Tốt nghiệp ngành An toàn không gian số thu nhập có thể đạt 45 - 50 triệu/tháng
Chuyên gia An toàn không gian số đang là một trong những ngành nghề 'hot' với mức lương vượt trội trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Chương trình đào tạo tiên tiến An toàn không gian số tại Đại học Bách khoa Hà Nội (Mã xét tuyển: IT-E15) có tên tiếng Anh là Cyber Security, với mục tiêu định hướng đào tạo đội ngũ các chuyên gia trình độ cao về lĩnh vực An toàn không gian số.
Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu tuyển sinh ngành An toàn không gian số vào năm học 2021-2022. Đây là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên đào tạo ngành học này tại Việt Nam.
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, người học ngành An toàn không gian số sẽ được trang bị đầy đủ hệ thống kiến thức hàn lâm, song song với kỹ năng thực hành và trải nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung, cũng như lĩnh vực an toàn trên không gian số nói riêng.
Lý giải “cơn khát” nhân lực ngành An toàn Không gian số trong bối cảnh hiện nay
Trao đổi với phóng viên của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Đức (Giám đốc Trung tâm An toàn – An ninh thông tin, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: Hiện nay, sau giai đoạn thực hiện tin học hóa và số hóa, các cơ quan và tổ chức tại Việt Nam đã tích lũy được một khối lượng lớn những thông tin, dữ liệu.
Đặc biệt, khi mà thông tin dữ liệu ngày càng trở thành "kho tài sản" quý giá hàng đầu, góp phần mở ra cơ hội tiếp cận với thế giới bên ngoài thì các cơ quan, tổ chức lại càng phải chú trọng, sát sao hơn trong việc giữ gìn và bảo vệ "kho tài sản" đó.
Xét ở khía cạnh ngược lại, khi người dân được tiếp cận ngày càng nhiều các dịch vụ trên không gian số, thì họ càng có khả năng dễ gặp phải nhiều nguy cơ đến từ các loại tội phạm mạng khác nhau.
Chính vì vậy, nước ta đang đẩy mạnh việc triển khai và bảo mật các hệ thống ứng dụng khai thác dữ liệu, cung cấp dịch vụ tới người dân trong bối cảnh chuyển đổi số.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Đức, Giám đốc Trung tâm An toàn – An ninh thông tin, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Sự ra đời của Luật An ninh mạng; Quyết định số 964/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 là minh chứng rõ nét cho thấy hành động quyết liệt của nước ta trong lĩnh vực an toàn thông tin.
"Những chủ trương, chính sách của Nhà nước đã phản ánh phần nào nhu cầu của xã hội trước những thách thức về bảo mật thông tin và an ninh mạng.
Theo Luật An ninh mạng 2018 số 24/2018/QH14, chính sách của Nhà nước đã xác định: “Ưu tiên bảo vệ an ninh mạng trong quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và đối ngoại; Xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.
Thực tế chứng minh, các cuộc tấn công mạng xảy ra trong những năm gần đây ở Việt Nam không chỉ gây ra nhiều thiệt hại tới uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức; mà còn gây mối đe dọa khó lường tới an ninh và chủ quyền quốc gia", Phó Giáo sư Trần Quang Đức nhấn mạnh.
Theo khảo sát của Tổ chức Chứng chỉ bảo mật hệ thống thông tin quốc tế, dù lực lượng nhân sự an toàn thông tin thế giới tăng 25% trong năm 2020 với 3,5 triệu nhân lực, nhưng tính trên phạm vi toàn cầu vẫn thiếu khoảng hơn 3 triệu chuyên gia bảo mật.
Hiện nay, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Theo thống kê của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), tổng số nhân sự trong lĩnh vực An ninh mạng Việt Nam trong năm 2023 là 3.600 người.
Tỉ lệ tăng trưởng 11,6% so với năm 2022 cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu bảo mật của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trước những tấn công ngày một tăng trong thời đại số hóa. [1]
Bàn luận thêm về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Đức thông tin, theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có khoảng 50.000 lao động làm việc trong lĩnh vực an toàn thông tin.
Song, chúng ta vẫn đang thiếu hụt hàng trăm nghìn nhân lực trong tương lai. Điều đó cho thấy cơ hội việc làm của sinh viên học ngành An toàn không gian số luôn luôn rộng mở và cần thiết cho xã hội.
"Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, khối kiến thức chuyên ngành định hướng về an toàn bảo mật đã có từ rất lâu, ngay từ khi Khoa Công nghệ thông tin (tiền thân của Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông) được thành lập.
