Top những tựa game đáng chơi nhất trên Nintendo Switch (Phần 5)

Nintendo Switch là thiết bị chơi game nổi tiếng, đi kèm với nó là kho ứng dụng game 'đồ sộ'. Vậy hãy cùng tìm hiểu những tựa game hay nhất trên Nintendo Switch nhé.

 Ảnh: Cnet

Ảnh: Cnet

9. Dead Cells

Ảnh: Cnet

Indie game càng ngày càng thể hiện được sức hút mãnh liệt của mình với giới gamer, từ những người chơi phổ thông cho tới những con mọt game ngày nào cũng phải hít tí hơi game mới lấy được hứng khởi để tiếp tục với các kế hoạch và công việc trong cuộc sống. Những cái tên đặc biệt được người chơi và giới chuyên môn đánh giá cao liên tục được xuất hiện. Trong đó có Dead Cells, như là một luồng gió mới dành cho những người yêu thích các tựa game thể loại Metroid-vania cổ điển, đồng thời có thêm những độc đáo riêng cho mình, khiến bản thân tựa game là sự kết hợp hoàn hảo của cổ điển và hiện đại. Platform game kết hợp với Action-Adventure đã là công thức quá quen thuộc với các gamer. Bạn đi đến các khu vực khác nhau, mở khóa các vật phẩm, vũ khí khác nhau để tiếp tục mở ra các khu vực khác, chém quái, đánh boss, nâng cấp trang bị và chỉ số, liên tục và liên tục như thế và hoàn thành game.

Nhưng tất nhiên cái gì cũng có điểm trừ, công thức trên rất tuyệt nhưng dễ làm cho người chơi mau chán và không thể chơi được trong khoảng thời gian dài, đôi khi lại là nhà sản xuất giấu các vật phẩm hay các năng lực dùng để đi tiếp game, khiến người chơi rất dễ nản. Vậy nên Dead Cells đã có một động thái rất hay khắc phục được các yếu điểm trên, vẫn lấy nguyên cấu trúc gameplay như thế, vẫn đi tìm kiếm các ngóc ngách của bản đồ để đào ra cách mở rộng sang các khu vực khác. Chia các map thành các Tier nối tiếp lẫn nhau, lên càng cao thì quái càng mạnh cũng như chỉ số trang bị mà người chơi có thể tìm được, nhưng đôi khi năng lực bạn dùng để mở ra một nhánh mới thuộc Tier 2 lại nằm ở map Tier 4 của nhánh khởi đầu, khiến game có giá trị chơi lại cực cao. Hoàn thành game không phải sự kết thúc, lăn ra chết mới chỉ là sự khởi đầu.

Tấm hình ở dưới sẽ là mô tả ngắn gọn các khu vực mà người chơi có thể đi tới cũng như các để người chơi có thể đạt tới khu vực đó. Đồng thời, Dead Cells lấy được điểm mạnh nhất của thể loại Platform-Action này là tương tác giữa input của người chơi và hành động của nhân vật rất nuột, tạo nên nhịp độ chiến đấu cực đã tay đã mắt. Thêm nữa kho vũ khí trong game cũng hết sức đa dạng khiến người chơi không bị nhàm chán trong quá trình trải nghiệm tựa game.

Game còn sở hữu một cơ chế chiến đấu khá hay. Khi bạn chết bởi một lý do nào đó, bạn sẽ bay hết tất cả các trang bị cũng như các buff trong lượt chơi vừa rồi, nhưng bạn vẫn sẽ giữ lại được các “Dead Cells”, một trong các đơn vị tiền tệ trong game dùng để nâng cấp nhân vật. Cùng với đó là các kinh nghiệm để qua map nhanh hơn, cải thiện phản xạ,… Thúc đẩy giới hạn để liên tục học hỏi và cải thiện của người chơi. Cơ mà lại cực kì cuốn hút khiến gamer chỉ muốn đi hết lượt này qua lượt khác, có thất bại hay không cũng không phải là điều quan trọng nhất.

Hình ảnh của tựa game không quá gì đặc sắc khi lối thiết kế vẫn theo lối 16-bit hay 32-bit không bao giờ có thể lỗi thời. Cùng thêm với các hiệu ứng hoạt họa nữa làm những pha đâm chém cực kì đã mắt. Tuy vậy, bản đồ trong tựa game lại có phần quá đơn giản và là mô típ quen thuộc của các tựa game platform. Thêm nữa, cốt truyện của tựa game cũng không có chiều sâu thậm chí khá khó hiểu. Dẫu vậy với hình ảnh cùng cơ chế chiến đấu đã mắt thì Dead Cells vẫn hứa hẹn đem đến cho bạn những thời gian giải trí cực kì chất lượng.

