Tour du lịch mở bán nhưng không biết bao giờ đi

Nhiều doanh nghiệp lữ hành thừa nhận đợt hậu Covid-19 lần này, khách đang có những xu hướng khác. Lượng đặt tour không còn bùng nổ như trước.

Đợt dịch thứ 4 kéo dài chưa từng có đã để lại nhiều hệ lụy lớn. Ngay cả khi du lịch đang dần mở lại trên cả nước, lượng khách tìm đến các công ty lữ hành cũng không quá cao. Điều này có thể lý giải bởi nhiều nguyên nhân như tâm lý thay đổi, điều kiện đi du lịch còn gây bối rối, kinh phí eo hẹp...

Mở tour trên website, khách toàn hỏi nhưng ít chốt

"Đợt dịch này ảnh hưởng lớn trong cộng đồng và kéo dài. Nói là hậu dịch nhưng hiện tại, tình hình dịch bệnh vẫn chưa dứt hẳn như 3 đợt trước. Những lần trước, tâm lý người dân phấn khởi, mua tour nhiều sau dịch. Tuy nhiên, lần này, lượng tour bán ra của chúng tôi chắc chỉ được 20% so với 3 lần trước đó", ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của BestPrice chia sẻ.

Đơn vị này cho biết tính đến hiện tại, họ mới nhận được một ít lượng đặt tour đoàn doanh nghiệp, khoảng 20-40 khách với thời gian khởi hành trong tháng 11 hoặc tháng 12. Những tour nhóm khách lẻ chủ yếu vẫn chỉ tham khảo, chưa chốt.

Nhiều chương trình tour bán ra nhưng lượng khách đặt không cao. Ảnh: Vietravel.

Nhiều chương trình tour bán ra nhưng lượng khách đặt không cao. Ảnh: Vietravel.

Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel, cũng thừa nhận những khó khăn ngành du lịch lẫn các công ty lữ hành gặp phải đợt này. Theo bà Khanh, tâm lý người dân đang có những thay đổi lớn. Lẽ thường, sau thời gian dài ở nhà quá lâu, người dân sẽ có tâm lý dồn nén, muốn du lịch. Chỉ cần mở cửa, họ sẽ đi rất nhiều. Tuy nhiên, lần này, mọi thứ không diễn ra như dự tính.

Theo ông Nguyễn Công Hoan, CEO Flamingo Redtours, du khách hiện không còn tâm lý "sổ lồng" như 3 lần hậu dịch trước.

"Tôi nghĩ có 3 lý do chính thế này. Thứ nhất, đợt dịch lần này quá nặng và khiến người dân thực sự lo sợ. Thứ 2, nguồn tiền trong dân cũng không còn dư dả như 3 lần trước. Những chi tiêu không thiết yếu thường bị cắt bỏ.

Cuối cùng, sau đợt dịch thứ 4, các gói khuyến mại giá sốc, giảm sâu đã không còn nhiều. Một số bên còn giữ giá, thậm chí tăng giá nhưng đổi lại tăng thêm trải nghiệm cho khách. Tuy nhiên, những chương trình này không đủ để kích thích khách hàng", ông Hoan nói.

Đại diện doanh nghiệp này cho biết lượng khách đặt sản phẩm hiện chỉ bằng 60-70% so với 3 lần hậu dịch trước. Tuy nhiên, ông Hoan cũng đánh giá đây là con số "may mắn" bởi thực tế, nhu cầu du lịch của người dân chỉ còn khoảng 20%.

Ông nói thêm: "Chúng tôi có thể đạt con số 60-70% bởi nhiều công ty du lịch đã rời khởi đường đua. Một hai lần dịch đầu, một số công ty vẫn trụ được nhưng đến giờ họ cũng đã đóng cửa. Ngoài ra, chúng tôi cũng sở hữu sẵn các khu nghỉ dưỡng ở Đại Lải (Hà Nội) và Cát Bà (Hải Phòng). Đây là loại hình phù hợp với xu hướng hiện tại".

 Du lịch nghỉ dưỡng là loại hình phù hợp với thời kỳ hậu dịch. Ảnh: Flamingo Đại Lải.

Du lịch nghỉ dưỡng là loại hình phù hợp với thời kỳ hậu dịch. Ảnh: Flamingo Đại Lải.

Vấn đề bán tour nhưng không biết tour tổ chức được hay không cũng đang là bài toán khó cho doanh nghiệp. Đây là câu chuyện được nhắc đến nhiều khi chưa có cơ chế chung dành cho khách du lịch. Mỗi tỉnh đang có chính sách nhận khách ngoại tỉnh khác nhau, tùy theo tình hình dịch.

Như vừa qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh du thuyền hạng sang ở Hạ Long (Quảng Ninh) đã phải "kêu cứu" khi đứng trước nguy cơ lại đóng cửa dù vừa mở. Nguyên nhân do khách Hà Nội hiện không thể đi vào Quảng Ninh. Hà Nội đã chuyển từ "vùng xanh" sang "vùng vàng" nhưng Quảng Ninh chỉ chấp nhận khách "vùng xanh".

