Tp.HCM: 2 bệnh nhi nghi ngộ độc Botulinum toxin hiện giờ ra sao?
Tình trạng 2 bệnh nhi đã được cải thiện, một trẻ đã cai máy thở và theo dõi tại Khoa Nội tổng hợp, một trẻ tiếp tục được chăm sóc và theo dõi tại Khoa Hồi sức.
Tình trạng bệnh nhi đã được cải thiện
Ngày 20/2, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin thêm về trường hợp hai trẻ nghi ngộ độc Botulinum toxin đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Theo đó, sau kỳ nghỉ Tết, Sở Y tế nhận được báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 2 về 2 trường hợp bệnh nhi nghi ngờ ngộ độc Botulinum toxin (nhập viện ngày 6/2/2024 và ngày 7/2/2024).
Bệnh nhi thứ nhất (6 tuổi, địa chỉ nhà ở phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh). Ngày 03/2 trên đường về quê cùng gia đình thì nôn ói nhiều phải nhập Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định ngày 4/2/2024.
Sau 2 ngày nằm viện, bé vẫn nôn ói nhiều kèm co giật và được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 vào lúc 18h ngày 6/2/2024 với chẩn đoán theo dõi viêm não cấp.
Bệnh nhi thứ hai (7 tuổi, địa chỉ nhà cũng ở phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh), nhập Bệnh viện Hạnh phúc vào ngày 5/2/2024.
Sau 2 ngày nôn ói nhiều và cử động hàm khó, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 lúc 00h ngày 7/2/2024 với chẩn đoán theo dõi xuất huyết não.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, sau khi khai thác bệnh sử và tiền sử ăn uống ghi nhận cả hai trẻ đều cùng ăn tiệc tất niên tại nhà của một gia đình trước đó, địa chỉ ở phường Phước Long B.
Qua thăm khám lâm sàng, chụp CT-scan sọ não, MRI não, đo điện cơ và các xét nghiệm cần thiết khác, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hội chẩn và không loại trừ trẻ bị ngộ độc Botulinum toxin.Các bác sĩ thống nhất sử dụng giải độc tố Botulinum.
Hiện tại, tình trạng 2 bệnh nhi đã cải thiện, một trẻ đã cai máy thở và theo dõi tại Khoa Nội tổng hợp, một trẻ tiếp tục được chăm sóc và theo dõi tại Khoa Hồi sức và có dấu hiệu lâm sàng cải thiện tốt.
Bệnh viện Nhi đồng 2 đã lấy mẫu phân của bệnh nhân và gửi đến Viện Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh để xét nghiệm và chẩn đoán xác định.
Sở Y tế ghi nhận những nỗ lực chẩn đoán và can thiệp điều trị kịp thời cho 2 bệnh nhi nghi ngộ độc Botulinum toxin.
Cho đến thời điểm hiện tại, Sở Y tế chưa ghi nhận thêm trường hợp nào được báo cáo có triệu chứng tương tự.
Phát hiện, xử lý kịp thời khi xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm
Trước đó, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cũng đã yêu cầu lãnh đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghiêm túc triển khai tới tất cả nhân viên y tế, đặc biệt các kíp trực thực hiện nghiêm Công văn số 8457 ngày 6/10/2023 của Giám đốc Sở Y tế - ông Tăng Chí Thượng, về yêu cầu phát hiện kịp thời, xử trí, báo cáo và phối hợp điều tra nguyên nhân ngộ độc thực phẩm.
Theo đó, khi nhận được thông tin trên địa bàn có ca nghi ngộ độc thực phẩm, các đơn vị y tế địa phương phải báo cáo ngay, đồng thời phối hợp điều tra nguyên nhân.
Đặc biệt lưu ý công tác báo cáo kịp thời cho Sở Y tế, Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, cùng các đơn vị có liên quan khi phát hiện trường hợp nghi bị ngộ độc thực phẩm.
Phối hợp với Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC), trung tâm y tế quận, huyện lấy mẫu điều tra, xác minh nguyên nhân gây ngộ độc và có giải pháp cảnh báo người dân nhằm ngăn chặn kịp thời, tránh lan rộng.
Đối với các trung tâm y tế, phòng y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức, giám đốc Sở Y tế yêu cầu khi nhận được thông tin trên địa bàn xảy ra trường hợp nghi ngộ độc thực phẩm phải báo cáo ngay về Sở Y tế và Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngộ độc do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe. Độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường kỵ khí (môi trường thiếu không khí).
Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và sinh độc tố Botulinum.
Người bệnh bị ngộ độc do độc tố Botulinum có biểu hiện buồn nôn, nôn, trướng bụng, đau bụng, liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống 2 tay, sau đó tới 2 chân, liệt các cơ hô hấp; liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong.