Top 5 tính năng sắp ra mắt được mong đợi nhất trên máy bay chiến đấu Su-57 của Nga
Nga đang thực hiện một số chương trình nhằm hiện đại hóa Su-57, dự kiến sẽ cải thiện đáng kể hiệu suất của nó so với các biến thể sản xuất ban đầu.
Đi vào phục vụ từ tháng 12 năm 2020, hiện chỉ có 5 máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo Su-57 được biên chế trong Không quân Nga trong tổng số 76 máy bay chiến đấu được đặt hàng vào mùa hè năm 2019. Đây là máy bay chiến đấu đầu tiên của Nga đi vào hoạt động mà không dựa vào thiết kế từ thời Liên Xô, chiếc máy bay này dự kiến sẽ được sản xuất hàng trăm chiếc với việc sản xuất được đẩy nhanh trước khi kế hoạch trang bị vũ khí của Nga kết thúc vào năm 2027. Số lượng sản xuất từ năm 2025-27 dự kiến là khoảng 14 chiếc Su-57 mỗi năm. Với việc chiếc máy bay này đang tạo nền tảng cho thế hệ hàng không chiến thuật có người lái tiếp theo của Nga, một số chương trình đầy tham vọng nhằm hiện đại hóa Su-57, dự kiến sẽ cải thiện đáng kể hiệu suất của nó so với các biến thể sản xuất ban đầu và có khả năng cho phép nó cạnh tranh ở cấp độ thế hệ thứ sáu để chống lại các máy bay phản lực phương Tây trong tương lai đang được phát triển theo các chương trình như F-X. Mặc dù những chiếc Su-57 được sản xuất sau năm 2025 sẽ là biến thể của 'Su-57M' cải tiến, nhưng vẫn chưa chắc chắn những tính năng mới hiện đang được phát triển nào sẽ tạo nên sự khác biệt so với những mẫu máy bay trước đó. Dưới đây là 5 trong số các tính năng đột phá có thể sẽ được xuất hiện trên các phiên bản Su-57 được cải tiến trong tương lai.
Su-57 trang bị động cơ AL-41 (Ảnh: Military Watch Magazine)
1. Động cơ Saturn 30
Su-57 được cho là sẽ trang bị động cơ thế hệ tiếp theo, Saturn 30, vào cuối năm 2022, nghĩa là số lượng máy bay Su-57 sử dụng động cơ AL-41 cũ hơn có thể sẽ giảm đi một nửa. Sự chậm trễ trong việc đưa Su-57 vào sản xuất hàng loạt phần nào thể hiện nỗ lực giảm thiểu số lượng các mẫu máy bay Su-57 trang bị động cơ AL-41, trong đó Saturn 30 dự kiến sẽ cung cấp cho máy bay chiến đấu lực đẩy mạnh hơn bất kỳ máy bay chiến đấu nào khác trên thế giới. Báo cáo chỉ ra rằng Saturn 30 có thể thoải mái vượt qua sức mạnh của động cơ F119 cung cấp năng lượng cho F-22 Raptor của Mỹ. Động cơ mới được cho là sẽ không chỉ mạnh hơn AL-41, vốn đã dẫn đầu về lực đẩy trong các thiết kế trước thế hệ thứ năm, mà còn dễ bảo trì hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn, cũng như độ bền cao hơn. Nó cũng sẽ cho phép Su-57 bay siêu thanh mà không cần sử dụng chất đốt sau và thậm chí có thể ở tốc độ trên Mach 2. Trong khi các nguồn tin chính thức của Nga tuyên bố rằng Saturn 30 sẽ là động cơ máy bay chiến đấu mạnh nhất thế giới, tuy nhiên, điều này vẫn còn nhiều nghi vấn khi động cơ F135 của Mỹ hiện đang cung cấp lực đẩy mạnh hơn 33% so với AL-41. Vì vậy nếu muốn biến động cơ Saturn 30 trở thành động cơ mạnh nhất thế giới thì Nga cần phải vượt qua F135 của Mỹ. Động cơ WS-15 của Trung Quốc cũng là một trong những đối thủ mà Saturn 30 cần phải vượt qua.
Máy bay chiến đấu MiG-31K với tên lửa Kh-47M2 (Ảnh: Military Watch Magazine)
2. Tên lửa đạn đạo siêu thanh Kh-47M2
Vào năm 2019, người ta đã thông báo rằng một phiên bản thu nhỏ của tên lửa đạn đạo siêu thanh Kh-47M2 đang được phát triển để trang bị cho tiêm kích Su-57. Sau đó là các báo cáo vào năm 2020 chỉ ra rằng tên lửa đã đạt đến giai đoạn thử nghiệm và sau đó vào đầu năm 2021 các báo cáo cho biết chiếc Su-57 sản xuất đầu tiên sẽ được chỉ định thử nghiệm vũ khí siêu thanh được cho là Kh-47M2. Kh-47M2 được đưa vào trang bị vào cuối năm 2017 và được trang bị cho máy bay tấn công MiG-31K Foxhound với phạm vi tác chiến 2000km, với độ chính xác cao có khả năng chống lại cả tàu và mục tiêu mặt đất, khả năng cơ động cao và tốc độ Mach 10. Phiên bản Kh-47M2 được trang bị trên Su-57 dự kiến sẽ có tầm bắn ngắn hơn, mặc dù vẫn chưa chắc chắn liệu nó có được bố trí trong các khoang chứa vũ khí để bảo đảm khả năng tàng hình hay được lắp đặt bên ngoài máy bay. Với việc Su-57 có độ bền cao hơn đáng kể so với MiG-31, cũng như khả năng tàng hình, những tính năng này có thể bù đắp cho tầm bắn hạn chế hơn của tên lửa. Những tên lửa như vậy sẽ giúp Su-57 dễ dàng trở thành máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 hàng đầu thế giới về khả năng tấn công.
