TotalEnergies đặt cược vào Suriname để mở rộng cơn sốt dầu mỏ Đại Tây Dương

TotalEnergies SE đang tập hợp một đội giàn khoan nước sâu, tàu hỗ trợ và đội khoan ngoài khơi bờ biển Suriname, dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy họ sẽ tiến tới phát triển một dự án khai thác dầu lịch sử.

Hình minh họa

Hình minh họa

Mặc dù tập đoàn khổng lồ của Pháp chưa chính thức bật đèn xanh cho dự án khai thác dầu thô trị giá 9 tỷ USD tại quốc gia Nam Mỹ này, nhưng họ đã bắt đầu tìm kiếm để thuê hai giàn khoan cho các hoạt động khoan sắp tới trong khu vực, theo những người quen thuộc với các cuộc đấu thầu và yêu cầu được giấu tên vì thông tin này chưa được công khai.

Sự kiện này diễn ra chưa đầy 4 tháng sau khi TotalEnergies chỉ đạo các nhà thầu dành năng lực xây dựng tại một xưởng đóng tàu của Trung Quốc để chế tạo một tàu khai thác dầu nổi cho dự án.

Đối với Suriname, thuộc địa cũ của Hà Lan ở mũi Đông Bắc tại Nam Mỹ, động thái này báo hiệu sự kết thúc của nhiều năm trì hoãn và thất vọng trong việc khai thác hàng tỷ thùng dầu thô bị mắc kẹt dưới đáy biển. TotalEnergies và đối tác APA Corp. dự kiến sẽ sớm đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng để phát triển các phát hiện dầu mỏ có từ năm 2020.

Suriname chậm hơn nhiều so với nước láng giềng Guyana trong việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ ngoài khơi. Nhưng khi hoạt động khai thác - hiện được lên kế hoạch vào năm 2028 - thực sự khởi động, nguồn thu từ dầu mỏ được kỳ vọng sẽ thay đổi hoàn toàn nền kinh tế của một trong những quốc gia có mật độ dân số thấp nhất thế giới.

Khoản đầu tư này cũng là một phần trong sự hồi sinh lớn hơn của hoạt động thăm dò dầu mỏ ngoài khơi trên khắp lưu vực Đại Tây Dương. Từ Vịnh Mexico của Mỹ và Brazil đến Namibia trên bờ biển phía Tây Nam của châu Phi, một số nhà đầu tư tinh vi nhất thế giới đang chạy đua để tìm kiếm và khai thác những mỏ dầu mới.

Hoạt động khoan nước sâu ở nhiều khu vực phần lớn đã bị gác lại bởi cuộc cách mạng dầu đá phiến sét cách đây hơn một thập kỷ, cuộc cách mạng này đã thu hút các công ty quay trở lại hoạt động thăm dò trên đất liền ít rủi ro hơn. Tác động đó còn trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19 đã làm giảm nhu cầu và giá năng lượng - cũng như sự hứng thú với các dự án mạo hiểm của các nhà khai thác.

Nhưng khi ngành dầu đá phiến phát triển và nhiều mỏ triển vọng nhất đã gần đạt đỉnh, các công ty khoan một lần nữa lại đi xuống biển để tìm kiếm những phát hiện chưa được khai thác.

“Hoạt động thăm dò đã trở lại”, Ross Lubetkin, Giám đốc điều hành tại Công ty Tư vấn Welligence Energy Analytics, cho biết.

TotalEnergies, với tư cách là đơn vị điều hành dự án và đối tác APA, đã từ chối bình luận về chủ đề này.

Quyết định đặt hàng thân tàu cho một tàu khai thác 200.000 thùng một ngày cho các khám phá ở Suriname của gã khổng lồ nước Pháp là một trong những tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy dự án này sẽ thành công, Annand Jagesar, Giám đốc điều hành của Công ty Dầu khí Nhà nước Suriname Staatsolie, cho biết.

“Họ đã đặt trước thân tàu này. Không ai lại bỏ ra nhiều tiền như vậy để cho nó nằm chờ mà không dùng đến”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn.

Tại Suriname, một quốc gia có diện tích bằng bang Wisconsin nhưng chỉ có 612.000 người sinh sống, Tập đoàn Petronas của Malaysia đang cân nhắc xây dựng một cơ sở nổi công nghệ cao để xử lý khí đốt có chi phí lên tới hàng tỷ USD. Riêng Chevron Corp. dự kiến sẽ bắt đầu một chiến dịch thăm dò vào năm 2025 ở vùng nước nông, theo Staatsolie, đơn vị cũng đóng vai trò là cơ quan quản lý dầu mỏ của Suriname.

Chevron đã từ chối bình luận về kế hoạch của họ tại Suriname.

Cho đến nay, tiềm năng dầu mỏ của Suriname vẫn còn kém xa so với quốc gia láng giềng Guyana, nhưng ngay cả một dự án lớn cũng có thể chuyển đổi nền kinh tế và cải thiện các dịch vụ xã hội ở một quốc gia mà khoảng 40% dân số sống trong cảnh nghèo đói. Kỳ vọng về một khoản lợi nhuận bất ngờ từ dầu mỏ đang khiến nợ công của Suriname trở thành khoản đầu tư có hiệu suất cao nhất tại các thị trường mới nổi trong năm nay.

Quy mô đầu tư cho thấy các tập đoàn dầu mỏ ít lo ngại hơn về việc chuyển đổi đột ngột sang nhiên liệu tái tạo so với vài năm trước. Các công ty dầu mỏ hiện đang cạnh tranh để có được một số lượng hạn chế các giàn khoan và tàu khai thác nhằm theo đuổi các dự án phát triển ngoài khơi tốn kém.

Julie Wilson, Giám đốc nghiên cứu thăm dò toàn cầu tại Wood Mackenzie Ltd., cho biết: “Nhìn chung, các nhà giao dịch đều thống nhất về tầm quan trọng của hoạt động thượng nguồn, đặc biệt là giữa các công ty lớn. Mọi người bắt đầu nghĩ rằng có lẽ quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ trở nên khó khăn hơn”.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/totalenergies-dat-cuoc-vao-suriname-de-mo-rong-con-sot-dau-mo-dai-tay-duong-718040.html