TP.Dĩ An: Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư công
Theo đánh giá của UBND TP.Dĩ An, tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công những tháng đầu năm của thành phố dự kiến sẽ chậm. Để bảo đảm hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công.
Giải ngân vốn còn thấp
Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 12-3, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công đạt 4,76% so kế hoạch được giao. Trong đó, vốn ngân sách tỉnh tập trung gồm 8 công trình với tổng vốn bố trí 287,9 tỷ đồng; vốn xổ số kiến thiết gồm 10 công trình với tổng vốn bố trí 99,4 tỷ đồng, đến nay giải ngân đạt 18,62% so kế hoạch; vốn tỉnh hỗ trợ cho cấp huyện gồm 2 công trình với tổng vốn bố trí 81,6 tỷ đồng; vốn phân cấp theo tiêu chí gồm 38 dự án với tổng vốn bố trí 258,5 tỷ đồng, đến nay khối lượng giải ngân đạt 6,24% so kế hoạch.
Hiện nay, thành phố có 12 công trình từ nguồn vốn phân cấp theo tiêu chí đang thi công. Theo đó, công trình nâng cấp, mở rộng đường Tô Vĩnh Diện khởi công ngày 26-12-2023, hiện đơn vị thi công đang dọn dẹp mặt bằng. Công trình nâng cấp, mở rộng đường D5, D8 (phường Bình An) khởi công ngày 14-12-2023, đang thi công các cấu kiện đúc sẵn. Công trình đầu tư hoàn thiện hạ tầng suối Lồ Ồ có tổng khối lượng đạt khoảng 70% và vẫn đang vướng mặt bằng… 6 công trình còn lại dự kiến sẽ được khởi công mới trong năm 2024 như xây dựng đường kênh T4; cải tạo, sửa chữa vỉa hè đường Nguyễn An Ninh…
Tại buổi làm việc với các đơn vị để đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư công trên địa bàn thành phố mới đây, ông Võ Trọng Tài, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, cho biết theo cam kết với UBND tỉnh về thực hiện đầu tư công trong năm 2024, trong quý II, thành phố phải đạt 30% kế hoạch đầu tư công. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân các dự án những tháng đầu năm của thành phố dự kiến sẽ chậm, do hiện đang sử dụng vốn tạm ứng của năm trước chuyển sang và nghỉ Tết Nguyên đán. Ông Võ Trọng Tài yêu cầu các địa phương, đơn vị phải phối hợp chặt chẽ, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, quyết tâm phấn đấu hoàn thành kế hoạch đầu tư công trong năm 2024.
Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng
Năm 2024, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố theo dõi, thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng 46 công trình. Đến nay, 25 công trình đã kết thúc công tác bàn giao mặt bằng nhưng vẫn phải theo dõi, xử lý tồn đọng; 2 công trình tạm ngưng triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhưng vẫn theo dõi chủ đầu tư bổ túc hồ sơ pháp lý theo quy định; 19 công trình đang thực hiện các bước bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy trình.
Công trình nâng cấp, mở rộng đường Tô Vĩnh Diện là một trong những công trình có nguồn vốn đầu tư của thành phố hiện đang được triển khai thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Công trình có chiều dài 993,45m; tổng số trường hợp bị ảnh hưởng thiết lập hồ sơ bồi thường là 188 trường hợp. Hiện thành phố đã áp giá trình phê duyệt hồ sơ bồi thường 176 trường hợp. Hộ dân đã bàn giao mặt bằng đạt tỷ lệ 5,03% (tính đến ngày 12- 3). Năm 2024, kế hoạch vốn bố trí dự án là 20,2 tỷ đồng. Trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, công trình này hiện đang vướng 170 trường hợp.
Ông Võ Trọng Tài, Phó Chủ tịch UBND TP.Dĩ An: “Các địa phương, đơn vị phải phối hợp chặt chẽ, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân vốn. Ngoài ra, thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương kiện toàn tổ giải phóng mặt bằng, tổ giúp việc, phải thường xuyên cập nhật công việc, báo cáo tiến độ hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, đồng thời các địa phương cần chủ động xử lý các vướng mắc”.
Ông Nguyễn Tấn Thảo, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Dĩ An, cho biết trong 170 trường hợp nêu trên có 77 trường hợp đã phê duyệt, chi trả 100% tiền bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản gắn liền với đất đối với phần đất và tài sản thuộc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ dân đang sử dụng. “Trường hợp UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến thống nhất đề xuất theo hướng lấy mặt đường hiện hữu toàn tuyến là 7m, phần diện tích sau 7m sẽ xem xét thiết lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ (đất nông nghiệp) đối với phần đất đủ điều kiện bồi thường về đất. Trung tâm tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tham mưu Hội đồng bồi thường, UBND thành phố giải quyết theo trình tự, thẩm quyền”, ông Nguyễn Tấn Thảo cho biết.
Đối với công trình nâng cấp, mở rộng đường D5, D8, tổng số trường hợp bị ảnh hưởng dự án khoảng 71 trường hợp, tổng diện tích đất thu hồi 14.719,2m. Đến nay, UBND thành phố đã phê duyệt hồ sơ bồi thường gồm 10 đợt cho 118 hồ sơ với số tiền 102,533 tỷ đồng. Đến nay, trung tâm đã tiếp nhận mặt bằng xây dựng đạt tỷ lệ 80,8%.
Ông Nguyễn Tấn Thảo, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Dĩ An, cho biết trong thời gian tới trung tâm tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố, các phòng ban liên quan, UBND các phường có công trình đi qua đang vướng mắc đền bù giải tỏa để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng.