Toyota Việt Nam: Điểm sáng của Chương trình 1 triệu sáng kiến
Luôn là một trong số những đơn vị dẫn đầu ngành Công Thương trong chương trình '1 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19' kể từ khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, tính đến nay Công ty Ô tô Toyota Việt Nam đã cập nhật lên hệ thống hơn 90.000 sáng kiến cải tiến của người lao động.
Theo đó, kết thúc giai đoạn 2 của Chương trình, hơn 62.000 sáng kiến đã được Toyota cập nhật thành công lên cổng thông tin trực tuyến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Dự kiến, đến hết ngày 31/8 này, Công ty sẽ cập nhật đủ 30.000 sáng kiến nữa, nâng tổng số sáng kiến của Toyota trên hệ thống lên 92.000 sáng kiến, góp phần không nhỏ trong thành tích vị trí thứ hai của Công đoàn Công Thương Việt Nam trên toàn hệ thống.
Sáng kiến cải tiến liên tục
Chia sẻ về hoạt động sáng kiến, cải tiến của Toyota, ông Trần Hoài Nam – Chủ tịch Công đoàn Công ty Toyota Việt Nam cho biết, tại Toyota Việt Nam, chúng tôi được thấm nhuần và áp dụng Phương thức Toyota 2020 hàng ngày để khuyến khích hành động tích cực, khích lệ sự thay đổi tư duy của mỗi thành viên và duy trì văn hóa làm việc của Toyota. Trong Phương thức Toyota, nội dung số 6 đó là “Tiếp tục nhiệm vụ cải tiến”. Vì vậy, hệ thống “Kaizen Teian” của Toyota đã ra đời ngay từ khi Công ty thành lập và được duy trì phát triển tới hôm nay.
Hệ thống “Kaizen Teian” bao gồm: Phiếu viết sáng kiến; Quy trình chấm điểm; Tiêu chí chấm điểm; Cơ cấu giải thưởng cho người có sáng kiến.
Hiện nay, trung bình tại Toyota, mỗi tháng người lao động đề xuất từ 3.000 – 4.000 ý tưởng cải tiến. Trong đó, có nhiều sáng kiến đã được áp dụng vào thực tế và tạo ra hiệu quả lớn đối với Công ty.
Là một trong những “cây sáng kiến” của Toyota, anh Lê Doãn Huy – Tổ trưởng sản xuất Xưởng Lắp ráp cho biết, mỗi công việc khác nhau sẽ có ý tưởng cải tiến khác nhau để phù hợp với công việc đó. Tùy thuộc vào mức độ phức tạp của từng cải tiến mà thời gian để hoàn thành nó sẽ khác nhau, có những cải tiến chỉ mất 2 giờ để thực hiện, có những cải tiến có thể mất tới hàng chục ngày công mới hoàn thiện. Bạn hỏi tôi, tại sao lại có thể có nhiều sáng kiến như vậy? Trung bình tôi có từ 50-60 sáng kiến cải tiến mỗi tháng. Và những ý tưởng cải tiến của tôi đều xuất phát từ công việc hàng ngày, nhằm cải thiện công việc được thực hiện nhanh hơn, dễ dàng hơn, hiệu quả hơn.
Những cải tiến của tôi đã làm được có thể chưa phải là hoàn hảo nhất, tốt nhất, nhưng nó luôn cố gắng hướng tới cải tiến của ngày hôm nay sẽ tốt hơn cải tiến của ngày hôm qua. Vì vậy, nếu bạn luôn mang trong mình tinh thần học hỏi, phấn đấu vươn lên, thì bạn sẽ luôn nhìn thấy những việc cần cải tiến. Trong công việc hàng ngày tôi cũng thường xuyên trao đổi với các cấp quản lý, đồng nghiệp để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong công việc. Từ đó tôi có cơ hội cập nhật xu hướng, đổi mới trong công việc của mình. Đối với tôi, đây thực sự là một môi trường làm việc lý tưởng để mỗi người phát huy hết khả năng sáng tạo của mình.
Điểm sáng của Chương trình 01 triệu sáng kiến
Với tinh thần liên tục cải tiến, Chương trình “01 triệu sáng kiến – nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi trong tập thể người lao động và Ban Chấp hành Công đoàn Công ty Toyota Việt Nam.
Sẵn đà lao động cải tiến vốn có, cộng thêm chút quyết tâm dành thời gian tham gia, cập nhật dữ liệu vào hệ thống, Toyota nhanh chóng vươn lên là điểm sáng của ngành Công Thương trong Chương trình, góp phần không nhỏ đưa Công Thương lên vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng (sau tỉnh Thanh Hóa) về số lượng sáng kiến được cập nhật. Để đạt được mục tiêu đề ra của Chương trình, Công đoàn Công ty Toyota đã thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt, nhận được sự ủng hộ và tham gia nhiệt tình từ Ban Lãnh đạo Công ty tới các công đoàn viên.
Chủ tịch Công đoàn Trần Hoài Nam cho biết, khi nhận nhiệm vụ từ Công đoàn Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), chúng tôi đã tổ chức họp Ban Chấp hành Công đoàn để lập phương án thực hiện bao gồm, chọn 01 Phó Chủ tịch Công đoàn làm Trưởng ban dự án, sau đó chia sẻ và trao đổi với Ban Giám đốc và các phòng ban chức năng để nhận sự đồng hành và hỗ trợ từ các bên. Đồng thời, họp với tổ trưởng Công đoàn các xưởng, phòng ban để phân công nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành và tổ trưởng Công đoàn trực tiếp gặp gỡ người lao động để khích lệ tinh thần “Kaizen” –Cải tiến liên tục. Trưởng ban dự án sẽ báo cáo tiến độ và kết quả hàng tuần để kịp thời nắm bắt tình hình và đưa ra các giải pháp phù hợp.
Ban lãnh đạo Công ty đánh giá, đây là Chương trình giúp người lao động phát huy thế mạnh, sức sáng tạo và tinh thần liên tục cải tiến trong những công việc hàng ngày, từ đó nâng cao năng suất lao động và lan tỏa giá trị tích cực cho toàn xã hội. Thông qua Chương trình, người lao động Toyota cũng có thêm cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến của mình tới các đồng nghiệp và Công đoàn ngoài Công ty. Do đó, Chương trình đã được tất cả mọi người nhiệt tình ủng hộ.
Được biết, đến ngày 31/8/2023, Toyota sẽ hoàn thành việc cập nhật 92.000 sáng kiến lên hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, góp phần không nhỏ trong thành tích vị trí thứ hai của Công đoàn Công Thương Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn quốc.