
Thắng lợi của Chega có thể tạo động lực cho những người bảo thủ và các đảng cánh hữu để hy vọng đạt được những lợi ích đáng kể trong cuộc bầu cử ở Liên minh châu Âu (EU). Vì thế, không ngạc nhiên khi đảng Chega và ông Ventura đã nhận được sự cổ vũ của những nhà lãnh đạo cực hữu trên khắp cựu lục địa.
“Người Bồ Đào Nha bảo vệ danh tính và sự thịnh vượng của họ”, Jordan Bardella - chủ tịch đảng Tập hợp Quốc gia cực hữu của Pháp, đã viết trên mạng xã hội X vào Chủ nhật, đồng thời chúc mừng Chega và sớm gợi ý “bổ nhiệm” đảng này tại Nghị viện Châu Âu.
Những thông điệp tương tự đến từ các đảng cực hữu khác ở châu Âu như đảng “Sự lựa chọn vì nước Đức” tại Đức, đảng Vox ở Tây Ban Nha, đảng Fidesz ở Hungary và đảng Tự do tại Áo. Vicente Valentim, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Oxford ở Anh, nhận định kết quả bầu cử tại Bồ Đào Nha một lần nữa “nêu bật một xu hướng chung: sự ủng hộ dành cho phe cực hữu đang tăng rất nhanh”.
Từ chỗ là các lực lượng chính trị bên lề, các đảng cực hữu đã vươn lên trở thành một phần quan trọng trong dòng chảy chính trị châu Âu. Từ Thụy Điển cho tới Hà Lan, Đức, Ý, Hungary hay Tây Ban Nha… và bây giờ là Bồ Đào Nha, những đảng cực hữu đang đóng vai trò lớn trong việc thành lập các chính phủ liên minh hoặc thậm chí, nắm lấy vị trí dẫn đầu.
Bức tranh chính trị của lục địa già, vì thế, nhiều khả năng sẽ còn được vẽ lại tại nhiều quốc gia khác nữa, với xu hướng “rẽ phải” chi phối ngày càng mạnh mẽ lá phiếu của các cử tri.