Top 10 cầu thủ 'tụt dốc không phanh' khi sang đội bóng mới, Coutinho là cái tên nổi bật?

Làng túc cầu thế giới đã chứng kiến nhiều trường hợp giống như Coutinho. Họ thi đấu cực hay tại một đội bóng, nhưng sau đó lại tụt dốc không phanh khi chuyển sang CLB khác. Dưới đây là 10 cầu thủ sa sút phong độ ở đội bóng mới mà người hâm mộ nên biết.

Wijnaldum là nhân tố chủ chốt của Liverpool trong giai đoạn 2016-2021. Tiền vệ người Hà Lan đã đóng góp đáng kể vào thành công của The Kop trong giai đoạn này. Anh cùng đội bóng của mình giành 4 danh hiệu, trong đó có 1 Premier League và 1 Champions League. Đến mùa hè 2021, Wijnaldum đã rời Liverpool sau khi không tìm được tiếng nói chung trong quá trình thương thảo hợp đồng. Anh gia nhập PSG, nhưng đây dường như lại là quyết định sai lầm của tiền vệ sinh năm 1990. Ở mùa giải 2021/22, Wijnaldum không còn giữ vững suất thi đấu của mình. Theo L’Equipe, Georginio đang bị nhóm cầu thủ Nam Mỹ của PSG cô lập, bao gồm Lionel Messi. Thậm chí, hồi tháng 10/2021 cá nhân tiền vệ người Hà Lan từng công khai chia sẻ, anh không cảm thấy hạnh phúc tại PSG. Cuộc sống mới tại nước Pháp rõ ràng đã không diễn ra suôn sẻ, giống như kỳ vọng của cựu sao Liverpool. Ảnh: Getty Images

Trong màu áo Liverpool, Michael Owen đã xô đổ nhiều kỷ lục nhờ thành tích ghi bàn siêu hạng của mình. Anh chính là cầu thủ trẻ nhất cán mốc 100 bàn thắng tại Premier League ở tuổi 23 và 133 ngày. Trong thời gian thi đấu cho The Kop, cựu tuyển thủ ĐT Anh đã ghi 158 bàn thắng. Đến hè 2004, Owen gia nhập Real Madrid, tại thời điểm mà đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha đang theo đuổi chính sách Galacticos. Tuy nhiên, giữa dàn sao của Real Madrid, Owen lại tỏ ra lạc lõng và thường xuyên ngồi dự bị. Chính vì thế, chỉ sau một mùa giải với thành tích ra sân 45 trận và ghi 16 bàn, anh đã phải rời Tây Ban Nha để trở về nước Anh, với bến đỗ là Newcastle United. Owen vẫn không thể tìm lại phong độ như hồi còn thuộc biên chế Liverpool. Sự nghiệp của anh xuống dốc không phanh, nhất là sau khi bị đứt dây chằng hồi mùa hè năm 2006. Đến năm 2009, Owen bất ngờ gia nhập đại kình địch của Liverpool là MU. Đến mùa hè năm 2012, Owen gia nhập Stoke City rồi giải nghệ vào cuối mùa. Ảnh: Getty Images

Andriy Shevchenko, danh thủ người Ukraine sớm nổi lên trong màu áo Dynamo Kyiv. Sau đó, ông tiếp tục rực sáng khi chuyển sang đầu quân cho AC Milan. Trong thời gian thuộc biên chế đội chủ sân San Siro, Shevchenko ghi được 173 bàn thắng, giành 5 danh hiệu, bao gồm 1 Champions League. Năm 2004, cựu tiền đạo sinh năm 1976 nhận luôn giải thưởng Quả Bóng Vàng. Ấn tượng trước màn thể hiện của Shevchenko, tỷ phú người Nga Roman Abramovich đã quyết định đưa cựu chân sút người Ukraine về Chelsea với phí chuyển nhượng lên đến 30,8 triệu Bảng. Tuy nhiên, trong màu áo đội bóng nước Anh, Shevchenko lại không thể tỏa sáng như hồi còn thuộc biên chế AC Milan. Hai năm tại đây, ông chỉ ghi được vỏn vẹn 22 bàn thắng trên mọi đấu trường. Đến mùa giải 2008/09, Shevchenko về AC Milan, nhưng ông vẫn không thể lấy lại phong độ đỉnh cao của mình. Sau này, ông về lại Dynamo Kyiv, thi đấu thêm 3 năm nữa rồi giải nghệ. Ảnh: Getty