Hiện nay, hầu hết các chuyên gia An toàn bảo mật hàng đầu ở Việt Nam là cựu sinh viên được đào tạo từ Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trong khi nhu cầu trong tương lai cần tới hàng trăm ngàn nhân lực về an toàn thông tin, số lượng sinh viên thuộc ngành học này trên cả nước chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ.
Nhận thấy nhu cầu ngày càng lớn về nguồn nhân lực thuộc lĩnh vực này trong bối cảnh tình hình mới, nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo tiên tiến An toàn không gian số và bắt đầu tuyển sinh từ năm 2021.
Nhìn chung, công tác tuyển sinh có điểm thuận lợi là khối ngành Công nghệ thông tin đang là những ngành “hot”, nhận được nhiều sự quan tâm của các vị phụ huynh, các em học sinh có chất lượng đầu vào top đầu cả nước.
Tuy vậy, khi đăng ký chương trình An toàn không gian số, một số em còn có tâm lý e ngại quá trình theo học ngành này sẽ khó hơn so với các ngành khác”, thầy Quang Đức chia sẻ.
Không tuyển sinh ồ ạt
Quá trình xây dựng chương trình đào tạo An toàn không gian số là sự tích lũy kiến thức của các môn học nền tảng về an ninh mạng từ những ngày đầu thành lập Khoa Công nghệ thông tin năm 1995, cùng sự đóng góp của các chuyên gia đến từ nhiều đại học và tập đoàn công nghệ lớn ở trong và ngoài nước.
Theo ý kiến của Giám đốc Trung tâm An toàn – An ninh thông tin, ngành học này có 3 thay đổi lớn về nội dung và phương pháp giảng dạy: “Thứ nhất, chúng tôi tham khảo từ các chương trình đào tạo tiêu chuẩn quốc tế, tư vấn từ các công ty, đơn vị, các chuyên gia đầu ngành để xây dựng học liệu. Trong đó vừa đảm bảo khối kiến thức lý thuyết chuyên sâu, đồng thời đẩy mạnh thực hành, rèn luyện kỹ năng nhiều hơn.
Thứ hai, nhà trường liên kết hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp bằng việc thiết kế khóa thực tập cho sinh viên ngay từ năm 3. Với định hướng đào tạo trở thành các chuyên gia, sinh viên được chú trọng gia tăng thời lượng thực hành, cũng như trải nghiệm tại hệ thống các phòng lab nghiên cứu, công ty, tập đoàn hoạt động trong và ngoài nước.
Thứ ba, 100% môn học trong chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh. Điều này giúp người học sau khi ra trường, không chỉ tìm kiếm cơ hội việc làm trong nước, mà còn vươn ra thị trường quốc tế, hoặc tiếp tục học tập, nghiên cứu tại các đại học hàng đầu trên thế giới.
Giống như các ngành khác thuộc khối Công nghệ thông tin (như ngành An toàn thông tin), trong 2 năm đầu, sinh viên chương trình An toàn không gian số được đào tạo bài bản về kiến thức cơ sở như: hệ thống máy tính, thuật toán và lập trình, cơ sở dữ liệu. Những nội dung này đóng vai trò nền tảng thiết yếu trước khi bước sang giai đoạn đào tạo chuyên ngành.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 3, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ cung cấp các kiến thức chuyên sâu riêng về lĩnh vực An toàn không gian số theo từng khối kiến thức như: an ninh phần mềm, an ninh mạng, mật mã và chuỗi khối, kiểm thử và đánh giá an toàn thông tin”.
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tại cuộc thi Cyber Sea Game 2023. Ảnh: NVCC.
Thêm vào đó, mạng lưới cựu sinh viên của trường tại Silicon Valley - "ngôi nhà" của nhiều gã khổng lồ công nghệ, cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ, tư vấn để giúp người học có cơ hội trao đổi, thực tập tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới.
Sinh viên năm cuối sẽ được hướng dẫn bởi các chuyên gia là cựu sinh viên đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu như: Bkav, IBM, Thales,… để nâng cao kiến thức, bổ sung kỹ năng chuyên nghiệp, hướng tới thị trường lao động toàn cầu, cũng như bồi đắp tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Chia sẻ về công tác tuyển sinh của ngành học, thầy Quang Đức cho biết, nhà trường giới hạn chỉ tiêu tuyển sinh ổn định qua các năm, chỉ từ 40-50 sinh viên cho mỗi khóa.
