Chủ động học hè: Xu hướng mới của sinh viên

Không còn xem kỳ nghỉ hè là thời gian nghỉ ngơi, nhiều sinh viên hiện nay đang lựa chọn quay lại giảng đường để học thêm, học lại hoặc rút ngắn lộ trình tốt nghiệp. Việc chủ động đăng ký học kỳ hè - một lựa chọn từng ít phổ biến - nay dần trở thành xu hướng mới, đặc biệt với những bạn trẻ có kế hoạch học tập rõ ràng và mong muốn tận dụng hiệu quả quỹ thời gian trong năm.

>

Tăng tốc trong hè - lựa chọn của người chủ động

Nguyễn Trọng Hiếu, sinh viên năm 4 ngành Công nghệ thông tin, trường Đại học Hà Nội, đã lựa chọn bỏ qua du lịch, đi chơi, để tham gia kỳ học hè trên trường. Hiếu cho biết lý do chính khiến cậu bạn đăng ký học kỳ hè là để bắt kịp tiến độ chương trình, do từng lỡ mất môn bắt buộc trong lần đăng ký trước vì sự cạnh tranh quá lớn.

Dù chỉ học một môn, Hiếu vẫn cảm nhận rõ tốc độ học nhanh gấp đôi - từ 12 tuần rút xuống chỉ còn 6 tuần: “Mọi thứ có vẻ vội hơn, nhưng vì vào hè mình khá rảnh nên có thể chấp nhận sự thay đổi đó. Ngược lại, mình thấy việc chỉ tập trung vào một môn khiến mình có thời gian nghiên cứu sâu hơn, không bị xao nhãng bởi các môn khác”, Hiếu chia sẻ.

Các bạn sinh viên trong 1 lớp học kì hè tại trường.

Theo Hiếu, lịch học đan xen giữa lý thuyết và thực hành giúp sinh viên dễ dàng áp dụng kiến thức. Việc học hè cũng giúp giảm số môn phải học trong kỳ chính, tạo điều kiện để sinh viên có thêm thời gian cho thực tập hoặc nghiên cứu công nghệ. “Chương trình học của khoa mình tuy tham khảo từ nước ngoài, nhưng với quỹ thời gian ngắn như hiện tại, việc đảm bảo cả học tập lẫn thực tập toàn thời gian là khá khó khăn. Vì vậy, học kỳ hè giống như một lối thoát hợp lý,” Hiếu nhận định về kỳ học hè trên trường.

Cùng chung quan điểm, Nguyễn Phương Anh - sinh viên năm cuối ngành Tài chính - Ngân hàng, trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN, cũng lựa chọn học hè để đẩy nhanh tiến độ tốt nghiệp. “Do mình còn khá nhiều môn chưa hoàn thành, nên quyết định học hè để dồn hết môn vào kỳ 7. Nhờ vậy, kỳ cuối mình có thể dành thời gian cho thực tập và học thêm các chứng chỉ phục vụ cho công việc sau này.”

Tốt nghiệp đúng hạn là một trong những lí do khiến sinh viên lựa chọn học hè (Ảnh: Fanpage Trường Đại học Hà Nội)

Phương Anh nhận xét, dù học kỳ hè chỉ dài 5 tuần (so với 15 tuần của kỳ chính), nhưng chất lượng giảng dạy vẫn đảm bảo: “Mình không cảm thấy quá nhiều áp lực, thầy cô vẫn theo sát và hỗ trợ nhiệt tình. Học hè còn giúp mình tận dụng được thời gian hè, giao lưu thêm với bạn mới, và nếu có cơ hội, mình vẫn sẽ tiếp tục đăng ký học hè”, Phương Anh chia sẻ.