Tài năng của Antoine Griezmann đã được khẳng định trong 5 mùa giải khoác áo Atletico Madrid. Trong giai đoạn này, anh ghi đến 133 bàn thắng và cùng đội bóng của mình giành 3 danh hiệu. Mặc dù vậy, phong độ của Griezmann bắt đầu xuống dốc sau khi anh gia nhập Barcelona vào năm 2019. Đội chủ sân Camp Nou đã mua cầu thủ người Pháp với giá 120 triệu Euro, nhưng màn trình diễn sau đó của anh lại không tương xứng với số tiền này. Anh tỏ ra lạc nhịp với các đồng đội và chỉ có thể ghi 35 bàn sau 102 trận. Đầu mùa giải 2021/22, Griezmann đã phải trở về mái nhà xưa Atletico Madrid, nhưng màn trình diễn vẫn chưa được anh cải thiện. Ảnh: internet

Ngay sau khi được Arsenal chiêu mộ từ Stuttgart vào năm 2005, Hleb đã cho thấy sự hòa nhập nhanh của mình. Mùa giải đầu tiên tại Pháo thủ thành London, anh ra sân 40 trận trên mọi đấu trường, bao gồm trận chung kết UEFA Champions. Ở mùa giải tiếp theo, tiền vệ người Belarus còn thi đấu chói sáng hơn. Anh cùng với Tomas Rosicky, Cesc Fabregas và Mathieu Flamini tạo thành “Bộ tứ siêu đẳng” nơi hàng tiền vệ. Bên cạnh đó, sự đa năng của Hleb cũng giúp ích rất nhiều cho đội bóng của HLV Arsene Wenger tại thời điểm bấy giờ. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng sau quyết định gia nhập Barcelona của Hleb vào năm 2008. Tại đội chủ sân Camp Nou, cựu cầu thủ sinh năm 1981 gặp khó trong việc tìm một suất thi đấu ổn định khi anh phải cạnh tranh với những tiền vệ xuất sắc khác như Xavi, Andres Iniesta hay Sergio Busquets. Không có chỗ đứng, Hleb đã được đem đi cho mượn tại 3 đội bóng khác nhau. Đến năm 2012, anh sang Nga để gia nhập Krylia Sovetov Samara. Trong quãng thời gian còn lại của sự nghiệp, Hleb đã kinh qua một loạt đội bóng, trước khi giải nghệ tại đội bóng cũ BATE Borisov vào năm 2019. Ảnh: Getty Images

Khi còn thuộc biên chế Arsenal, Alexis Sanchez chính là đầu tàu trên hàng công của Pháo Thủ. Chân sút người Chile đã ghi đến 80 bàn thắng chỉ sau 3 năm rưỡi tại đội bóng thành London. Tuy nhiên, sau khi chuyển sang MU hồi đầu năm 2018, Sanchez đã không thể duy trì phong độ ấn tượng này. Bên cạnh đó, tiền đạo sinh năm 1988 cũng thường xuyên dính chấn thương và việc hưởng lương cao ngất ngưởng đã biến anh trở thành gánh nặng của “Quỷ Đỏ”. Sau 45 trận thi đấu nhưng ghi vỏn vẹn 5 bàn thắng, Sanchez đã bị đẩy sang Inter Milan theo dạng cho mượn. Đến năm 2020, anh được bán đứt cho đội bóng thành Milano. Mặc dù những tín hiệu tích cực đã trở lại với Sanchez, nhưng màn trình diễn chói sáng như hồi còn ở Arsenal đã không bao giờ được anh tái hiện. Ảnh: Getty

