Tony Lê: 'Tôi suýt ngất khi tập cùng U20 Việt Nam'
Tony Lê Tuấn Anh, cầu thủ Việt kiều đang khoác áo CLB Bình Định, cho biết nỗi lo lớn nhất của anh khi chơi bóng ở V.League là thời tiết vào mùa hè.
Tôi thích cuộc sống ở Quy Nhơn. Thành phố này không quá đông người, mà lại có biển. Tôi rất thích biển vì ở CH Czech không có. Tôi không thích sống ở Hà Nội hay TP.HCM vì ở đó đông người quá. Ở Quy Nhơn, tôi có thể qua đường dễ dàng hơn. Nhịp sống vừa phải và đồ ăn ở Quy Nhơn cũng rẻ hơn nữa.
Tôi chỉ mới trở lại Việt Nam khoảng 2 tháng, thời tiết giờ vẫn còn dễ chịu Nhưng mùa hè chắc tôi chết ở đây mất.
'Tôi từng chạy tốt hơn Hà Đức Chinh'
Tôi từng được tập luyện cùng U20 Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cho vòng chung kết U20 World Cup 2017 diễn ra tại Hàn Quốc. Tôi trở về nước vào mùa hè.
Thời điểm đó, thời tiết quá nóng khiến tôi không thể thể hiện hết khả năng của mình. Tôi cũng chỉ có khoảng 14 ngày để thể hiện, đó là khoảng thời gian quá ngắn.
Tôi nhớ có lần cả đội phải chạy 10 km trên bờ biển dưới trời nắng. Lúc đó, tôi chưa được ăn sáng. Tôi suýt ngất trong lúc tập luyện. Đó là ký ức khiến tôi còn cảm thấy sợ hãi. Còn ở những bài tập chạy khác ở sân, tôi không gặp nhiều vấn đề. Tôi từng chạy tốt hơn cả anh Chinh (Hà Đức Chinh).
Một khó khăn khác của tôi là thầy Tuấn (HLV Hoàng Anh Tuấn) nói giọng địa phương. Nhiều lần tôi không hiểu thầy đang nói gì. Giờ đây, mọi chuyện dễ dàng hơn khi thầy Thắng (HLV Nguyễn Đức Thắng) nói giọng Hà Nội.
Tôi có nhiều kỷ niệm đẹp với các đồng đội. Mọi người đều rất thân thiện. Tôi nhớ những kỷ niệm được đi tắm biển cùng mọi người. Tôi cũng thường bị thầy Tuấn mắng mỗi khi xử lý không tốt, nhưng tôi rất biết ơn điều này vì tôi đã tiến bộ hơn và thầy cũng quan tâm đến tôi. Sau mỗi lần bị mắng, tôi cảm thấy quyết tâm hơn.
Thầy Tuấn là người thầy đầu tiên của tôi ở Việt Nam. Tôi muốn nói lời cảm ơn ông ấy. Ông ấy cho tôi nhiều lời khuyên. Ông nói nếu muốn được khoác áo đội tuyển quốc gia, tôi phải trở về Việt Nam thi đấu ở V.League. Nếu không, mọi người sẽ không biết tôi là ai.
Thầy cũng khuyên tôi cố gắng hồi phục, nỗ lực tập luyện. Ông Juergen Gede thì bảo tôi cải thiện tốc độ, vì lúc đó tôi rất chậm chạp, nặng nề.
Sau khi bị loại, tôi không cảm thấy áp lực, chán nản hay thất vọng gì. Tôi cảm thấy mình có nhiều động lực hơn. Tôi chỉ hơi buồn vì không có nhiều thời gian để chứng tỏ thôi.
Tôi không cảm thấy áp lực vì việc được ưu ái cho tập luyện ở U20 Việt Nam. Trong khoảng thời gian đó, tôi không đọc được tiếng Việt. Tôi nghĩ đó cũng là một điều tích cực khi chỉ tập trung vào bóng đá.
'Thu nhập ở Việt Nam tốt hơn CH Czech'
Khi chia tay U20 Việt Nam, tôi trở về CH Czech và tiếp tục việc học. Tôi tốt nghiệp cấp 3, thi vào đại học và thi đấu cho CLB Bohemians.
Mùa giải này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ở CH Czech, chỉ có giải vô địch quốc gia và hạng Nhất mới được diễn ra. Vì vậy, tôi không được chơi bóng và muốn trở về Việt Nam.
Tony Lê Tuấn Anh sinh năm 1999, đang khoác áo CLB Bình Định theo một bản hợp đồng cho mượn. Anh đang thuộc biên chế của Bohemians, CLB đang thi đấu ở giải vô địch quốc gia CH Czech. Trước khi về Việt Nam, anh chơi cho đội trẻ của Bohemians ở giải hạng 3 CH Czech.
Tôi gặp ban lãnh đạo CLB Bohemians để hỏi về tương lai nhưng họ nói chưa thể quyết định ngay. Tôi đặt vấn đề trở về Việt Nám và họ trả lời “nếu muốn vậy, cậu phải ký hợp đồng 2 năm và chúng tôi sẽ để cậu đi”. Và giờ đây, tôi ký hợp đồng cho mượn với Bình Định.
Nếu không có Covid-19, tôi nghĩ CLB Bohemians không để tôi đi dễ dàng. Tôi đã nói chuyện 2 lần với ban lãnh đạo mới được chấp thuận. Trong điều kiện bình thường, tôi nghĩ mình cần phải thuyết phục đến 5,6 lần. Ở đó, tôi được thi đấu thường xuyên.
Ở CLB Bình Định, tôi chỉ nhận lương của cầu thủ trẻ. Lương ở CH Czech cao hơn, nhưng thu nhập ở Việt Nam lại tốt hơn. Khoản tiền thưởng sau mỗi trận đấu ở CLB Bình Định là khá ổn.
Tôi nghĩ đây là cơ hội tốt khi trở lại Việt Nam. Tôi thích đón nhận những thử thách mới, tôi hạnh phúc khi trở lại. Tôi không đặt mục tiêu cụ thể qua con số như được đá bao nhiêu trận, ghi bao nhiêu bàn. Tôi trở lại để học cách chơi bóng, để trưởng thành hơn vì trước đây tôi sống cùng bố mẹ. Đây là lần đầu tiên tôi sống tự lập.
Trước khi hội quân cùng CLB Bình Định, tôi nói chuyện nhiều với anh Mạc Hồng Quân. Chúng tôi ở cùng nhau trong khoảng thời gian cách ly y tế. Chúng tôi nói nhiều về bóng đá Việt Nam, con người Việt Nam. Anh ấy cho tôi nhiều lời khuyên. Anh ấy khuyên tôi phải tử tế với mọi người, luôn giữ thái độ cầu thị và khiêm tốn.
Tôi coi anh Quân và anh Lâm (Đặng Văn Lâm) là thần tượng, là hình mẫu để tôi theo đuổi. Anh Quân nổi tiếng ở Việt Nam, còn anh Lâm đã là một siêu sao.
Ở CLB Bình Định, tôi hòa nhập rất tốt cùng các đồng đội. Họ luôn thân thiện và giúp đỡ tôi. Họ còn dạy thêm tiếng Việt cho tôi.
Tôi rất tôn trọng thầy Thắng. Ông ấy là HLV tuyệt vời. Ông ấy truyền đạt tốt ý đồ chơi bóng cho toàn đội và luôn tìm hiểu kỹ chiến thuật của đối phương. Tôi cũng muốn cảm ơn thầy Thắng vì đã trao cho tôi nhiều cơ hội, nhiều thời gian để thể hiện.
Giờ đây, tôi không còn gặp áp lực về mặt thời gian như ở U20 Việt Nam. Vì vậy, tôi đang cảm thấy thoải mái và rất tự tin.
Tôi cũng tiến bộ hơn khi so với thời ở U20. Lần đầu chơi bóng ở Việt Nam, tôi không biết phải làm gì. Mọi thứ đều mới mẻ. Nhưng giờ đây, tôi đã chuẩn bị tâm lý. Ở U20, tôi hơi béo và không có cơ bắp. Nhưng lần này thì đã khác. Tôi cũng nhanh hơn. Tôi là người chạy nhanh thứ 6 trong đội. Tôi tin mình có thể chơi tốt ở V.League.
'Tôi không dám tính số tiền đã bỏ ra'
Sau đợt tập trung U20 World Cup, tôi bị chấn thương đầu gối nhưng không thể phẫu thuật. Bố tôi nói rằng nếu phẫu thuật, tôi phải bỏ bóng đá. Tôi phải nẹp chân, không cử động suốt 1 tháng, hồi phục 4, 5 tháng mới có thể trở lại. Lúc đó, tôi rất nhớ và thèm cảm giác được chơi bóng.
Ở CH Czech, việc hồi phục rất tốt. Tôi đi bơi, đạp xe, thuê người massage và cả HLV thể lực.. Lúc đó, gia đình tôi phải tự bỏ tiền để hồi phục. Chi phí lúc đó là khoảng 1,1 triệu đồng/tiếng. Tôi không dám tính tổng số tiền vì nhiều quá.
Một tuần tôi tập khoảng 2 buổi như thế. Còn lại, tôi tập 2 buổi cùng CLB và không cần trả tiền. Tuy nhiên, ở CLB, tôi không được tập luyện riêng cùng HLV.
Những bài tập ở châu Âu, tôi cũng áp dụng đến bây giờ để phòng ngừa chấn thương. Giai đoạn hồi phục đó cũng giúp tôi mạnh mẽ hơn.
Đây không phải là lần đầu tiên gia đình tự bỏ tiền để giúp tôi theo đuổi bóng đá. Khi tôi còn nhỏ, bố thuê cả một sân để 2 bố con tập cùng nhau. Chi phí cũng đắt nhưng tôi không quan tâm vì lúc đó chưa biết gì.
Từ năm 9 tuổi, tôi phải dậy từ 6h30 để tập hít đất và gập bụng. Từ năm 13 đến 19 tuổi, bố luôn bắt tôi 6h sáng dậy để chạy bộ hoặc đi bơi hoặc tập với bóng. Lúc nhỏ, tôi rất ghét việc đó vì 8h phải đi học. Tôi muốn ngủ thêm. Nhiều lúc tôi vừa tập vừa khóc. Nhưng giờ đây, tôi biết ơn bố vì những điều đó. Bố là người quan trọng nhất cuộc đời tôi.
Bố muốn tôi trở thành cầu thủ chuyên nghiệp ngay từ nhỏ. Ông rất đam mê bóng đá. Ông có thể xem bóng đá từ sáng đến chiều mà không chán.
'Tôi mơ được khoác áo đội tuyển quốc gia'
Nhiều người nói trở về Việt Nam là một bước lùi trong sự nghiệp nhưng tôi không nghĩ thế. V.League giờ đã ở đẳng cấp cao hơn. Tôi thường xuyên theo dõi V.League khi còn ở CH Czech. Trước đây, tôi chỉ xem CLB Hà Nội nhưng tôi thấy bây giờ đội nào cũng mạnh, không còn khoảng cách lớn nữa.
Các đồng đội cũ của tôi đều tiến bộ nhiều. Tấn Tài giờ là cầu thủ rất hay, anh ấy có thể chơi bóng ở châu Âu. Quang Hải cũng vậy. Văn Hậu thì có những bước tiến mạnh mẽ.
Nếu có cơ hội được ra nước ngoài, họ cần thêm thời gian để chứng tỏ. Họ cũng cần làm quen với các yếu tố khác như ẩm thực, thời tiết, lối sống… Tôi nghĩ mùa đông ở châu Âu cũng khiến họ gặp nhiều khó khăn.
Thành tích ở các đội tuyển quốc gia cũng rất tốt. Chúng ta đã vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019 và đặc biệt là ngôi á quân ở vòng chung kết U23 châu Á 2018.
Tôi nhớ mãi trận đấu trong tuyết với Uzbekistan. Tôi rất buồn khi đội nhận bàn thua ở hiệp phụ. Tôi cũng vui cho các đồng đội của mình ở U20 Việt Nam. Tôi theo dõi họ cả giải đấu. Họ đã chơi xuất sắc.
Qua truyền thông, tôi thấy đường xá ở Việt Nam đông đúc với rất nhiều cờ đỏ sao vàng được tung bay. Những hình ảnh đó gợi nhiều cảm xúc cho tôi. Tôi hy vọng mình có thể đóng góp gì đó để tái hiện hình ảnh này.
Được khoác áo đội tuyển quốc gia luôn là giấc mơ của tôi. Tôi luôn yêu Việt Nam, từ văn hóa, lối sống, ẩm thực và cả con người. Tôi yêu cái tên Việt Nam của mình, thích được gọi là Tuấn Anh thay vì Tony.