Điểm xét tuyển vào ngành học này dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong năm 2021 và 2023 lần lượt là 27,44 và 28,05 điểm. Riêng năm 2022, ngành An toàn không gian số không sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Ngoài ra, ngành học này còn có hai phương thức tuyển sinh là xét tuyển thẳng và xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tiềm năng và cơ hội của ngành học rộng mở, vị trí việc làm hấp dẫn
Hiện nay, không gian mạng được coi là “lãnh thổ mới" phải bảo mật an toàn. Có thể nói, nó đóng vai trò “sống còn” cho sự phát triển của kinh tế – xã hội. Vì vậy, chuyên gia An toàn không gian số đang là một trong những ngành nghề “hot” với mức lương vượt trội trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Bàn luận về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Đức cho biết: Sinh viên học ngành này có thể đáp ứng ở nhiều vị trí công việc khác nhau liên quan đến an toàn bảo mật thông tin.
Tiêu biểu, sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể làm việc tại các bộ phận vận hành, quản trị mạng an toàn, tham gia ứng cứu sự cố hay điều tra phân tích tại các tập đoàn đa quốc gia, các ngân hàng, cơ quan và tổ chức nhà nước.
Người học còn có thể làm việc tại các bộ phận phát triển phần mềm, cung cấp dịch vụ số an toàn cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện thành công Chiến lược An ninh mạng quốc gia, phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số.
Bên cạnh đó, tiềm năng khởi nghiệp, phát triển các ứng dụng tích hợp, chế tạo thiết bị phát hiện, ngăn chặn và phòng chống tấn công xâm nhập mạng, tấn công mã độc, đảm bảo an ninh phần mềm và hệ thống thông tin cũng rất rộng mở.
“Theo báo cáo của TopDev - nền tảng tuyển dụng chuyên IT tại Việt Nam, đơn vị tiên phong trong lĩnh vực xây dựng và phát triển thương hiệu tuyển dụng cho các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước; thống kê về thị trường nhân lực ngành Công nghệ thông tin năm 2023 có nêu:
Kỹ sư trong vị trí An toàn bảo mật có mức thu nhập trung bình khoảng 45 triệu đồng/tháng. Mức lương này chỉ đứng sau các vị trí như Trí tuệ nhân tạo và Khoa học dữ liệu.
Đặc biệt, cũng theo báo cáo này, vị trí chuyên gia An ninh mạng có thể nhận được mức trung bình là 50 triệu đồng/tháng, vượt trội so với hầu hết các vị trí khác”, Phó Giáo sư Trần Quang Đức thông tin.
Sinh viên Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC.
Về nhiệm vụ chuyên môn của các giảng viên, nhà trường luôn yêu cầu cập nhật nội dung bài giảng theo mỗi năm, đưa vào lượng kiến thức mới bắt kịp với sự thay đổi của khoa học công nghệ và tiêu chuẩn của quốc tế.
Năm 2025, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng sẽ tổ chức Hội thảo ACM ASIA Conference on Computer and Communications Security - một trong 10 hội thảo lớn nhất thế giới về An toàn thông tin.
Đây là cơ hội rất tốt để các nhà khoa học và sinh viên trong lĩnh vực này được tiếp xúc với những học giả hàng đầu thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới nghiên cứu.
Để theo đuổi ngành An toàn không gian số, Phó Giáo sư Trần Quang Đức cũng chia sẻ lời khuyên tới các bạn sinh viên cần có kiến thức cơ sở thật sự vững chắc trong những năm đầu tiên, giống như căn nhà có nền móng vững chắc thì càng xây được cao.
Trong những năm học chuyên ngành, bên cạnh kiến thức được cung cấp trong trường, các em sinh viên có thể xin tư vấn từ các thầy cô để chọn cho mình một định hướng yêu thích, phù hợp với bản thân và tự tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng chuyên sâu liên quan.
Bên cạnh đó, hãy rèn luyện ngoại ngữ và các kỹ năng mềm cần thiết cho công việc như viết báo cáo kỹ thuật, thuyết trình, làm việc nhóm,…
Trước khi bước vào năm học cuối, người học nên thử sức ở vị trí thực tập sinh tại các doanh nghiệp mà trường giới thiệu để trau dồi thêm thực tế. Cuối cùng, hãy luôn giữ vững quyết tâm và say mê với ngành học mà các bạn sinh viên đã lựa chọn.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://hust.edu.vn/vi/news/hoat-dong-chung/tri-tue-bach-khoa-tung-buoc-hien-dien-tren-ban-do-an-toan-thong-tin-the-gioi-655002.html