Tốt nghiệp rồi, ở lại hay về?
Đối với mỗi sinh viên vừa rời ghế giảng đường đại học, câu hỏi 'Ở lại thành phố hay về quê?' luôn là một trăn trở lớn. Đó không chỉ là lựa chọn nơi sinh sống mà còn là định hướng cho cả sự nghiệp và cuộc đời.
Quê hương, nơi bắt đầu những giá trị thân thuộc
Sau bốn năm gắn bó với giảng đường đại học, nhiều sinh viên đứng trước ngã rẽ quan trọng: ở lại thành phố với vô vàn cơ hội hay trở về quê nhà để xây dựng sự nghiệp và cuộc sống gần gũi với gia đình. Đối với một bộ phận không nhỏ bạn trẻ, sự lựa chọn thứ hai, dù có vẻ ít "sôi động" hơn, lại mang những giá trị riêng.
Trần Trà My, sinh viên lớp Báo Phát thanh,Viện Báo chí - Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trong số những người đã dũng cảm đưa ra quyết định này. "Sau khi tốt nghiệp, mình đã suy nghĩ khá nhiều về con đường sắp tới”, Trà My chia sẻ. Dù Hà Nội mang đến nhiều cơ hội, nhưng cô nàng nhận thấy quê hương vẫn còn nhiều khoảng trống, đặc biệt là thiếu những người trẻ có chuyên môn và đủ nhiệt huyết để đóng góp cho nền báo chí quê nhà.

Về quê làm báo, Trà My tìm thấy giá trị nghề nghiệp từ những điều bình dị nhất.
Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định của Trà My chính là định hướng trong phong cách làm nghề của mình. Cô gái trẻ luôn có hứng thú hơn với những đề tài mang tính gần gũi và bình dị, tin rằng "một câu chuyện đời thường ở làng quê, nếu chúng được kể bằng sự thấu cảm và chân thành nhất, thì cũng sẽ mang giá trị và có sức nặng riêng”. Trà My chọn trở về để làm nghề một cách tử tế, từ nơi cô hiểu rõ và yêu thương nhất.
Bùi Thùy Trang, sinh viên khóa 71 khoa Toán - Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cũng có lựa chọn tương tự. Sau khi tốt nghiệp, cô nàng dự định về quê làm việc. Với Thùy Trang, yếu tố quan trọng nhất là mong muốn ở gần gia đình, làm việc trong môi trường gần gũi và đã gắn bó từ lâu. Cô cũng nhìn nhận rằng giáo dục địa phương hiện nay rất cần những người trẻ, nhiệt huyết như mình.

Trang lựa chọn quê nhà để giảng dạy, vun đắp thế hệ tương lai từ chính nơi mình sinh ra.
Một trường hợp khác là Nguyễn Thị Vân Khánh, chuyên ngành Xuất bản điện tử, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, quê Cửa Lò, Nghệ An. Lý do cô về quê rất đơn giản: "vì về quê được gần gia đình." Khánh muốn một cuộc sống “chữa lành”, được tận hưởng không khí yên bình, có biển, cơm nhà và không khí đoàn tụ gia đình sau một ngày làm việc.

