TP Hải Dương xóa úng ngập khu vực phía bắc đường sắt
TP Hải Dương đang khẩn trương thực hiện 2 dự án giúp những hộ dân sống ở khu vực phía bắc đường sắt thoát khỏi cảnh úng ngập mỗi khi mưa lớn.
Mùa mưa bão luôn là nỗi ám ảnh đối với những hộ dân ở khu vực phía bắc đường sắt của TP Hải Dương bởi cứ mưa là ngập. Thành phố đang khẩn trương triển khai các giải pháp chống úng cho khu vực này.
Rốn ngập
10 năm sống tại đường Phan Đình Phùng (phường Cẩm Thượng) cũng là từng đấy năm gia đình anh Hoàng Văn Biên phải đối mặt với những bất tiện do ngập úng gây ra. Chỉ cần một trận mưa lớn dồn dập trong vài giờ đã làm đảo lộn cuộc sống của cả khu phố vài ngày. Anh Biên than phiền: “Hễ trời có dấu hiệu mưa hoặc xem dự báo thời tiết sắp tới có mưa dài ngày là tôi lại lo bảo vệ đồ dùng, thiết bị trong nhà, nhưng cũng không tránh khỏi hư hỏng. Đến khi nước rút lại mất thời gian, công sức dọn dẹp nhà cửa. Sống tại thành phố mà còn mệt mỏi hơn ở quê”.
Gia đình anh Lê Văn Hoan, ở phố Cô Đoài (phường Cẩm Thượng) cũng chịu ảnh hưởng nặng nề mỗi khi có mưa lớn. Xắn quần đi làm, xe chết máy... là hình ảnh quen thuộc của vợ chồng anh khi mùa mưa đến. Không chỉ tác động tới sinh hoạt thường ngày mà ngập úng còn gây ra những vấn đề về sức khỏe đối với các thành viên trong nhà, nhất là người già, trẻ nhỏ. "Nếu ngập úng không được giải quyết dứt điểm thì chúng tôi không thể yên tâm sinh sống", anh Hoan nói.
Mỗi năm, TP Hải Dương chịu ảnh hưởng của 8-10 đợt mưa vừa, mưa to đến rất to. Sau mỗi đợt mưa như vậy, cùng với khu vực phía tây, phía bắc đường sắt cũng là rốn ngập úng của thành phố. Ở khu vực này, ngập úng thường xảy ra ở các tuyến đường như Hoàng Diệu, Cô Đông, Cô Đoài, Phan Đình Phùng...
Thực hiện ngay 2 dự án chống úng
Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị, khu dân cư mới được hình thành trong khi hệ thống tiêu thoát nước của thành phố đã được xây dựng từ lâu. Mỗi khi có mưa lớn, nhiều tuyến phố thường bị ngập úng nặng kéo dài. Việc xử lý ngập úng tại khu vực phía bắc đường sắt là nan giải nhất vì thiếu hạ tầng. Khu vực này không có hồ điều hòa, phải tiêu qua hệ thống thoát nước của quốc lộ 5 ra trạm bơm Đồng Niên. Khả năng tiêu thoát nước ở vùng này rất chậm, phụ thuộc vào các nơi khác và không có phương án dự phòng. Để giải quyết triệt để tình trạng trên, UBND TP Hải Dương đang nghiên cứu thực hiện dự án cải tạo hệ thống thoát nước và xử lý nước thải của thành phố bằng nguồn vốn vay ODA, vay ngân hàng thế giới và vốn đối ứng.
Để khắc phục ngay tình trạng úng ngập khu vực phía bắc đường sắt, UBND thành phố đang thực hiện 2 dự án chống úng. Đó là cải tạo hệ thống thoát nước tại các đường Cô Đông, Quán Thánh (phường Bình Hàn) và nâng cấp, cải tạo hệ thống dẫn nước về hồ điều hòa trạm bơm Bình Hàn. Dự kiến 2 dự án trên sẽ hoàn thành trước ngày 15.9. Sau khi đưa vào sử dụng, 2 công trình này sẽ hỗ trợ tối đa cho trạm bơm Bình Hàn, giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng ở đây. Đồng thời, thành phố kết nối đồng bộ hạ tầng chống úng với các công trình đã thực hiện trước đó là cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước đường Nguyễn Lương Bằng đoạn từ ngã tư Máy Sứ đến đường Vũ Hựu; cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước đường Khúc Thừa Dụ, Vũ Hựu, Nguyễn Quý Tân, Nguyễn Trác Luân; cải tạo hệ thống thoát nước ngõ 324 Nguyễn Lương Bằng. Các công trình đưa vào khai thác, sử dụng sẽ góp phần nâng cao năng lực tiêu thoát nước cho thành phố nói chung và khu vực phía tây thành phố, phía bắc đường sắt nói riêng.
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản TP Hải Dương, địa phương đang gấp rút triển khai các công trình chống úng cho các khu vực trọng điểm. Đây là quyết tâm của thành phố để nâng cao chất lượng tiêu chí đô thị loại I. Sau khi được đầu tư, khả năng tiêu thoát nước cho khu vực phía tây thành phố đã được cải thiện. Việc tiêu thoát nước ở khu vực này nhanh hơn trước đây. Khi các công trình chống úng khu vực phía bắc đường sắt hoàn thiện, việc tiêu thoát nước cho vùng này cũng sẽ nhanh chóng, thuận lợi hơn. Nơi đây sẽ không còn là rốn ngập úng của thành phố.