'Toy Story 4' sẽ tiếp tục là 'con bò tuôn ra tiền' trong dịp Hè?
'Toy Story 4' là một bộ phim mà mọi lứa tuổi khán giả đều có thể xem và chẳng khác gì cú hích cho một mùa phim Hè 2019 đang có quá nhiều phim dưới kỳ vọng.
Trong tiếng Anh, cụm từ "Cash cow" được sử dụng để chỉ những thứ thành công, sinh lời tới mức chẳng khác gì một con bò tuôn ra tiền thay vì sữa.
"Toy Story" của Pixar là 1 thứ "cash cow" như thế, khi ba tập phim đầu tiên thu về xấp xỉ 2 tỷ USD (riêng "Toy Story 3" là phim hoạt hình đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 1 tỷ USD) chưa kể hàng loạt sản phẩm ăn theo bán chạy chẳng kém.
Tập phim thứ ba ra mắt năm 2010 là một cái kết quá viên mãn, trọn vẹn cho bộ trilogy, khép lại hành trình của cậu bé Andy với đám đồ chơi cũng như chính tuổi thơ của nhiều khán giả lớn lên trong thập niên 90 của thế kỷ 20.
Vậy nên chẳng phải ngẫu nhiên khi nhiều người lo sợ Disney và hãng Pixar sẽ cố vắt kiệt con bò sữa "Toy Story" với phần thứ tư, dù lồng tiếng cho Woody và Buzz Lightyear vẫn là cặp đôi Tom Hanks và Tim Allen năm nào, hay kịch bản vẫn do Andrew Stanton chấp bút với sự hỗ trợ từ chính đạo diễn hai phần đầu John Lasseter.
Josh Cooley tuy mới lần đầu làm phim nhưng trước đó từng tham gia nhiều dự án thành công của Pixar như "The Incredibles," "Ratatouille," "Up" hay "Inside Out."
Chừng ấy cái tên vẫn chưa đủ để gạt qua định kiến, rằng một series huyền thoại tưởng đã kết êm đẹp bỗng chốc bị đào lại bởi một phần mới có thể làm hỏng thương hiệu này, như hình tượng một con bò sữa bị vắt kiệt tới cùng.
Nhưng thật may là "Toy Story 4" không như vậy. Nếu như tập phim cách đây chín năm là lời từ biệt từ cậu chủ Andy - đại diện cho rất nhiều cô, cậu bé giờ đã trưởng thành - với đám đồ chơi thì ở tập phim này, khán giả được dịp đối mặt với câu hỏi: "Andy đã sẵn sàng chia tay, nhưng liệu những người bạn đồ chơi thân thiết của cậu có thực sự hạnh phúc với cuộc sống mới?"
Câu chuyện phim tiếp tục khai thác thế giới của những đồ chơi tưởng như vô tri vô giác song lại ngập tràn cảm xúc.
Chủ mới của Woody là Bonnie - một cô bé đến tuổi đi học. Trong ngày đầu tiên tới trường, cô bé tạo ra một món đồ chơi mới mang tên Forky từ những đồ vật bỏ đi và trở nên không thể tách rời với người bạn mới này.
Tuy nhiên, Forky lại không thể dễ dàng hòa nhập với những người bạn đồ chơi như Woody hay Buzz. Đó là lý do khiến Forky chọn cách bỏ trốn trong một chuyến đi chơi của gia đình Bonnie, buộc Woody phải lên đường để tìm lại người bạn cho cô chủ...
Với kinh phí khoảng 200 triệu USD và được hậu thuẫn bởi đại gia làng giải trí Disney, "Toy Story 4" có phần hình ảnh và âm nhạc hoàn hảo.
Nhà soạn nhạc quen thuộc từ những phần trước là Randy Newman tiếp tục cống hiến cho khán giả những giây phút trầm bổng theo mạch cảm xúc phim, trong khi phần đồ họa đủ làm hài lòng những khán giả khó tính nhất.
Thế giới "Toy Story" có màu sắc tương phản rõ rệt giữa những bối cảnh: một thế giới bên ngoài đầy màu sắc rực rỡ của những đồ chơi được yêu mến, đối nghịch với không gian u tối, nhuốm màu thời gian trong cửa hàng đồ cũ chứa những món đồ chơi chẳng ai muốn lấy. Tạo hình các nhân vật đều được chăm chút từ những chi tiết nhỏ nhất như bộ lông của chú mèo.
