Tống Xá - Vùng đất cổ lưu giữ những giá trị văn hóa làng nghề truyền thống

Làng Tống Xá nằm ở trung tâm huyện Ý Yên, trước kia thuộc xã Vạn Xá (xã Yên Xá), ngày nay thuộc thị trấn Lâm (sau khi sáp nhập xã Yên Xá và thị trấn Lâm). Từ một vùng quê nghèo, lạc hậu, làng Tống Xá hôm nay đã vươn mình mang dáng dấp của một tiểu đô thị với nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Làng Tống Xá nằm ở trung tâm huyện Ý Yên, trước kia thuộc xã Vạn Xá (xã Yên Xá), ngày nay thuộc thị trấn Lâm (sau khi sáp nhập xã Yên Xá và thị trấn Lâm). Từ một vùng quê nghèo, lạc hậu, làng Tống Xá hôm nay đã vươn mình mang dáng dấp của một tiểu đô thị với nhiều thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại.

Đoàn rước trong Lễ hội Đền thờ Đức Thánh tổ nghề đúc làng Tống Xá, thị trấn Lâm (Ý Yên).

Ngôi làng cổ 1.230 năm tuổi

Theo cuốn “Tống Xá - Làng nghề đúc truyền thống - Cội nguồn xưa và nay”, xưa kia, xã Vạn Xá (gồm 2 làng Vạn Điểm và Tống Xá) là một vùng đất hoang vu, cây cối um tùm, địa thế gồ ghề, có nơi thành gò đống, có nơi thành vùng trũng ngập nước. Vào ngày mồng 10 tháng Giêng năm Tân Mùi (791), 2 ông tổ là Tống Phúc Thành và Dương Vạn Hợp cùng hơn 20 gia nhân đã đến vùng đất này khai hoang, lập ấp, trồng màu, cấy lúa để kiếm sống, biến vùng đất hoang sơ thành một trang trại, đặt tên là trang Kiến Hòa. Trong khoảng thời gian từ năm 1010-1100, dân cư nơi đây ngày càng đông đúc, bộ máy hương chính địa phương đã tách trang Kiến Hòa thành các thôn, làng nhỏ. Khu vực trung tâm phía bắc có đa số người dòng họ Tống sinh sống nên được đặt tên là làng Tống Xá (nhà của họ Tống). Khu vực phía tây nam Tống Xá có đa số người dòng họ Dương cùng nhiều người dân từ làng Vạn Điểm (Hà Nam) di cư đến lập nghiệp nên được đặt tên là làng Vạn Điểm.

Năm 1118, nhà sư Nguyễn Chí Thành (pháp danh Minh Không) ở Chùa Điềm Xá, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) về vãn cảnh chùa làng Tống Xá. Sau khi tìm thấy ở cánh đồng phía đông làng Tống Xá có loại đất sét có thể làm được khuôn đúc, ông đã cùng với dân làng đào hố, lấy đất đem về làm khuôn rồi dạy dân làng nghề đúc kim loại, kéo bễ thổi lò, chế tạo ra các dụng cụ bằng gang, đồng… Từ đó, cánh đồng đào hố lấy đất sét được dân gian gọi là cánh đồng Cầu Hố. Cùng với dạy nghề đúc kim loại, nhà sư Nguyễn Chí Thành đã cho tu sửa lại chùa làng, đặt tên là “Cổ Liêu tự”. Để tưởng nhớ công lao của Thiền sư Nguyễn Minh Không, dân làng Tống Xá đã suy tôn ông là Đức Thánh tổ làng nghề và lập đền thờ tự.

Đất nghề hôm nay

Trải qua hơn 900 năm tồn tại và phát triển, nghề đúc đồng Tống Xá đã trở thành một trong những“cái nôi” của nghề đúc đồng trong cả nước. Trước năm 1945, nghề chính của làng Tống Xá chỉ làm đúc gang với những mặt hàng đơn giản là đồ thờ cúng, đồ gia dụng như: đỉnh đồng, lư hương, nồi, niêu, xoong, chảo... Các công đoạn đúc đều làm thủ công, chủ yếu dựa vào sức lao động của người thợ; dụng cụ, trang thiết bị còn thô sơ nên làm các công đoạn rất vất vả, người thợ phải tiếp xúc trực tiếp với khói bụi, khí độc. Ngày nay, trong sản xuất, công nghệ hiện đại đang dần thay thế những công đoạn thủ công truyền thống như: máy cắt CNC (tạo mẫu sản phẩm); máy phân tích quang phổ chuyên dụng (phân tích thành phần hóa học vật liệu), máy mài… đã phần nào giảm bớt sức lao động của người thợ. Tuy nhiên, để làm ra được một sản phẩm hoàn chỉnh, các sản phẩm đúc vẫn phải trải qua 7 công đoạn chính: tạo mẫu, tạo khuôn, nấu chảy nguyên liệu, rót khuôn, hoàn thiện sản phẩm (chạm trổ) và đánh bóng. Trong đó, công đoạn hoàn thiện sản phẩm mang yếu tố quyết định phần “hồn” của mỗi sản phẩm đúc. Sản phẩm đúc đồng của làng nghề Tống Xá rất đa dạng, phong phú, đạt đến trình độ tinh xảo từ đồ phong thủy, tranh, hoành phi, câu đối đến những bức tượng Phật, danh nhân văn hóa, lãnh tụ dân tộc với nhiều công trình quy mô lớn như: tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng Bác Hồ tại Nhà lưu niệm huyện Định Hóa (Thái Nguyên); tượng Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Nhà Lưu niệm tỉnh Quảng Trị; tượng Vua Lý Thái Tổ, tượng Phật tổ Như Lai đặt tại núi Non Nước, huyện Sóc Sơn (Hà Nội); tượng Quốc mẫu Âu Cơ và các vị Lạc tướng, Lạc hầu tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Hùng (Phú Thọ); tượng 14 vị vua thời Trần tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần - Chùa Phổ Minh (Nam Định); tượng Tam thế Phật tổ Như Lai tại Chùa Bái Đính (Ninh Bình)...

