Tông xe chết người, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình có thoát tội nếu gia đình nạn nhân rút đơn?
Việc gia đình nạn nhân viết đơn xin bãi nại không phải là căn cứ để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho người gây ra tai nạn. Tuy nhiên, đây sẽ được coi là các tình tiết giảm nhẹ khi cơ quan tố tụng xem xét hành vi của người phạm tội.
Chiều 2/6, đại diện Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, BCH Đảng bộ tỉnh vừa họp thống nhất đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét cách các chức vụ hiện nay đối với ông Nguyễn Văn Điều - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình.
Tỉnh ủy Thái Bình nhận định, đến thời điểm này, sự việc đã rõ, các tình tiết đầy đủ, chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của ông Nguyễn Văn Điều và các thông tin về vụ việc được cơ quan pháp luật thực hiện khách quan, minh bạch.
Thường trực Tỉnh ủy Thái Bình thống nhất với nội dung báo cáo và giao cho 3 cơ quan trên thực hiện các bước tiếp theo nghiêm túc, chặt chẽ, có cân nhắc những tình tiết cụ thể; nghiên cứu đầy đủ các điều kiện, hoàn cảnh, gắn với việc xem xét lịch sử nhân thân và các điều kiện khác để lập hồ sơ vụ án toàn diện nhất, làm cơ sở thực hiện các bước tố tụng tiếp theo đúng quy định của pháp luật.
Theo kết quả xác minh, khoảng 18h10 ngày 8/5, ông Nguyễn Văn Điều lái xe ô tô lưu thông trên đường Trần Thủ Độ (phường Tiền Phong, TP Thái Bình). Khi lưu thông đến đoạn đối diện cây xăng Phiệt Học đã xảy ra va chạm giao thông khiến bà Phạm Thị Ng. (SN 1957) bị văng ra ngoài, va đập với 1 chiếc xe máy chạy ngược chiều. Hậu quả, người điều khiển xe máy bị thương nặng, còn bà Ng. tử vong tại chỗ.
Thay vì dừng lại để cấp cứu các nạn nhân, ông Điều tiếp tục điều khiển xe ô tô bỏ chạy và tông vào 1 xe máy khác làm tài xế này ngã ra đường. Khi chạy đến khu công nghiệp Phúc Khánh, chiếc xe bị người dân đuổi theo chặn được. Sau khi vụ tai nạn xảy ra, Ban thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã tạm dừng thực hiện nhiệm vụ của ông Điều để phục vụ công tác điều tra.
Ngày 29/5, căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP. Thái Bình ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" theo Điều 260 (BLHS 2015).
Đến thời điểm hiện tại, gia đình các bị hại đều có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Văn Điều. Trao đổi với phóng viên về tình tiết này, luật sư Vũ Đức Long (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định, nếu bản cam kết trên là thật thì đó cũng chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với ông Điều chứ không thể miễn trách nhiệm hình sự được. Bởi lẽ, đây không phải là tội danh khởi tố theo yêu cầu của bị hại được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự.
Luật sư Long cho rằng, khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là một chế định có từ rất lâu của luật tố tụng hình sự nước ta. Đây là một chế định cho phép đối với một số tội phạm (chủ yếu thuộc khoản 1 các tội xâm phạm về nhân thân và tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ), bị hại có quyền quyết định việc có khởi tố vụ án hình sự hay không thông qua yêu cầu khởi tố. Đồng thời nếu việc khởi tố, điều tra, truy tố đã diễn ra nhưng bị hại thấy không muốn xử lý người phạm tội nữa thì pháp luật cũng cho phép họ được quyền rút yêu cầu này và lúc này vụ án phải được đình chỉ.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp có đơn xin bãi nại của người bị hại thì không phải chịu trách nhiệm hình sự mà chỉ có một số tội danh được quy định tại Điều 155 (Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015). Điều luật này quy định: "Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết; Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án".
Theo luật sư Long, đối chiếu với quy định trên, tội phạm quy định tại Điều 260 (Bộ luật hình sự 2015) không thuộc trường hợp chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại… Do đó, trường hợp người gây tai nạn giao thông dẫn đến chết người dù có đơn bãi nại của gia đình nạn nhân thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tùy tính chất, mức độ vi phạm, người gây tai nạn sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
"Đây là tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" nên theo quy định của pháp luật, vụ án này không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Do vậy, việc bị hại rút đơn sẽ không ảnh hưởng gì đến việc giải quyết vụ án nên nó vẫn sẽ tiếp tục được giải quyết theo quy định pháp luật về tố tụng hình sự. Tuy nhiên, đây sẽ được coi là các tình tiết giảm nhẹ khi cơ quan tố tụng xem xét hành vi của người phạm tội", luật sư Long nhận định.