Trong "Toy Story 4," khán giả có thể nhận thấy sự chuyển biến tâm lý rõ rệt của các nhân vật cũ so với lần đầu gặp họ trong phiên bản năm 1995.
Nếu như trong quá khứ, Woody từng tị nạnh với Buzz vì là món đồ chơi được ưa thích hơn còn Buzz quen hoạt động một mình với cái tôi cao thì giờ đây, mọi chuyện đã thay đổi.
Sau những cuộc phiêu lưu, họ cùng nhau trải qua trong ba phần trước, Woody và Buzz đã trở thành những thủ lĩnh mà những món đồ chơi khác có thể đặt niềm tin.
Sự trưởng thành ở Woody được thể hiện qua cách anh bằng mọi giá tìm lại Forky bởi đó là món đồ chơi ưa thích của cô chủ, trong khi Buzz biết cách phối hợp với những món đồ chơi khác vì mục đích chung.
Ngay cả một nhân vật từng xuất hiện từ hai phần đầu với tính cách "bánh bèo" là Bo Peep nay cũng trở nên can trường hơn nhiều nhờ bảy năm sống độc lập ở ngoài.
Những nhân vật quen thuộc trong các tập trước như Ông bà Khoai tây hay Khủng long đồ chơi đã lui về hậu trường, nhường đất diễn cho những món đồ chơi khác.
Hai ngôi sao Keanu Reeves và Christina Hendricks để lại ấn tượng với các nhân vật Duke Caboom và Gabby Gabby, song bộ đôi diễn viên hài Jordan Peele và Keegan-Michael Key mới thực sự là tâm điểm.
Hai nhân vật gấu bông ăn ý Bunny và Ducky do cặp đôi này lồng giọng mang lại nhiều tiếng cười tự nhiên cho khán giả với những hành động và trí tưởng tượng hài hước.
Càng về cuối, "Toy Story 4" càng ... giống một bộ phim Pixar nói chung và "Toy Story" nói riêng. Sau những nghi ngại ban đầu về một chú bò bị vắt kiệt sữa, bộ phim khiến khán giả an tâm rằng chú bò này vẫn khỏe mạnh và xứng đáng với mọi lời tán dương.
Những yếu tố khiến series "Toy Story" được yêu thích đến vậy là nội dung và cảm xúc vẫn còn đó, đặc biệt là nửa cuối phim. Đằng sau nhiều tiếng cười duyên dáng, những màn rượt đuổi được sắp đặt một thú vị là những bài học, thông điệp về sự lựa chọn, sự chia ly... được đưa ra một cách tự nhiên, không hề gượng ép.
Dù mới là tháng Sáu song sẽ không phải quá sớm nếu đưa "Toy Story 4" vào danh sách ứng cử viên cạnh tranh Oscar 2020.
"Toy Story 4" có thể không mang lại cảm giác cao trào như khi nhóm bạn đồ chơi đứng trước ngọn lửa hay xúc động khi cảnh Andy chơi lần cuối cùng Woody trong phần ba, nhưng vẫn thật sự hay bởi nó mang đầy đủ những yếu tố khiến ta từng mê say "Toy Story" năm nào.
"Toy Story 4" là một bộ phim mà mọi lứa tuổi khán giả đều có thể xem và chẳng khác gì cú hích cho một mùa phim Hè 2019 đang có quá nhiều phim dưới kỳ vọng.
Sự ra đời của "Toy Story 4" như cách nhân vật Forky xuất hiện trong bộ phim: ban đầu ta cứ ngỡ đây là một kẻ thừa thãi, song dần mang lại cảm tình và cuối cùng nhận ra thật tuyệt vời khi có thêm một người bạn mới như Forky./.
"Toy Story 4" (tựa Việt là "Câu chuyện đồ chơi 4")
Đạo diễn: Josh Cooley
Diễn viên lồng tiếng: Tom Hanks, Tim Allen, Keanu Reeves
Thể loại: Hoạt hình, Gia đình
Thời lượng: 100 phút
Ngày khởi chiếu tại Việt Nam (có bản lồng tiếng Việt): 21/6
Đánh giá: 4,5/5 sao