Su-57 với máy bay không người lái Okhotnik Wingman (Ảnh: Military Watch Magazine)
3. Trí tuệ nhân tạo Co-Pilot, Drone Command và Drone Mode
Máy bay chiến đấu đầu tiên của Nga được tích hợp trí tuệ nhân tạo là chiếc MiG-35, được đưa vào phục vụ từ năm 2019. Không ngoại lệ, Su-57 dự kiến cũng sẽ được tích hợp các dạng trợ lý trí tuệ nhân tạo hiện đại nhất hiện nay đối với các dòng máy bay chiến đấu thế thứ sáu. Các trợ lý này giúp đưa ra các lời nhắc và lời khuyên để thay thế hoàn toàn sĩ quan hệ thống vũ khí thường được bố trí ở ghế thứ hai của máy bay chiến đấu hai ghế ngồi, tấn công các mục tiêu mặt đất trong khi phi công thực hiện nhiệm vụ bay và không chiến hoặc ngược lại. Mặc dù sự phát triển AI của Nga đi sau đáng kể so với Trung Quốc và Mỹ, những nước đang dẫn đầu thế giới hiện nay, nhưng việc hợp tác với Trung Quốc có thể tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh hơn. Với các biến thể Su-57 hai chỗ ngồi hiện đang được phát triển và dự kiến sẽ được giao cho vai trò chỉ huy và điểu khiển các máy bay không người lái đi kèm, AI có thể hỗ trợ bộ điều khiển máy bay không người lái ở ghế thứ hai và đảm bảo phân phối tối ưu dữ liệu nhắm mục tiêu cho cả sĩ quan và các UAV đi kèm. Bản thân Su-57 được kỳ vọng có thể thực hiện các nhiệm vụ không người lái trong tương lai, điều này có thể mang lại lợi ích đáng kể cho hiệu suất bay của nó, cho phép nó vượt qua giới hạn mà một phi công có thể thực hiện được.
Su-57 với tên lửa K-77M (Ảnh: Military Watch Magazine)
4. Tên lửa không đối không R-37M và K-77M
Tên lửa R-77 dẫn đường bằng radar chủ động, phiên bản R-77-1 có tầm bắn 110km đã ra mắt lần đầu vào năm 2015 khi nó được triển khai tới Syria để trang bị cho máy bay chiến đấu hạng nặng Su-35S vào thời điểm căng thẳng với NATO đang ở mức cao. Mặc dù đáng gờm nhưng R-77 vẫn bị đánh giá là thua kém so với các đối thủ AIM-120D và PL-15 của Mỹ và Trung Quốc. Đây là lý do khiến Nga phát triển dòng tên lửa K-77M để thu hẹp khoảng cách về hiệu suất so với các đối thủ. Tên lửa mới có phạm vi hoạt động ước tính khoảng 200km và được tích hợp hệ thống radar AESA. Tính năng đáng chú ý nhất trên tên lửa K-77M là hệ thống dẫn đường ăng ten mảng hoạt động theo giai đoạn (APAA) gắn ở mũi, khắc phục được vấn đề "trường nhìn" truyền thống của các radar tên lửa, giúp chúng có thể nhắm bắn và khiến cho máy bay địch không thể né tránh. Điều này dự kiến sẽ cung cấp một phạm vi 'không có đường thoát' dài hơn đáng kể và cho phép nó đe dọa ngay cả những mục tiêu nhỏ trong phạm vi 150 km. Tên lửa dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trước năm 2025. Ngoài ra Su-57 dự kiến còn được trang bị tên lửa R-37M, mặc dù loại tên lửa này thiếu hệ thống dẫn đường APAA nhưng lại được hưởng lợi từ tốc độ Mach 6 và phạm vi hoạt động lên đến 400 km.
Máy bay chiến đấu Su-57 (Ảnh: Military Watch Magazine)
5. Hệ thống phòng thủ Laser và vũ khí năng lượng
Khung máy bay của Su-57 tích hợp hệ thống cảnh báo các cuộc tấn công bằng tên lửa của đối phương. Một tính năng hoàn toàn độc đáo bổ sung cho điều này là việc sử dụng tháp pháo laser có thể làm mù tên lửa đang bay tới. Tính năng này có thể hoạt động trên các phiên bản Su-57 hiện tại, nhưng dự kiến sẽ được hoàn thiện hơn nữa trong tương lai khi các phiên bản Su-57 nâng cấp được hoàn thiện. Các tháp pháo được gắn ở mặt sau và ở bụng dưới buồng lái của máy bay chiến đấu và được coi là đặc biệt hiệu quả khi chống lại các tên lửa dẫn đường bằng tia hồng ngoại như AIM-9X do máy bay chiến đấu Mỹ phóng đi hoặc hệ thống tên lửa đất đối không 9K32 Strela-2. Hiện chưa có máy bay chiến đấu nào trên thế giới được trang bị hệ thống phòng thủ Laser tương tự.
Ngoài khả năng phòng thủ bằng laser, Su-57 cũng được thiết lập để tích hợp vũ khí năng lượng định hướng, giúp Su-57 ngắm bắn chính xác hơn và có thể tấn công các mục tiêu di chuyển nhanh như tên lửa và máy bay của đối phương trong khi bay. Vũ khí năng lượng dẫn đường hiện đang được phát triển bởi các cường quốc công nghiệp quân sự như Mỹ và Trung Quốc.