Top 19 doanh nghiệp lỗ trăm, ngàn tỷ năm 2022

Có 81/703 doanh nghiệp báo lỗ trong năm 2022 với tổng số hơn 21.200 tỷ đồng.

Theo số liệu cập nhật đến ngày 5/2/2023, trên cả hai sàn HoSE và HNX ghi nhận 703 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý 4/2022.

Theo đó có 81 doanh nghiệp báo lỗ trong năm 2022 với tổng số hơn 21.200 tỷ đồng. Trong top 19 doanh nghiệp báo lỗ từ hàng trăm tỷ trở lên, chỉ có HVN và HNG là tiếp tục duy trì kết quả kinh doanh âm như năm trước đó, còn lại ghi nhận năm trước vẫn có lãi khả quan.

Riêng Vietnam Airlines (HVN) đã chiếm 50% tổng số lỗ này với 10.452 tỷ đồng, nhưng vẫn thấp hơn mức lỗ của năm 2021 (-12.907 tỷ) và 2020 (-10.927 tỷ), nâng lỗ lũy kế lên tới 34.200 tỷ đồng.

"Á quân" về thua lỗ năm 2022 chính là HAGL Agrico (HNG) với hơn 3.565 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2021, nâng lỗ lũy kế lên 6.800 tỷ đồng. Số lỗ năm qua của HAGL tập trung chủ yếu ở quý 4 với gần 2.800 tỷ đồng do ghi nhận chi phí chuyển đổi vưàn cây.

Theo HNG, tại ngày 31/12/2022, Công ty ghi nhận chi phí chuyển đổi vườn cây từ năm 2020 trở về trước nhưng chưa hạch toán bao gồm cây cao su, cọ dầu và cây ăn trái.

Ngoài ra, ảnh hưởng bão Noru thời điểm tháng 9/2022 và tình trạng thiếu hụt lao động ở Lào dẫn đến sản lượng chuối giảm mạnh 68%. Các chi phí đầu vào là phân bón và chi phí vận chuyển tăng cũng là nguyên nhân khiến HNG chịu thua lỗ.

Cũng xếp ở top 3 lỗ ngàn tỷ chính là Pomina (POM) với 1.167 tỷ đồng, nguyên nhân do tín dụng ngân hàng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh. Trong khi đó, giá nguyên vật liệu nhập về còn cao và nhu cầu tiêu thụ thép giảm mạnh.

 19 doanh nghiệp lỗ trên trăm tỷ năm 2022 (số liệu tính đến ngày 5/2/2023). Đvt: Tỷ đồng

19 doanh nghiệp lỗ trên trăm tỷ năm 2022 (số liệu tính đến ngày 5/2/2023). Đvt: Tỷ đồng

Các ngành có diễn biến tích cực và kém tích cực trong năm 2022

Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), đóng góp tuyệt đối lớn nhất theo ngành vào tăng trưởng LNST chung năm 2022 trong danh mục theo dõi của VCSC là nhóm ngành Tài chính và Dầu khí, xếp tiếp theo là Công nghiệp & Đa ngành và Giao thông Vận tải.

3 ngành này cũng có tốc độ tăng trưởng cao nhất so cùng kỳ, với LNST ngành Dầu khí tăng 72%, Công nghiệp & Đa ngành tăng 42% và Tài chính tăng 34%. Trong khi ngành Giao thông Vận tải có thay đổi tuyệt đối dương trong LNST là 6,4 nghìn tỷ đồng, ngành này lại ghi nhận một khoản lỗ ròng khác trong năm 2022 do các hãng hàng không HVN và VJC báo cáo lỗ ròng.

Các nhóm ngành có diễn biến kém tích cực, tính theo cả thay đổi tuyệt đối và tỷ lệ phần trăm (-80%), là ngành Vật liệu với LNST giảm mạnh tại công ty thép đầu ngành là HPG và lỗ ròng tại các nhà sản xuất tôn mạ HSG và NKG (dựa trên dữ liệu năm 2022 cho HSG với năm tài chính đến tháng 9/2022).

Ngành Tiêu dùng (-9%) và Bất động sản (-1%) cũng có LNST giảm so năm trước.

Lợi nhuận sau thuế ngành Vật liệu xây dựng giảm mạnh nhất 2022

Lợi nhuận sau thuế ngành Vật liệu xây dựng giảm mạnh nhất 2022

Theo VCSC, các yếu tố cơ bản ảnh hưởng chính đối với diễn biến lợi nhuận tương đối theo ngành trong suốt năm 2022 bao gồm việc mở cửa lại nền kinh tế trong nước và biên giới quốc tế sau đại dịch COVID-19, cũng như những thay đổi đáng kể về giá nguyên liệu chính trung bình trên cơ sở so cùng kỳ (giá dầu thô cao hơn, giá thép thấp hơn).

Trong nửa cuối năm 2022, tác động tiêu cực của lãi suất cao hơn sau 2 đợt tăng lãi suất điều hành 100 điểm cơ bản từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong tháng 9 và tháng 10, cũng như biến động tỷ giá USD/VND đã tác động tiêu cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp, đặc biệt là cho các công ty có đòn bẩy tài chính cao và/hoặc vay USD không phòng hộ rủi ro tỷ giá.

Mặc dù tổng LNST báo cáo năm 2022 trong danh mục theo dõi của VCSC thấp hơn 3% so với dự báo, nhưng VCSC không xem đây là rủi ro lớn.

Các thách thức bao gồm 1) tác động của việc tăng lãi suất trong nửa cuối năm 2022 và liệu NHNN có thêm các biện pháp điều hành tỷ giá nhằm kiểm soát lạm phát và 2) những thách thức mới đối với lĩnh vực bất động sản và cải cách các quy định về trái phiếu doanh nghiệp vào năm 2022.

Tuy nhiên, ở mặt tích cực, những diễn biến vĩ mô toàn cầu thời gian quan, chẳng hạn như diễn biến của các đợt tăng lãi suất và phát biểu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác cũng như dữ liệu kinh tế của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong hoạt động ngoại thương đều cao hơn nhẹ so với kỳ vọng của VCSC.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doanh-nghiep/top-19-doanh-nghiep-lo-tram-ngan-ty-nam-2022-163135.html