Về làng Tống Xá hôm nay, đi đến đâu cũng bắt gặp hình ảnh những bếp lửa đỏ rực; mỗi người thợ làng nghề vẫn luôn phấn đấu nâng cao tay nghề, đưa công nghệ đúc kim loại ngày một hiện đại hơn. Làng Tống Xá hiện có hơn 4.000 nhân khẩu với hơn 170 doanh nghiệp, cơ sở đúc; doanh thu làng nghề đạt hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Sản phẩm đúc đồng của làng nghề Tống Xá đã xuất khẩu sang hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Nét văn hóa làng nghề

Ngày nay, cùng với các sản phẩm đồ đồng có giá trị nghệ thuật cao thì những nét đẹp văn hóa phi vật thể của làng nghề Tống Xá cũng đang được các thế hệ người dân nơi đây kế thừa, gìn giữ và phát huy, tiêu biểu là tín ngưỡng thờ tổ nghề. Lễ hội Đền thờ Đức Thánh tổ nghề đúc được tổ chức 3 năm 1 lần vào các ngày 10, 11 và 12-2 âm lịch gồm các nghi lễ trang trọng như: lễ mộc dục, lễ cầu an, lễ rước kiệu, tế nam quan, tế nữ quan... Nghi lễ rước kiệu Đức Thánh tổ có sự tham gia của đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương. Nghi lễ được khởi hành từ Đền thờ Đức Thánh tổ đến Miếu Đằng Dương và ngược lại. Tham dự đoàn rước còn có các đội múa lân - sư - rồng, đoàn Phật tử, đội rước bát biểu, đội tế nam quan, nữ quan cùng các cụ cao niên trong làng. Sau khi đoàn rước yên vị tại Đền Đức Thánh tổ diễn ra nghi lễ rước lửa thiêng làng nghề từ đền thắp lên đài đuốc khai mạc lễ hội. Nét đặc sắc trong lễ hội làng Tống Xá là nghi lễ “hiến xảo” dâng Thánh. Để chuẩn bị cho nghi lễ này, các gia đình trong làng sẽ làm khuôn đúc để dâng cúng trước cửa đền. Ngoài các sản phẩm đồ thờ truyền thống như: chuông, tượng, đỉnh, cây đèn… thì các mặt hàng như: mỏ neo, chân vịt tàu thủy… cũng được mang ra để trình Đức Thánh tổ. Trong lễ hội Đền thờ Đức Thánh tổ Tống Xá diễn ra nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như: hát chèo, hát văn, vật cầu dưới bùn, leo cột mỡ, bắt vịt dưới ao, tổ tôm điếm, cờ tướng, múa kiếm, thả rồng bay... Trong đó, các tiết mục chèo của đội văn nghệ làng Tống Xá thường diễn các trích đoạn tự biên như: “Kiến Hòa mở hội”, “900 năm vàng son Thánh tổ truyền nghề”, “Thánh tổ Minh Không truyền nghề đúc Tống Xá”… tập trung làm nổi bật công lao của nhị vị Thành hoàng Tống Phúc Thành, Dương Vạn Hợp và Đức Thánh tổ Nguyễn Minh Không. Trong khuôn khổ lễ hội còn có thi thả đèn trời. Trước đây mỗi tối thả khoảng 100 chiếc đèn trời, mỗi gia đình đăng ký thi tài đều phải chuẩn bị nguyên vật liệu từ rất sớm, mỗi gia đình làm khoảng vài chục chiếc đèn trời để thi thả đèn trong 3 tối ngày 10, 11, 12. Từ những giá trị về lịch sử, văn hóa tín ngưỡng và vai trò của của lễ hội đối với đời sống cộng đồng, lễ hội Đền thờ Đức Thánh tổ làng Tống Xá đã được Bộ VH, TT và DL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019.

Về dự lễ hội Đền thờ Đức Thánh tổ nghề đúc làng Tống Xá vào dịp đầu xuân mới, du khách không chỉ tham quan, mua những sản phẩm đặc sắc của làng nghề mà còn hiểu thêm về lịch sử, hình thành và phát triển đầy tự hào của một làng nghề truyền thống Tống Xá./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5087/202101/tong-xa-vung-dat-co-luu-giu-nhung-gia-tri-van-hoa-lang-nghe-truyen-thong-2541990/