10. Hollow Knight

Ảnh: Cnet

Hollow Knight là một tựa game có khá nhiều điểm tương đồng với siêu phẩm Ori and The Blind Forest bởi lối thiết kế nhân vật 2D dễ thương có sự tương đồng. Tuy nhiên không phải vì thế mà Hollow Knight bị mờ nhạt mà nó vẫn có cách tỏa sáng của riêng mình. Trước hết, đó là một cốt truyện độc đáo có chiều sâu được chau chuốt một cách tỉ mỉ. Tựa game sẽ đưa chúng ta vào Dirtmourth bí ẩn – vùng đất cổ xưa từng một thời hưng thịnh nhưng nay đã lụi tàn và bị chôn vùi dưới cát bụi. Những cư dân nơi đây cũng quái lạ, họ miệt mài tìm những món kho báu thất lạc để đổi đời, họ bị mê hoặc bởi những truyền thuyết kì dị nơi lòng đất. Ngạc nhiên hơn nữa vì họ không phải là người mà là những con bọ. Bạn sẽ được hóa thân vào chàng hiệp sĩ kiến càng bẻ nhỏ đang tìm kiếm bản thân dưới vực sâu Hallownest. Bầu không khí trong game luôn u buồn, ngay cả những lời thoại của mỗi nhân vật chúng ta gặp trên hành trình của mình đều mang dáng dấp tự sự. Mỗi câu chuyện họ chia sẻ cùng người chơi là những mảnh vỡ trong thế giới, bạn sẽ phải xâu chuỗi tất cả chúng lại để có thể hiểu được chuyện gì đang diễn ra. Điều hay ho của nghệ thuật kể chuyện là khiến cho người nghe tin rằng thế giới đó thực sự tồn tại, rằng sau mỗi nhân vật, nơi chốn mà ta lướt ngang qua, đều chứa đựng câu chuyện riêng của chính họ. Đó là điều mà Hollow Knight làm được. Tiếp đến về đồ họa, được xây dựng trên nền tảng 2D, song với thiết kế độc đáo từ môi trường đến nhân vật, Hollow Knight thu hút ánh nhìn của bất cứ ai khi đứng cạnh những tựa game khủng khác.

Phong cách thiết kế nhân vật cũng được đánh giá khá cao khi Hollow Knight đem tới vô số những sinh vật vừa lạ vừa quen, trông dễ thương nhưng không kém phần ghê rợn. Phần lớn khung cảnh game đều phủ trong sắc xanh tối của lòng đất, nhưng bất ngờ sẽ có những màn chơi chúng ta được đi qua các mảng tươi sáng của rừng cây và đó là cả một bữa tiệc thị giác. Ngay cả việc phân bổ bố cục cảnh vật trong mỗi màn chơi cũng cực kì ấn tượng, từ đó mà ta cảm thấy sự phức tạp của bản đồ game vốn gây đau đầu nay cũng được xoa dịu phần nào vì cảnh quá đẹp.

Gameplay của Hollow Knight tập trung vào tư duy thu thập và rút kinh nghiệm. Vì bọn quái lẫn boss đều cần người chơi hiểu rõ và đưa ra chiến thuật đánh hợp lý nhất dựa trên cơ chế di chuyển lẫn tấn công của chúng. Mở đầu game bạn sẽ có một đoạn ngắn để làm quen với việc di chuyển và sử dụng vũ khí cơ bản nhưng kì thực phần lớn các kĩ năng quan trọng đều đòi hỏi chúng ta vượt qua thử thách hoặc màn chơi nào đó để sở hữu nó. Thêm nữa, trên đường đi người chơi có thể thu thập Soul để hồi máu và thi triển các kĩ năng đặc biệt. Điều này vô cùng tiện lợi trong những trận đánh boss dai dẳng, nhất là khi trong game không có vật phẩm hồi máu.

Game dùng hệ thống tiền tệ là các Geo, người chơi kiếm được geo bằng cách tiêu diệt kẻ thù, kẻ thù càng to thì lượng Geo gom được càng nhiều. Ngoài ra cũng có những tảng đá rải rác trong game mà người chơi có thể thu hoạch Geo hay Soul bằng cách đánh bể chúng. Geo được dùng để mua các vật phẩm tiện ích khác như các mảnh bùa để khảm nhằm tăng sức tấn công, tạo màng bảo vệ hay hồi máu nhanh. Quan trọng hơn, bạn cần Geo để mua bản đồ! Cứ tới mỗi khu vực mới bạn lại phải mua bản đồ mới, chúng sẽ tự cập nhật mỗi khi ta save game tại các điểm save. Tuy nhiên, tựa game gặp phải một số bất cập khi bản đồ rất rộng và rối. Điều này thường xuyên làm người chơi hoang mang, lạc đường dẫn đến khó chịu khi trải nghiệm tựa game.

Bù lại cho yếu tố tìm đường phá map đầy ức chế, hệ thống chiến đấu của Hollow Knight rất kích thích hấp dẫn. Những trận chiến có tốc độ nhanh và vận dụng tất cả những kĩ năng bạn học được sẽ đem đến cảm giác sảng khoái vô cùng. Hệ thống boss của game cũng vô cùng đồ sộ, mỗi con lại có sở trường sở đoản riêng, nên các trận tranh hùng không bao giờ nhàm chán. Những bản nhạc trong tựa game cũng được kết hợp một cách tuyệt vời với những màn chiến đấu tạo cảm giác cao trào, hứng khởi cho người chơi. Nhìn chung, Hollow Knight là tựa game rất xứng đáng để bạn trải nghiệm và sẽ hứa hẹn đem đến những khoảng thời gian giải trí thật sự chất lượng.

Dịch tổng hợp: Gamesradar, Cnet, Tech Radar

Tiến Dũng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/top-nhung-tua-game-dang-choi-nhat-tren-nintendo-switch-phan-5-post143248.html