TP Hải Dương chấn chỉnh dạy thêm, học thêm trái phép

Thời gian gần đây việc dạy thêm, học thêm (DTHT) ở TP Hải Dương bỗng nhiên trầm lắng.

Một lớp học thêm buổi tối ở đường Lê Chân, phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương). Ảnh chụp tối 25.9

Một lớp học thêm buổi tối ở đường Lê Chân, phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương). Ảnh chụp tối 25.9

"Án binh bất động"

Ông Nguyễn Văn T. ở phường Ngọc Châu cho biết: “Bình thường tôi vẫn đưa cháu đi học thêm môn toán 2 buổi/tuần ở nhà giáo viên nhưng đột nhiên mẹ cháu bảo cô cho nghỉ tạm thời vì cơ quan chức năng đang làm rất gắt gao”.

Em Ng., học sinh Trường THCS N.C. chia sẻ: "Em học thêm môn toán ở nhà cô vào tối thứ 6 và sáng thứ 7 nhưng cách đây 2 tuần cô thông báo tạm nghỉ".

Nắm bắt thông tin của một số phụ huynh, chúng tôi đã có mặt tại nhiều địa điểm nhà riêng thường diễn ra tình trạng DTHT nhưng không có phụ huynh nào đưa học sinh đến học. Tuy tình trạng DTHT vẫn còn song số lượng rất ít.

Bước vào năm học mới, TP Hải Dương đã chỉ đạo quyết liệt, tăng cường kiểm tra để xử lý tình trạng DTHT trái phép.

Ngày 9.9.2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Dương ban hành Nghị quyết về công tác quản lý và phát triển giáo dục và đào tạo (GDĐT), trong đó nhấn mạnh việc tăng cường công tác kiểm tra các trường hợp vi phạm trong DTHT.

Trưởng Phòng GDĐT TP Hải Dương Lê Thị Mỹ Phương cho biết phòng đã ban hành các văn bản yêu cầu các trường học thuộc cấp quản lý thực hiện đúng quy định về DTHT của Bộ GDĐT, UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở GDĐT; nghiêm cấm DTHT với học sinh tiểu học, cấm ép buộc học sinh học thêm.

Đồng thời, phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành liên quan để tăng cường kiểm tra, xử lý DTHT trái quy định. Nếu để xảy ra sai phạm trong quản lý DTHT tại đơn vị, hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm trước các cấp có thẩm quyền.

Các cơ sở giáo dục, các cá nhân cố ý thực hiện sai quy định về DTHT sẽ bị xử lý nghiêm.

Thời gian gần đây, cứ hết giờ làm việc tại cơ quan, nhiều cán bộ Phòng GDĐT TP Hải Dương lại chia nhau đi các địa điểm để kiểm tra. Có trường hợp họ được người dân, phụ huynh thông báo, thậm chí cứ nhìn thấy trên đường có phụ huynh chở học sinh là đi theo đến tận nơi để nắm bắt tình hình.

Trước đó, trong dịp hè vừa qua, Phòng GDĐT TP Hải Dương đã phối hợp kiểm tra 3 cuộc về DTHT. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tại Trường THCS Ngọc Châu do tổ chức dạy thêm cho học sinh lớp 6; lập biên bản 3 giáo viên ở phường Ái Quốc, 1 giáo viên của Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng vì vi phạm về DTHT.

Phòng GDĐT đã báo cáo lãnh đạo UBND thành phố, gửi công văn đề nghị xem xét, kỷ luật theo quy định. Cả 4 giáo viên trên đều bị Phòng GDĐT đề nghị phê bình, kiểm điểm và hạ 1 bậc thi đua trong năm học 2018 - 2019.

Trường THCS Ngọc Châu không đạt danh hiệu tập thể xuất sắc. Hiệu trưởng Trường THCS Ái Quốc không được bằng khen của UBND tỉnh.

Có bền vững?

Một số người băn khoăn liệu nỗ lực của các cơ quan chức năng ở TP Hải Dương có bền vững hay chỉ theo phong trào? Có thể các giáo viên chỉ “án binh bất động” khi cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, sau này nếu việc kiểm tra bị nới lỏng thì sẽ tiếp tục DTHT trở lại? Giải pháp căn cơ nào để chống DTHT trái quy định song không làm ảnh hưởng tới hoạt động DTHT đúng quy định?

Theo bà Phương, để giải quyết triệt để vấn đề này rất cần sự vào cuộc tích cực của 4 nhà: Nhà nước - nhà trường - nhà giáo và gia đình học sinh. Bên cạnh đó cấp ủy, chính quyền các phường, xã cũng phải vào cuộc tích cực, phối hợp tuyên truyền, phát hiện kịp thời để có những giải pháp xử lý.

Trong thời gian tới, phòng sẽ tham mưu với cấp ủy, chính quyền thành phố yêu cầu các nhà trường cung cấp toàn bộ số điện thoại, địa chỉ nhà riêng, bộ môn của giáo viên để chủ động kiểm tra. Yêu cầu các hiệu trưởng chỉ đạo thành lập các ban thanh tra để kiểm tra trực tiếp các giáo viên của nhà trường, gắn trách nhiệm trực tiếp đến lãnh đạo các nhà trường.

Tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử phạt đối với các đơn vị sai phạm, tránh tình trạng buông lỏng quản lý để các cơ sở DTHT sai quy định lại tái phạm.

Một số phụ huynh cho rằng ngoài những giải pháp về quản lý, cơ quan chức năng cần có những chính sách tổng thể và đồng bộ để điều chỉnh chế độ lương của giáo viên; nội dung chương trình và sách giáo khoa; phương pháp dạy học... Phụ huynh học sinh cần nhìn nhận vấn đề học thêm của con em một cách đúng đắn hơn.

THẾ ANH

Quy định về dạy thêm, học thêm chương trình phổ thông trên địa bàn tỉnh Hải Dương (ban hành kèm theo Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 10.9.2013 của UBND tỉnh) nêu rõ không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; tuyệt đối không tổ chức dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học đã được học 2 buổi/ngày, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Các cơ sở dạy thêm học thêm phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/giao-duc---tuyen-sinh/tp-hai-duong-chan-chinh-day-them-hoc-them-trai-phep-117238