"Có thể nói, Hà Nội là cửa ngõ giao thương trung chuyển của các tỉnh phía Bắc. Khi nói đến du lịch, Hà Nội chính là điểm trung gian trong hành trình tham quan miền Bắc. Tùy vào chương trình, du khách sẽ lưu trú tham quan 1-2 ngày tại Hà Nội trước hoặc sau khi đi tham quan các tỉnh lân cận ở Tây Bắc, Đông Bắc hay Quảng Ninh, Ninh Bình…", đại diện Vietravel nói về ảnh hưởng khi Hà Nội chuyển sang "vùng vàng".

Khách Việt không còn thích tour truyền thống?

Đây là ý kiến nhiều doanh nghiệp lữ hành nhận định sau đợt dịch thứ 4. Tâm lý khách Việt đang thiên về các gói combo với nhóm nhỏ thay vì mua tour theo đoàn lớn. Có thể hiểu do họ sợ tiếp xúc nhiều bởi đợt dịch thứ 4 này thực sự đã để lại nhiều hậu quả, tạo tâm lý dè chừng.

Phía Vietravel cho biết họ cũng nhận thấy xu thế đang thay đổi và tìm cách chuyển hóa sản phẩm thích hợp hơn cho nhu cầu khách hàng. Ví dụ, trước kia, họ thường tổ chức tour 40-50 người gồm khách từ nhiều nơi. Tuy nhiên, hiện nay, công ty nhận xét nhu cầu du lịch quy mô đông này đã không còn.

 Các công ty đang dần chuyển hướng thay vì tập trung vào sản phẩm tour truyền thống. Ảnh: Flamingo Redtours.

Các công ty đang dần chuyển hướng thay vì tập trung vào sản phẩm tour truyền thống. Ảnh: Flamingo Redtours.

"Mọi người hướng vào du lịch cá nhân, gia đình, các chuyến Family Trip, Private Trip. Tâm lý của thị trường chung vẫn tương đối thận trọng với vấn đề du lịch, khách hàng chú trọng nhiều đến sự an toàn hơn là nhu cầu, sở thích bản thân.

Hiện tại, Vietravel đã có sự điều chỉnh khi thiết kế tour. Chúng tôi không chỉ làm giá tour dành cho một khách lẻ mà làm theo nhóm từ 4, 6, 8 khách. Theo đó nhóm khách gia đình, bạn bè có thể cùng rủ nhau tham gia tour riêng", đại diện công ty chia sẻ.

Theo ông Hoan, thị trường tour truyền thống rõ ràng đang gặp vấn đề trong lần trở lại này. Do đó, công ty không tập trung vào các tour ghép khách, đoàn lớn. Thay vào đó, họ hướng đến những tour mang tính gia đình, cá nhân.

Các tour này không yêu cầu đoàn khách đông mới có thể khởi hành. Ngoài ra, nó cũng linh hoạt hơn khi khách có thể dễ dàng thay đổi ngày đi nếu bận do không bị ảnh hưởng bởi lịch trình của người khác.

"Hiện nay, nhiều địa phương vẫn có các quy định riêng. Việc phân vùng giờ cũng nhảy như chứng khoán. Hà Nội mới rồi vùng xanh đã nhảy lên vùng vàng", ông Hoan lý giải nguyên nhân khiến các tour truyền thống thất thế thời điểm này.

Bao giờ thị trường tour sôi động trở lại?

"Lần này thì khác, tâm lý người dân nói chung hay du khách nói riêng phần nào bị ảnh hưởng. Chúng tôi dự đoán du lịch sẽ phục hồi dần, không thể có bước nhảy vọt trong thời gian ngắn.

Từ nay tới 15/1/2022 là giai đoạn khởi động lại thị trường. Sau đó đến 15/4 năm sau là giai đoạn thị trường dần phục hồi từng phần. Phải tới giai đoạn 30/4 và hè năm 2022, mọi thứ mới bình thường trở lại", bà Khanh chia sẻ với Zing.

Đồng quan điểm, đại diện BestPrice cho biết tương lai "đẹp nhất" sẽ đến khi không còn ca mắc Covid-19. Tuy nhiên, lúc này, chủ trương không còn là "Zero Covid" và các doanh nghiệp cũng cần xác định như vậy.

"Tôi nghĩ mọi thứ sẽ bình thường khi toàn bộ người dân được tiêm đầy đủ vaccine phòng Covid-19 để mọi người thấy an toàn hơn. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần chủ động được nguồn vaccine để giải quyết ngay khi bùng dịch, không phải chờ đợi.

Song song với đó là sự phối hợp của các địa phương với Nghị quyết 128 của Chính phủ để doanh nghiệp cũng như người dân nắm thông tin về đi du lịch đầy đủ, an toàn hơn", ông Tú nêu quan điểm.

Anh Tú

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tour-du-lich-mo-ban-nhung-khong-biet-bao-gio-di-post1275438.html