Tốt nghiệp đại học: không xin được việc, cô gái Nghệ An đi Nhật nhặt lá tía tô

Ở quê, hơn một năm rải đơn khắp nơi xin việc làm không được, Đức (Nghệ An) nộp hồ sơ đi xuất khẩu lao động.

Đến nay, Phạm Thị Đức, hiện 26 tuổi đã đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản hơn 28 tháng. Cô cho biết, công việc ở nước bạn là nhặt lá tía tô nhưng cho cô thu nhập, có cơ hội đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người khác nhau. Dưới đây là chia sẻ của cô gái sinh năm 1993 về quyết định của mình.

Chào Đức, tại sao tốt nghiệp đại học bạn lại chọn con đường đi xuất khẩu lao động?

Tôi quê Diễn Châu, Nghệ An. Quê tôi làm nghề muối. Công việc vất vả, nhưng thu nhập thấp. Bây giờ, nhiều gia đình quê tôi phải tự thay đổi cuộc sống bằng cách đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia...

Năm 2011, tôi thi đỗ vào Khoa Xã hội học, trường Đại học Vinh (Nghệ An). Thấy nhiều người trong làng, anh em ai kinh tế cũng khá lên nhờ đi xuất khẩu lao động, bố mẹ khuyên tôi nên lựa chọn con đường này.

Khi được nghỉ làm, Đức cùng nhóm bạn đi du lịch, thăm quan Nhật Bản. Ảnh: NVCC.

Khi được nghỉ làm, Đức cùng nhóm bạn đi du lịch, thăm quan Nhật Bản. Ảnh: NVCC.

Lúc đó, tôi vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, chưa bao giờ đi xa nhà. Tôi nghĩ, nếu một mình đi nước ngoài sẽ có nhiều bất cập. Tôi nói với bố mẹ, con chỉ mới 18 tuổi, con muốn đi học 4 năm nữa. Ra trường, không xin được việc con sẽ làm theo ý bố mẹ.

Năm 2015, tôi tốt nghiệp đại học. Năm đầu tiên tôi nộp đơn khắp nơi nhưng không có kết quả. Tôi xin vào làm phục vụ ở quán ăn, làm tiếp tân cho khách sạn. Lương thấp, không đủ sống, tôi chán nản. Làm được khoảng 8 tháng tôi xin nghỉ. Sau đó, tôi quyết định quyết định vay ngân hàng 170 triệu đồng đi xuất khẩu lao động, thời hạn 3 năm.

Ở Nhật, bạn làm công việc gì?

Tháng 5/2016, sau hơn 4 tháng học tiếng, tôi được gia đình tiễn ra sân bay đi Nhật. Ở đây, được vào làm cho một nhà vườn trồng cây tía tô ở tỉnh Kochi, Nhật Bản.

Đức cho biết, dù học đại học xong, phải đi xuất khẩu lao động nhưng cô thấy quyết định của mình là đúng, vì cuộc sống ở Nhật cho cô nhiều trải nghiệm tốt. Ảnh: NVCC.

Đức cho biết, dù học đại học xong, phải đi xuất khẩu lao động nhưng cô thấy quyết định của mình là đúng, vì cuộc sống ở Nhật cho cô nhiều trải nghiệm tốt. Ảnh: NVCC.

Công việc của tôi rất nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi người làm phải chuyên nghiệp và cẩn thận. Buổi sáng, tôi cùng các công nhân khác đi hái lá. Chiều thì phân loại, xếp lá vào hộp để giao cho nơi tiêu thụ. Chúng tôi chỉ được nghỉ ngày chủ nhật. Các ngày lễ Tết thì đi làm.

Nơi tôi làm có 9 người Việt nữa. 10 chị em tôi ở cùng một phòng, ăn uống cùng nhau. Chỗ ở cách nơi làm khá gần, nên chúng tôi di chuyển bằng xe đạp.