Lựa chọn thông minh nhưng cần cẩn trọng

Thạc sĩ Đặng Đình Quân, trưởng bộ môn Công nghệ phần mềm, khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Hà Nội, đã có những chia sẻ với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam về học kỳ hè. Theo thầy Quân, điểm hạn chế rõ rệt nhất của học kỳ hè là thời lượng rút gọn: “Sinh viên phải học với tiến độ nhanh hơn, tổng thời gian chỉ bằng một nửa kỳ chính nên việc tiếp thu kiến thức có thể gặp khó khăn”, thầy nhận định. Điều này đòi hỏi người học cần thích nghi nhanh với nhịp độ học tập tăng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh áp lực về thời gian, học kỳ hè vẫn mang lại nhiều lợi ích đáng kể. Một điểm tích cực được thầy Quân nhấn mạnh là giảng viên có thể tập trung hơn vào việc giảng dạy do áp lực công việc thấp hơn so với kỳ chính - khi họ thường phải đảm nhiệm nhiều lớp, nhiều môn cùng lúc.

Về mặt quản lý đào tạo, học kỳ hè góp phần giảm tải cho kỳ chính. Do hạn chế về cơ sở vật chất, không phải lúc nào sinh viên cũng có đủ lớp để đăng ký trong kỳ học chính. Học kỳ hè trở thành giải pháp cho những sinh viên chưa kịp đăng ký, muốn học sớm hoặc cần hoàn thành môn học còn thiếu. Đặc biệt, đây cũng là “cứu cánh” cho những sinh viên đã hết thời gian đào tạo nhưng chưa tốt nghiệp đúng hạn.

Để tận dụng hiệu quả học kỳ hè, thầy Quân khuyến nghị sinh viên nên đăng ký vừa phải, khoảng 2-3 môn học, thay vì cố gắng học quá nhiều. Trên thực tế, số lượng môn được mở trong kỳ hè cũng giới hạn so với kỳ chính. Dù thời gian học rút ngắn, thầy Quân cho rằng áp lực không quá lớn nếu sinh viên biết phân bổ thời gian hợp lý. “Số lượng môn học cũng được điều chỉnh tương ứng, chỉ bằng khoảng một phần ba so với kỳ chính”, thầy cho biết.

Tuy nhiên, vấn đề chính nằm ở kỹ năng quản lý thời gian - điểm yếu phổ biến ở nhiều sinh viên. “Nhiều bạn có thói quen nước đến chân mới nhảy, chỉ tập trung học khi kỳ học gần kết thúc. Nếu còn duy trì thói quen này, sinh viên sẽ dễ gặp phải áp lực và cảm thấy quá tải dù là học hè hay học chính”, thầy Quân chia sẻ.

Thạc sĩ Đặng Đình Quân, trưởng bộ môn Công nghệ phần mềm, khoa Công nghệ thông tin, trường Đại học Hà Nội.

Lời khuyên quan trọng nhất được Thầy Quân nhấn mạnh và gửi gắm đến các bạn sinh viên: “Phải học chủ động ngay từ đầu”. Đây là yếu tố then chốt giúp sinh viên không chỉ vượt qua kỳ học đặc biệt này mà còn đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình học tập.

Học kỳ hè, dù không bắt buộc, đang dần trở thành lựa chọn linh hoạt và thiết thực đối với nhiều sinh viên. Thay vì chỉ là “mùa nghỉ”, mùa hè giờ đây được tận dụng như một khoảng thời gian quý báu để bù đắp, tăng tốc hoặc chuẩn bị cho các bước tiến dài hơn trong học tập và sự nghiệp. Tuy vẫn tồn tại áp lực về thời gian và khối lượng kiến thức, nhưng với sự chủ động, khả năng tự quản lý và tinh thần cầu tiến, sinh viên hoàn toàn có thể biến kỳ học đặc biệt này thành một lợi thế. Nhìn rộng hơn, việc mở rộng kỳ hè cũng cho thấy nỗ lực của các trường đại học trong việc cá nhân hóa và tối ưu hóa hành trình học tập cho người học trong bối cảnh giáo dục ngày càng linh hoạt và cạnh tranh.

Ảnh: NVCC

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/chu-dong-hoc-he-xu-huong-moi-cua-sinh-vien-post1759689.tpo