Tốt nghiệp THPT: Con vào trường thi, mẹ trào nước mắt

'Đưa con đến trước điểm thi, tôi thấy rất xúc động. Nước mắt cứ trào ra, chân tay run rẩy, hồi hộp như chính mình đi thi,' chị Oanh xúc động nói.

Chị Trang liên tục lau những giọt nước mắt cứ nối nhau chảy dài khi nói về con. Phía sau, chị Oanh cũng khóe mắt rưng rưng. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Chị Trang liên tục lau những giọt nước mắt cứ nối nhau chảy dài khi nói về con. Phía sau, chị Oanh cũng khóe mắt rưng rưng. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Nhìn theo dáng con gái khuất dần sau cánh cổng Trường Trung học phổ thông Ngô Thì Nhậm, nước mắt chị Đào Thị Kiều Oanh (ở khu Cầu Bươu, Thanh Trì, Hà Nội) bỗng nhiên tràn ra, chảy dài.

Suốt ba năm qua, khi con là học sinh của trường này, chị đã đến trường rất nhiều lần. Nhưng hôm nay, đó không chỉ là Trường Trung học phổ thông Ngô Thì Nhậm, đó còn là điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông của con gái chị - kỳ thi cuối cùng của con sau 12 năm. Một cảm xúc rất khác lạ ùa đến mà chị không thể kìm nén...

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus trong lúc đứng đợi con bên ngoài điểm thi, chị Oanh bảo chị rất tin tưởng ở sức học của con gái mình. Ngay từ lớp 6, con đã có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, xác định lớn lên sẽ làm giáo viên tiểu học hoặc giáo viên mầm non. Suốt những năm tháng học phổ thông, con luôn có tinh thần tự học, được thầy cô đánh giá là học tốt, nhất là môn văn. Con cũng rất năng động, tự tin, từng đảm nhiệm vai trò lớp trưởng, sao đỏ của trường nhiều năm. Gia đình không có điều kiện kinh tế nên ngoài học ở trường hay giáo viên dạy trực tuyến trong giai đoạn nghỉ dịch, con không đi học thêm bên ngoài và hoàn tự học. Bố mẹ không ép và cũng không phải lo lắng về việc học của con.

Dõi theo con vào điểm thi là nỗi lòng cha mẹ. (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

Dõi theo con vào điểm thi là nỗi lòng cha mẹ. (Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

“Con học khá tốt và đăng ký đến 10 nguyện vọng vào các trường khác nhau nên nếu không đỗ trường cao thì cũng sẽ đỗ nguyện vọng thấp hơn. Vì thế, tôi cũng không quá lo lắng khi con thi. Nhưng hôm nay, đưa con đến trước điểm thi này, tôi lại thấy rất xúc động, hồi hộp như chính mình đi thi,” chị Oanh xúc động nói.

Cũng theo chị Oanh, năm nay học sinh như con chị chịu nhiều thiệt thòi vì trong hai năm học phải tạm dừng đến trường nhiều lần vì dịch bệnh, đặc biệt là trong hai tháng vừa qua, đúng giai đoạn cao điểm ôn tập thì phải học trực tuyến. “Nhưng học trực tuyến cũng giúp cho phụ huynh có cơ hội để biết con học như thế nào. Ngồi nghe con học, thấy các giáo viên rất nhiệt tình, sát sao, quan tâm, lo lắng cho các con, tôi cũng thấy yên tâm. Hôm nay đi thi, thấy điểm thi thực hiện tốt công tác phòng dịch tôi cũng đỡ lo phần nào,” chị Oanh chia sẻ.

Nhìn sang phụ huynh đứng kế bên, chị Oanh cười nói: “Tôi tưởng chỉ mỗi mình khóc, nhưng tôi thấy chị này cũng thế, cùng chung nỗi lòng người mẹ.”

Ngồi chờ con ngay bên cạnh chị Oanh, chị Lê Thị Trang (ở Ngọc Hồi, Thanh Trì, Hà Nội) liên tục đưa tay lau nước mắt. Hôm nay, con trai đầu lòng của chị dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Dù có học lực khá nhưng chị Trang cho hay con chị đã xác định sẽ đi học nghề điện lạnh sau khi thi tốt nghiệp, không dự tuyển vào các trường đại học. Đặt mục tiêu xét tốt nghiệp trung học phổ thông nên kỳ thi với con cũng như cả gia đình chị không nhiều áp lực.

“Dù rất tự tin nhưng tôi vẫn rất hồi hộp và lo lắng,” chị Trang vừa nói vừa lau những giọt nước mắt cứ nối nhau chảy dài khi nhắc đến con.

Ở một góc khác, chị Trương Thị Hiền (ở Tứ Hiệp, Thanh Trì) ngồi bần thần ngóng vào cổng trường thi. Dù nhà gần điểm thi nhưng chị bảo vẫn xin nghỉ việc ba ngày để có thể được cùng con đi thi, được ngồi chờ con mỗi buổi, để con ra khỏi cổng trường là có thể nhìn thấy mẹ, như một cách động viên tinh thần giúp con thi tốt.

Năm nay, con trai Chu Minh Hiếu của chị đăng ký dự tuyển vào Học viện Bưu chính Viễn thông và Đại học Kinh tế quốc dân.

“Con học khá và rất tự giác, chịu khó học, quyết tâm thi cử, nhưng bố mẹ vẫn rất lo vì con chỉ đăng ký tất cả có ba nguyện vọng. Lo, nhưng tôi vẫn luôn động viên con phải giữ tinh thần bình tĩnh, đừng quá áp lực, nếu thi đỗ thì tốt, không thi đỗ vẫn còn nhiều con đường để lựa chọn. Mỗi ngày, tôi đều phải nhắc nhở con giữ gìn sức khỏe, không học quá khuya,” chị Hiền chia sẻ.

Không phải là phụ huynh lần đầu có con đi thi như chị Hiền, nhưng chị Nguyễn Thị Thắm bảo vẫn hồi hộp lo lắng không khác gì lần đưa con lớn đi thi. “Thậm chí lần này tôi còn lo lắng hơn vì con thứ hai học lực không tốt bằng bạn đầu, lại thi trong bối cảnh dịch bệnh, ôn tập online, chưa kể lứa học sinh năm nay đông hơn đồng nghĩa với việc cạnh tranh vào các trường đại học sẽ cao hơn,” chị Thắm nói.

Rồi chị bất ngờ chùng giọng: “Lo cũng chỉ để trong lòng, nói với con vẫn phải động viên những điều tích cực để con giảm áp lực phần nào. Tôi chỉ mong con hoàn thành tốt bài thi, để còn được nghỉ ngơi sau bao nhiêu năm tháng miệt mài đèn sách”./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tot-nghiep-thpt-con-vao-truong-thi-me-trao-nuoc-mat/725135.vnp