Tốp những ngành đại học có điểm sàn cao chót vót, lí do sư phạm 'lên ngôi'
Trong nhóm các ngành có điểm sàn cao nhất năm 2025 theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, khối ngành sư phạm chiếm tỷ lệ đáng kể, trong đó có đến hai ngành dẫn đầu bảng.
Dù điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm mạnh, kéo theo điểm sàn đồng loạt giảm ở nhiều ngành, đặc biệt ở những tổ hợp có môn toán. Tuy nhiên, nhiều ngành đại học tại TP.HCM vẫn giữ mức điểm sàn ở mức rất cao, phản ánh sức hút và tính cạnh tranh lớn trong tuyển sinh.
Hai ngành sư phạm dẫn đầu 25 điểm
Tính đến thời điểm hiện tại, ngành sư phạm lịch sử và sư phạm địa lý của Trường ĐH Sài Gòn đang dẫn đầu với mức điểm sàn 25 điểm, cao nhất trong toàn bộ hệ thống các trường ĐH tại TP.HCM theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Cũng với mức điểm 25 là tại Học viện Ngoại giao, áp dụng cho tổ hợp C00 (văn, sử, địa), riêng 12 tổ hợp môn khác có mức điểm bằng nhau là 22. Được biết, Học viện Ngoại giao năm nay tuyển sinh 12 ngành học, nhưng chỉ có 8 ngành tuyển sinh tổ hợp C00, gồm các ngành như: Quan hệ quốc tế, luật quốc tế, luật thương mại quốc tế, truyền thông quốc tế, Trung Quốc học, Nhật Bản học, Hoa Kỳ học, Hàn Quốc học.
Có mức điểm sàn cao thứ hai là ngành sư phạm toán học của Trường ĐH Sài Gòn với điểm sàn 24,5 điểm.
Ở mức cao thứ ba với 24 điểm cũng được ghi nhận ở một vài trường nhưng trong đó có đến hai trường đào tạo sư phạm. Cụ thể, bốn ngành của Trường ĐH Sài Gòn có điểm nhận hồ sơ là 24, gồm: Sư phạm vật lý, hóa học, ngữ văn và tiếng Anh.
Cũng trong khối ngành đào tạo giáo viên, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM công bố mức sàn 24 điểm với 6 ngành sư phạm, gồm: Sư phạm toán học, hóa học, ngữ văn, lịch sử, địa lý và tiếng Anh. Mức điểm này không thay đổi so với năm 2024 dù mặt bằng điểm thi năm nay giảm mạnh.
Vào tốp ngành có điểm sàn cao ở mức 24, còn có ngành thiết kế vi mạch và ngành công nghệ bán dẫn, tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM). Đây là những ngành được đánh giá là mũi nhọn trong đào tạo nhân lực cho lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam.
Cùng với đó là ngành công nghệ vi mạch bán dẫn của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng lấy điểm sàn 24.
Trường ĐH Ngoại thương cũng lấy mức điểm 24 với những ngành xét tuyển tổ hợp môn A00 (toán, lý, hóa), như các ngành kế toán - kiểm toán, tài chính ngân hàng, quản trị khách sạn, quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế…

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh các ngành sư phạm năm 2025 tại TP.HCM. Ảnh: P.ANH
3 lý do khiến ngành sư phạm 'lên ngôi'
Theo lý giải từ một số trường, dù điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm mạnh, nhưng các ngành có điểm sàn cao năm nay đều là những ngành thu hút lượng lớn thí sinh quan tâm và dự kiến đăng ký xét tuyển cao như mọi năm.
Cạnh đó, nhóm ngành về bán dẫn, thiết kế vi mạch là nhóm ngành công nghệ cao, đang có xu hướng phát triển và là một trong những ngành trọng điểm đang được đẩy mạnh đào tạo tại Việt Nam để đáp ứng sự phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong những năm tới.
Riêng với khối ngành đào tạo giáo viên, không chỉ năm 2025, mà vài năm trở lại đây đã có mức điểm sàn cũng như điểm chuẩn cao ở nhiều ngành. Lý do, theo một cán bộ phụ trách tuyển sinh khối trường đào tạo sư phạm, chỉ tiêu những ngành sư phạm thấp vì là lĩnh vực duy nhất tuyển sinh theo phân bổ chỉ tiêu từ Bộ GD&ĐT hàng năm, căn cứ vào năng lực đào tạo và nhu cầu đặt hàng tuyển dụng giáo viên từ các địa phương.
Đơn cử như hai ngành có điểm sàn cao nhất Trường ĐH Sài Gòn là sư phạm lịch sử và sư phạm địa lý, mỗi ngành chỉ tuyển 10 chỉ tiêu. Ngành sư phạm toán có mức điểm 24,5 cũng chỉ tuyển 40 chỉ tiêu. Những ngành nào có chỉ tiêu cao ở khối sư phạm cũng chỉ trên dưới 200 chỉ tiêu.
Một nguyên nhân khác ở khối ngành sư phạm có điểm sàn cũng như điểm chuẩn cao là chính sách về đãi ngộ, thu nhập cho giáo viên công tác tại TP.HCM cũng được quan tâm những năm gần đây.
Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân lớn từ sự tác động từ chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí, học phí theo Nghị định 116/2020 được thực hiện trong bốn năm qua và đã được sửa đổi bổ sung ở Nghị định 60/2025.
Nghị định này quy định sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học. Đồng thời, sinh viên được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường và không quá 10 tháng/năm học.
“Những năm gần đây, mức điểm đầu vào cao là tín hiệu tích cực trong việc thu hút sinh viên giỏi, có năng lực tốt vào các ngành sư phạm, góp phần nâng cao chất lượng đầu vào. Các em cũng sẽ có năng lực học tốt để trở thành những giáo viên giỏi, yêu nghề, nâng cao vị thế của người thầy và đóng góp cho sự phát triển của ngành giáo dục của từng địa phương cũng như cả nước” - đại diện một trường đào tạo ngành sư phạm nhìn nhận.