Ông chủ của chúng tôi là người Nhật. Ông ấy kỹ tính và nguyên tắc. Chúng tôi phải đi làm đúng giờ, thật thà, nghe lời và sạch sẽ. Làm xong việc gì, khâu nào thì phải dọn sạch. Chỉ cần một lá sâu, giấy bóng lẫn trong lá chúng tôi cũng bị nhắc nhở. Có khi, chị em tôi bị mắng cả tiếng đồng hồ, nhưng chỉ biết bấm bụng cười mỉm, vì chỉ biết lý do mình bị mắng chứ không hiểu ông ấy nói gì.

Cuộc sống xa nhà của bạn như thếnào?

Nơi sống là gần biển, khí hậu gần giống với quê tôi nên tôi thích nghi khá nhanh. Có điều, lúc mới qua, tôi phải chật vật để tìm đồ ăn Việt. Ở quê tôi quen nấu ăn bằng nước mắm. Lúc mới qua, tôi chưa biết chỗ mua nên phải nấu bằng muối, khá khó ăn. Tôi bị giảm cân. Bây giờ, mấy chị em tôi đã đặt mua nước mắm trên mạng rồi.

Sống ở Nhật nhưng tôi may mắn được làm việc với nhiều người Việt nên không gặp khó khăn về ngôn ngữ. Mấy chị em tôi đi làm về, cùng nhau nấu ăn, chở nhau đi chơi, ai khó khăn thì giúp đỡ nên rất vui. Đi xa nhà hơn hai năm, nhưng tôi chưa một lần khóc vì nhớ nhà.

Đức trong một lần thăm quan vườn dâu ở Nhật. Ảnh: NVCC.

Đức trong một lần thăm quan vườn dâu ở Nhật. Ảnh: NVCC.

Khu vực tôi ở có nhiều nhà vệ sinh công cộng. Dịch vụ rất tốt, sạch sẽ và tiện lợi. Tuy nhiên, ở đây có một vài người đàn ông biến thái thường lân la đến khu vực nhà vệ sinh nữ để quấy rối. Họ thấy có người bên trong là gõ cửa, nói những từ nhạy cảm. Mấy chị ở phòng tôi ai cũng đã gặp. Lúc đó rất sợ. May mắn, chị em tôi đi đâu cũng có nhau nên la lên, vậy là gã đàn ông kia sợ bỏ chạy.

Để an toàn, chị em tôi hạn chế dùng nhà vệ sinh công động. Đi đâu, mấy chị em cũng đi ba bốn người. Gặp những kẻ biến thái ngoài đường, chị em tôi dứt khoát với họ hoặc tránh thật xa.

Tới đây, khi hết hạn hợp đồng lao động ở Nhật, bạn tính như thế nào?

Hơn hai năm làm việc bên này, tôi đã trả xong số nợ vay lúc đi, hỗ trợ kinh tế cho bố mẹ. Bây giờ, tôi đang gắng làm việc, tiết kiệm để tích lũy tương lai cho mình.

Tháng 5/2020, tôi hết hạn hợp đồng. Ba mẹ nói, tôi hãy về quê lấy chồng sinh con. Tuổi của tôi so với những người trong làng thì quá lứa rồi. Nhưng tôi thì khác. Tôi muốn khi lập gia đình, sinh con thì phải có một công việc ổn định đã.

Bây giờ, về nước tôi sẽ khó xin các công việc văn phòng, vì tôi chưa có kinh nghiệm. Tôi tính, khi trở về sẽ kinh doanh cái gì đó, bán quần áo, mở quán cà phê... chẳng hạn. Có thể, tôi sẽ tiếp tục đi Nhật, nhưng đi theo dạng du học để có tương lai tốt hơn.

Theo Tú Anh/Vietnamnet

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/doi-song/tot-nghiep-dai-hoc-khong-xin-duoc-viec-co-gai-nghe-an-di-nhat-nhat-la-tia-to/20190831055351107