Quyết định của Vân Khánh dám khác biệt để kiến tạo những điều ý nghĩa.
Sự phân vân giữa ở lại thành phố hay về quê là điều không thể tránh khỏi. Trà My thừa nhận mình đã từng đắn đo rất nhiều: "Một sự thật là trước ngày tốt nghiệp hơn một tuần, dự định của mình vẫn là tiếp tục gắn bó với Hà Nội”. Cô tiếc nuối những điều chưa kịp trải nghiệm ở thủ đô, nơi đã gắn bó suốt 4 năm đại học với vô vàn cơ hội phát triển. Tuy nhiên, nỗi sợ "ngưng" việc học hỏi, rèn luyện khi về quê cũng là một áp lực.
Thùy Trang cũng từng phân vân giữa mức thu nhập hấp dẫn và môi trường năng động ở Hà Nội với sự an toàn, gắn bó ở quê. Vân Khánh thì định hướng làm những công việc liên quan tới Truyền thông - Marketing như mình vẫn làm ở Hà Nội và nhận thấy quê hương giờ đây cũng khá phát triển trong lĩnh vực này, đáp ứng được cả chuyên môn và chế độ phúc lợi.
Tìm kiếm cơ hội tại Thủ đô
Ngược lại với những bạn chọn về quê, nhiều sinh viên khác lại quyết tâm bám trụ lại thành phố lớn như Hà Nội, nơi họ tin rằng sẽ mang lại nhiều cơ hội để phát triển bản thân và sự nghiệp một cách nhanh chóng, mạnh mẽ hơn. Đây là sự lựa chọn của những người trẻ khao khát thử thách, không ngừng học hỏi và muốn khẳng định năng lực của mình.
Đào Hoàng Thảo Nguyên, sinh viên ngành Ngôn ngữ Bồ Đào Nha, Đại học Hà Nội, là một ví dụ điển hình. Cô chọn ở lại Hà Nội bởi nhiều lý do rõ ràng. Thứ nhất, cô muốn "phát triển sự nghiệp bằng chính khả năng không dựa trên quan hệ của gia đình”. Thứ hai, Hà Nội mang đến "nhiều sự lựa chọn hơn trong công việc”, đặc biệt là khả năng làm việc trong các dự án quốc tế, thay vì chỉ theo định hướng du lịch như ở quê nhà Quảng Ninh. Yếu tố không muốn ở gần gia đình và bạn bè thân thiết chủ yếu đều ở Hà Nội cũng góp phần vào quyết định của Thảo Nguyên. Đối với cô, lý do thứ hai – sự đa dạng cơ hội nghề nghiệp – là quan trọng nhất. "Mình chưa từng phân vân giữa hai lựa chọn này”, Thảo Nguyên khẳng định sự quyết đoán của mình.

Thảo Nguyên sẵn sàng đối mặt thử thách để nắm bắt cơ hội phát triển sự nghiệp.
Tương tự, Ngô Thị Hương Ly, sinh viên ngành Báo mạng điện tử, tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng quyết định ở lại Hà Nội để phát triển sự nghiệp. Với Ly, "Hà Nội mang đến cho mình nhiều cơ hội để thử thách bản thân, học hỏi và kết nối với nhiều người, từ đó mở rộng các mối quan hệ trong công việc và cuộc sống”. Cơ hội phát triển bản thân chính là yếu tố quan trọng nhất trong lựa chọn của cô. Dù đã từng phân vân về chi phí sinh hoạt cao, tắc đường thường xuyên, nhưng Hương Ly nhận ra "Hà Nội vẫn là nơi phù hợp với định hướng và khát vọng của mình ở thời điểm hiện tại”.

Thủ đô mở ra vô vàn cơ hội và chắp cánh những hoài bão lớn của Hương Ly.
Dù lựa chọn ở lại thành phố, các bạn sinh viên cũng không tránh khỏi những khó khăn và thách thức. Thảo Nguyên lo lắng về việc chi trả các hóa đơn và tìm kiếm chỗ ở phù hợp với công việc, ít thời gian chăm sóc bản thân. Hương Ly cũng ý thức được những áp lực về chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, họ coi đó là một phần tất yếu của quá trình trưởng thành và phát triển.
Dù chọn thành phố sôi động hay quê nhà bình yên, điều quan trọng nhất theo lời khuyên của các bạn sinh viên là phải hiểu rõ bản thân muốn gì và phù hợp với điều gì. Bởi lẽ, hành trình sau tốt nghiệp là của riêng mỗi người, giá trị đích thực nằm ở việc bạn dám sống hết mình với lựa chọn của mình, dù đó là ở thủ đô phồn hoa hay nơi quê nhà bình dị.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tot-nghiep-roi-o-lai-hay-ve-post1759695.tpo