TP HCM: 2 tuyến Quốc lộ nào đạt điểm cao trong bộ tiêu chí ưu tiên đầu tư BOT?
Có 4 tiêu chí được đưa ra để chấm điểm ưu tiên trong việc lựa chọn dự án.
Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) và Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh Long An) được chấm điểm cao nhất với 90/100 điểm trong 4 tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư theo hợp đồng BOT của Nghị quyết 98/2023.
Sau 2 tuyến Quốc lộ này, 3 dự án nâng cấp, mở rộng trên đường hiện hữu khác được chấm điểm từ 80 đến 85 điểm gồm: Quốc lộ 13 (đoạn từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu); Mở rộng trục đường Bắc- Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm) và xây dựng cầu đường Bình Tiên (đoạn từ Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).
Thông tin trên được nêu tại buổi báo cáo chuyên đề cơ sở lựa chọn và đề xuất danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng trên công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT theo cơ chế, chính sách đặc thù của NQ 98/2023/QH15, do Sở GTVT TP HCM phối hợp trường Đại học Kinh tế Luật TP HCM tổ chức chiều 9-8.
Mục đích buổi báo cáo nhằm lắng nghe ý kiến, đóng góp của các nhà khoa học, đại diện các sở ngành, nhà đầu tư về việc lựa chọn danh mục dự án đầu tư BOT để trình HĐND TP thông qua trong thời gian tới.
Có 4 tiêu chí được 2 đơn vị này đưa ra để chấm điểm ưu tiên trong việc lựa chọn dự án. Thứ nhất, dự án triển khai phải phù hợp quy hoạch được phê duyệt với loại đường phố đô thị, đường trên cao để kết nối đồng bộ với các khu đô thị mới, các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp. Thứ 2, dự án phải phù hợp với định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia. Thứ ba, dự án phải giải quyết các điểm nghẽn kết nối với các cửa ngõ và các đầu mối giao thông quan trọng. Thứ 4, dự án có khả năng huy động nguồn vốn đầu tư khối tư nhân vào dự án BOT.
Mỗi tiêu chí được chia làm 3 mức gồm ưu tiên cao, ưu tiên và ưu tiên thấp, với tổng điểm là 25.
Trên cơ sở kết quả chấm điểm theo tiêu chí, báo cáo nghiên cứu đề xuất danh mục các dự án đầu tư theo hợp đồng BOT trên các công trình đường bộ hiện hữu trong giai đoạn 2023-2030 theo thứ tự ưu tiên.
Đó là các dự án: Mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh Long An) với 90 điểm; Nâng cấp Quốc lộ 22 (đoạn từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) – 90 điểm; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu) – 85 điểm; Mở rộng trục đường Bắc- Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm) – 85 điểm và xây dựng cầu đường Bình Tiên (đoạn từ Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh) – 80 điểm.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho rằng dự án BOT không mới đối với TP HCM vì trước đây một số dự án đã triển khai rất hiệu quả.
Trong bối cảnh nguồn lực từ ngân sách TP HCM chỉ đáp ứng 20-21% thì việc huy động các nguồn lực xã hội vào các dự án là rất cần thiết. Cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98 vừa ban hành có thời hạn 5 năm, do đó TP HCM cần nhanh chóng lựa chọn, triển khai hiệu quả những dự án BOT cấp bách, khả thi.