TP. Hải Phòng phát huy vai trò động lực phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng

Nằm trong vùng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, gắn với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hải Phòng đã khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh và vận dụng linh hoạt các chính sách của Trung ương, địa phương và các mối liên kết trong nội vùng, vươn lên trở thành cực tăng trưởng quan trọng, khẳng định vai trò dẫn dắt trong phát triển kinh tế của Vùng đồng bằng sông Hồng.

Cầu Hoàng Văn Thụ (Hải Phòng) được thiết kế hình cánh chim biển. Ảnh tư liệu

Cầu Hoàng Văn Thụ (Hải Phòng) được thiết kế hình cánh chim biển. Ảnh tư liệu

Đẩy mạnh liên kết nội vùng

TP. Hải Phòng được biết đến là địa phương hội tụ đủ các loại hình giao thông: đường biển, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không… Phát huy lợi thế của mình, TP. Hải Phòng đã xác định một trong những giải pháp trọng tâm để phát triển bứt phá, tạo động lực tăng trưởng mới là đẩy mạnh liên kết vùng.

Hải Phòng đề xuất thành lập khu kinh tế ven biển phía Nam

Ông Lê Trung Kiên - Trưởng ban BQL Khu Kinh tế Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đang đề xuất thành lập Khu Kinh tế ven biển phía Nam. Khu kinh tế mới sẽ kết nối giao thông thuận lợi với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng bởi đường cao tốc ven biển, quốc lộ 37. Qua đó, tạo động lực, không gian phát triển mới không chỉ riêng TP. Hải Phòng mà còn đối với cả các địa phương trong vùng.

Trên tinh thần hợp tác, cùng phát triển, TP. Hải Phòng đã tận dụng tiềm năng, thế mạnh riêng có, đồng thời phối hợp với các địa phương trong vùng tạo sự gắn kết và đạt hiệu quả cao hơn. Thu hút đầu tư FDI và kết nối giao thông tại 4 địa phương cũng được thúc đẩy tốt hơn.

Cùng với đó, thành phố ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng kết nối liên vùng, cảng biển, logistics, hạ tầng số; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn...

Đồng thời, đẩy mạnh khai thác, phát huy hiệu quả những công trình hạ tầng hiện đại đã, đang hoặc sẽ được đầu tư trong thời gian ngắn sắp tới như: hệ thống đường cao tốc kết nối với Hà Nội, Quảng Ninh; đường ven biển kết nối Nam Định, Thái Bình, sân bay Cát Bi; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, các công trình hạ tầng kết nối liên vùng…; mở ra không gian phát triển rộng mở, đa chiều, đa cực, đa trung tâm… để đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Dấu ấn nổi bật, là thông qua các hoạt động liên kết, hỗ trợ này, TP. Hải Phòng cùng với Quảng Ninh đã được UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Có thể nói việc đẩy mạnh liên kết vùng là chìa khóa để TP. Hải Phòng mở rộng không gian phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; từ đó tạo ra những động lực phát triển mới.

Phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt phát triển vùng

Với quy mô kinh tế đứng thứ 2 toàn vùng sau Thủ đô Hà Nội, việc Hải Phòng giữ vững tốc độ tăng trưởng ở mức 2 con số trong một thời gian dài, liên tục dẫn đầu toàn vùng là sự nỗ lực, phấn đấu kiên trì, quyết liệt của quân và dân thành phố, với sứ mệnh Hải Phòng phát triển không chỉ vì Hải Phòng mà vì cả khu vực và cả nước.

Trên cơ sở lợi thế vượt trội đã và đang có, TP. Hải Phòng đã xác định nhiệm vụ, giải pháp nhằm mục tiêu: Phát triển TP. Hải Phòng trở thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại; xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng.

TP. Hải Phòng đã và đang quyết tâm phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vai trò cửa ngõ ra biển lớn của quốc gia, trung tâm kinh tế biển, công nghiệp hiện đại của cả nước; phấn đấu xây dựng và phát triển thành phố không chỉ là một cực phát triển quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh mà còn là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và của cả nước.

Thông tin từ Cục Thống kê TP. Hải Phòng, tháng 7/2024, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước đạt 8.062,6 tỷ đồng. Tính chung 7 tháng qua, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước đạt 68.875,4 tỷ đồng, bằng 64,51% dự toán mà Hội đồng Nhân nhân thành phố giao và tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Hải Phòng hiện đứng thứ 2 (sau Thủ đô Hà Nội) về thu ngân sách nhà nước vùng trọng điểm kinh tế Bắc Bộ.

Để đạt được mục tiêu trên, cũng cần có cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng từ Trung ương để phát triển Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng. Theo đó, cần sớm đầu tư tuyến đường sắt duyên hải Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Ninh Bình; đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng ra Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (bao gồm nhánh rẽ ra Cảng Đình Vũ) để việc vận tải hành khách, hàng hóa được thuận lợi hơn, hiệu quả hơn, giảm chi phí vận chuyển và giảm tải cho hệ thống đường bộ vốn đã rất quá tải.

Nghiên cứu, triển khai mô hình cơ quan quản lý cảng biển phù hợp và thống nhất, phân định rõ vai trò, trách nhiệm giữa cơ quan trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp trong việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý và khai thác cảng biển theo hướng tạo tính chủ động, sáng tạo, phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương.

Vùng Đồng bằng sông Hồng thực hiện “5 tiên phong”

Tại Hội nghị lần thứ 4 của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng diễn ra vào sáng ngày 17/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng đã chỉ rõ, phải đổi mới tư duy điều phối, chú trọng hơn nữa tới vai trò liên kết, kết nối của vùng Đồng bằng sông Hồng đối với các vùng lân cận theo tinh thần "nguồn lực bắt nguồn tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", “chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”. Trên tinh thần đó, chủ động nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết, phát triển vùng, phát huy các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng.

Thủ tướng đề nghị vùng Đồng bằng sông Hồng thực hiện “5 tiên phong”: Tiên phong trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và thành quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm. Đồng thời, tiên phong trong cải cách hành chính, phân cấp phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát. Với những yếu tố vốn có, cùng vị trí chiến lược của mình, TP. Hải Phòng tiếp tục phát huy vai trò là địa bàn động lực, khai thác mọi tiềm năng nội vùng tận dụng các cơ hội từ hội nhập, lan tỏa, kết nối với các địa phương trong vùng phát triển nhanh, mạnh, khẳng định vị thế của “đầu tàu” trong khu vực kinh tế trọng điểm của cả nước.

Thế An - Tiến Dũng

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tp-hai-phong-phat-huy-vai-tro-dong-luc-phat-trien-vung-dong-bang-song-hong-158430.html