Top 10 ngân hàng dẫn đầu về số dư tiền gửi khách hàng trong năm 2024
Trong năm 2024, 10 ngân hàng có lượng tiền gửi khách hàng nhiều nhất lần lượt là: Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, MB, Sacombank, ACB, Techcombank, SHB, VPBank...
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_341_51449463/415ef581c0cf299170de.jpg)
Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều đã công bố báo cáo tài chính quý 4 và cả năm 2024. Báo cáo cũng tiết lộ một trong những tiêu chí quan trọng là lượng tiền gửi khách hàng tại các ngân hàng này trong năm qua.
TOP 10 NGÂN HÀNG CÓ SỐ DƯ TIỀN GỬI LỚN NHẤT NĂM 2024
Theo số liệu từ Thương Gia tổng hợp từ báo cáo tài chính của 26 ngân hàng, tổng số dư tiền gửi khách hàng tại các ngân hàng đã tăng 11,7% so với năm 2023, đạt xấp xỉ 13 triệu tỷ đồng vào ngày 31/12/2024.
Xét về số dư tuyệt đối, Agribank hiện đang dẫn đầu toàn ngành với 2 triệu tỷ đồng tiền gửi, tăng 10,1%, tương đương 182.729 tỷ đồng so với đầu năm.
BIDV và VietinBank lần lượt đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba trong nhóm Big4 cũng như toàn ngành ngân hàng. Trong đó, BIDV ghi nhận số dư tiền gửi ở mức 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 14,6%, còn ngân hàng VietinBank đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 13,8% so với năm ngoái.
Số dư tiền gửi ngân hàng Vietcombank đứng ở vị trí thứ 4 toàn ngành và cũng là vị trí cuối cùng trong nhóm Big4 với 1,52 triệu tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần, MB tiếp tục chiếm vị trí dẫn đầu về lượng tiền gửi với số dư đạt 714.154 tỷ đồng, tăng 25,8% so với đầu năm. Tuy nhiên, nếu so sánh với nhóm các ngân hàng quốc doanh, số dư tiền gửi của MB vẫn chưa bằng một nửa và đứng ở vị trí thứ 5 so với toàn bộ các ngân hàng Việt theo khảo sát.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_341_51449463/09d4b40b8145681b3154.jpg)
Xếp ở vị trí thứ 5 và 6 về số dư tiền gửi khách hàng lần lượt thuộc về Sacombank và ACB. Cụ thể, Sacombank ghi nhận 566.882 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước, còn ACB ghi nhận 537.305 tỷ đồng, tăng 11,3%. Một ngân hàng khác ghi nhận mức tiền gửi trên 500.000 tỷ đồng là Techcombank với 533.392 tỷ đồng, tăng 17,3%.
Hai vị trí chót bảng trong danh sách 10 ngân hàng có lượng tiền gửi lớn nhất năm 2024 là SHB và VPBank với lần lượt 499.897 tỷ đồng và 485.667 tỷ đồng, tương ứng tăng 11,7% và 9,8%.
Xét về tốc độ tăng trưởng, phần lớn các ngân hàng đều ghi nhận mức tăng tiền gửi so với cùng kỳ. Trong đó, MB là ngân hàng có số dư tiền gửi tăng nhanh nhất, cao hơn đầu năm 25,8%. Theo sau đó là ngân hàng NCB với số dư tiền gửi vào cuối tháng 12 đạt 96.117 tỷ đồng, tăng 25,1% so với đầu năm.
Đồng thời, có tới 18 trên tổng số 26 ngân hàng tăng trưởng tiền gửi hai con số, đơn cử như MB (tăng 25,8%, tương đương 146.621 tỷ đồng), NCB (tăng 25,1%, tương đương 19.267 tỷ đồng), PGBank (tăng 21,3%, tương đương 7.596 tỷ đồng), LPBank (tăng 19,3%, tương đương 45.780 tỷ đồng) và HDBank (tăng 18%, tương đương 66.727 tỷ đồng)...
Ngược lại, số dư tiền gửi tại ngân hàng ABBank lại ghi nhận giảm từ 100.034 tỷ đồng xuống còn 90.719 tỷ đồng, tức giảm 9,3%.
LÃI SUẤT HUY ĐỘNG 12 THÁNG CÁC NGÂN HÀNG LỚN SẼ Ở QUANH MỨC 5 - 5,2%
Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) cho biết, sau khoảng 2 tháng chững lại, lãi suất huy động đã bắt đầu tăng trở lại kể từ tháng 11 nhằm đảm bảo thanh khoản phục vụ cho nhu cầu tín dụng thường có xu hướng tăng về những tháng cuối năm.
Theo MBS, lãi suất đầu vào tiếp tục duy trì xu hướng tăng trong tháng 12 với 12 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm với mức tăng từ 0,1 - 0,3%/năm. Xu hướng tăng này được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 12 đã tăng 15,08% so với cuối năm 2023 – vượt mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đặt ra là 15%.
Bên cạnh đó, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 9 năm nay đã tăng 4,55% so với cuối năm 2023, gần bằng mức cuối năm 2023 và tăng gấp đôi so với mức 2% của năm 2022. Do đó, điều này là một yếu tố góp phần thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản.
Theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 12 của MBS, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trung bình của nhóm ngân hàng thương mại đạt mức 5,1% (cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với đầu năm). Trong khi đó, lãi suất của các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn giữ nguyên ở mức 4,7%, thấp hơn 0,26 điểm phần trăm so với đầu năm.
MBS cho rằng, dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ bị hạn chế hơn so với dự kiến dưới áp lực của đồng USD mạnh lên và rủi ro về việc Mỹ tiếp tục thực hiện các cuộc điều tra về thao túng tiền tệ. Trong kịch bản đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cần áp dụng một lập trường chính sách tiền tệ thận trọng hơn để kiểm soát sự ổn định của tỷ giá, đồng nghĩa với việc dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ có thể bị hạn chế.
Do đó, nhóm phân tích không kỳ vọng sẽ có bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất chính sách nào trong năm 2025. Cùng với đó, sự phục hồi của hoạt động sản xuất và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, qua đó sẽ gia tăng áp lực lên lãi suất đầu vào. Tuy vậy, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chỉ đạo về việc ổn định lãi suất huy động và tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
"Dựa vào các yếu tố trên, chúng tôi dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn sẽ dao động quanh mức 5 - 5,2% trong năm 2025", MBS cho hay.