Coutinho lại một thương vụ thảm họa khác của Barcelona. Anh nổi danh trong 6 năm khoác áo Liverpool, nhưng sau đó đã đánh mất chính mình khi gia nhập Barcelona hồi năm 2018. Tại thời điểm đó, đội chủ sân Camp Nou phải bỏ ra 142 triệu Bảng để đổi lấy sự phục vụ của tiền vệ người Brazil. Thi đấu dưới kỳ vọng, Coutinho sau đó đã gia nhập Bayern Munich theo dạng cho mượn hồi mùa giải 2019/20. Tại đây, anh cùng “Hùm xám” vùng Bavaria giành cú ăn 3 lịch sử. Đáng nói hơn, chính Coutinho là người lập cú đúp vào lưới đội bóng chủ quản trong thắng lợi 8-2 của Bayern, thuộc tứ kết Champions League. Trở về Camp Nou sau một mùa giải đầy ắp danh hiệu tại Đức, Coutinho vẫn tỏ ra lạc lõng. Đầu năm 2022, anh trở về Premier League với bến đỗ là Aston Villa. Bản hợp đồng cho mượn này kéo dài đến hết mùa giải, kèm điều khoản mua đứt. Ảnh: Getty

Quãng thời gian khoác áo Liverpool chính là giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp của Torres. Thành tích ghi 65 bàn sau 3 năm rưỡi tại Premier League đã biến anh trở thành một sát thủ thực sự của giải đấu. Đến đầu năm 2011, Torres được Chelsea mua về với giá 50 triệu Bảng, biến anh trở thành bản hợp đồng đắt giá nhất Premier League tại thời điểm bấy giờ. Tuy nhiên, phong độ của chân sút người Tây Ban Nha từ đó đã xuống dốc không phanh. Khả năng săn bàn của Torres bị thui chột đáng kể và anh chỉ có thể ghi được 45 bàn thắng trên mọi đấu trường sau 4 mùa giải tại đây. Sau này, Torres được đem đi cho mượn tại AC Milan và Atletico Madrid. Anh khởi đầu khá suôn sẻ tại những đội bóng này, nhưng vẫn không thể tái hiện hình ảnh đáng sợ ngày nào. Đến năm 2016, Torres được bán đứt cho Atletico. Sau đó 2 năm, anh dạt sang Nhật Bản để thi đấu cho Sagan Tosu trong 2 năm cuối sự nghiệp. Ảnh: Getty Images

Eden Hazard thi đấu cực kỳ chói sáng trong màu áo Chelsea. Đặc biệt, trong năm cuối tại đội chủ sân Stamford Bridge, cầu thủ người Bỉ đã ghi đến 21 bàn và kiến tạo 18 lần. Đây cũng chính là mùa giải rực sáng nhất trong sự nghiệp của Hazard. Đến năm 2019, Hazard gia nhập Real Madrid với mức phí chuyển nhượng 100 triệu Euro. Tuy nhiên, cơn ác mộng của Hazard cũng bắt đầu từ đây. Anh thường xuyên dính chấn thương, bắt đầu tăng cân và dần trở thành người thừa tại đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha. Trong hai mùa giải đầu tiên chơi bóng tại Tây Ban Nha, cầu thủ sinh năm 1991 chỉ ghi được 5 bàn thắng. Đến mùa giải 2021/22, anh mất suất thi đấu vào tay của Vinicius Junior. Ảnh: Getty Images

AC Milan chính là nơi đã nâng tầm sự nghiệp của Kaka. Tiền vệ người Brazil rực sáng trong quãng thời gian 6 mùa giải thuộc biên chế đội bóng nước Ý. Cụ thể, anh ghi đến 95 bàn, kiến tạo 77 lần, giành 5 danh hiệu và nhận Quả Bóng Vàng vào năm 2007. Đến năm 2009, anh gia nhập Real Madrid, thương vụ này có giá trị lên đến 67 triệu Euro. Tuy nhiên, sự nghiệp của Kaka cũng đi xuống từ đây. Anh thường xuyên chấn thương và không đóng góp đáng kể vào thành tích của đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha. Sau 4 mùa giải, Kaka trở về Milan vào năm 2013, rồi lần lượt gia nhập Sao Paulo và Orlando City. Anh giải nghệ vào năm 2017. Ảnh: internet

Đ.T

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/top-10-cau-thu-tut-doc-khong-phanh-khi-sang-doi-bong-moi-coutinho-la-cai-ten-noi-bat-post177798.html