TP.HCM: 400.000 xe máy xăng của tài xế công nghệ sẽ đi đâu sau chuyển đổi?

Ông Lê Thanh Hải, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng để xử lý 400.000 xe máy xăng của tài xế công nghệ, cần phân loại xe theo độ khấu hao.

Chiều 17-7, tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã thông tin về việc chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện cho tài xế xe công nghệ.

Nguy cơ cháy nổ từ ổ cắm

Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng Kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết dự kiến ngày mai, Viện sẽ trình đề án cho UBND TP.HCM để UBND TP triển khai lấy ý kiến sở, ngành. Sau đó, Viện Nghiên cứu phát triển TP sẽ cập nhật hoàn chỉnh đề án, kèm giải trình, kiến nghị để UBND TP.HCM gửi kiến nghị lên Trung ương.

 Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng Kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM. Ảnh: HÀ THƯ

Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng Kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM. Ảnh: HÀ THƯ

Theo ông Hải, có hai nội dung kiến nghị quan trọng cần gửi lên Trung ương là miễn thuế VAT cho xe điện và miễn lệ phí đăng ký trước bạ cho tài xế trong hai năm, tạo cú hích mạnh, khuyến khích tài xế chuyển đổi xe máy sang xe điện. “Chúng tôi kỳ vọng trong năm 2026 - 2027 sẽ chuyển đổi 80% xe máy xăng sang xe điện, tương ứng 320.000 phương tiện” – ông Hải nói.

Về hạ tầng năng lượng điện, ông Hải cho biết Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCCM) đã cùng các hãng xe công nghệ trao đổi về nhu cầu sạc điện để cân đối nguồn cung. Theo ông Hải, đơn vị nghiên cứu đánh giá hạ tầng năng lượng điện sẽ không quá áp lực. “Theo các hãng sản xuất xe, tài xế hoàn toàn có thể cắm sạc vào điện sinh hoạt trực tiếp ở nhà, thời gian sạc vào buổi tối nên áp lực tải không quá lớn” – ông Hải nói.

Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, khi chuyển đổi hết 400.000 xe máy xăng của tài xế xe công nghệ, cùng với tốc độ gia tăng xe điện cá nhân, công suất điện sẽ là vấn đề đáng kể, cần cân nhắc và tính toán ngay từ bây giờ để không bị động về hạ tầng cung cấp năng lượng điện.

Về nguy cơ cháy nổ xe máy điện, ông Lê Thanh Hải cho biết qua quá trình nghiên cứu, làm việc với nhiều hãng cung cấp xe điện, đơn vị nghiên cứu nhận thấy đoạn từ phích cắm, ổ sạc điện đến xe và pin xe khá an toàn, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quy định cũng như vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy.

 TP.HCM sẽ chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện cho tài xế công nghệ. Ảnh: HOÀNG GIANG

TP.HCM sẽ chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện cho tài xế công nghệ. Ảnh: HOÀNG GIANG

“Hiện tượng cháy nổ có thể xảy ra là do đường truyền điện dẫn tới phích cắm, thường phát sinh ở khu trọ tư nhân không đảm bảo đường truyền tải, dễ phát sinh nhiệt, gây cháy nổ từ ngay ổ cắm” – ông Hải phân tích và nhấn mạnh trong đề án, Viện Nghiên cứu phát triển TP đã kiến nghị UBND xã, phường kết hợp với lực lượng phòng cháy chữa cháy thường xuyên kiểm tra các khu nhà trọ, đảm bảo đường truyền tải điện, không chỉ cho việc sạc xe điện hai bánh ban đêm mà còn cho cả hệ thống điện sinh hoạt hiện nay.

Xử lý sao với 400.000 xe máy xăng?

Liên quan đến việc sau khi chuyển đổi, xử lý sao đối với 400.000 xe máy xăng, ông Lê Thanh Hải cho rằng cần phân loại xe xăng theo độ khấu hao.

Cụ thể, nếu xe quá cũ, thay vì phải kiểm định khí thải thường xuyên, sửa chữa để đảm bảo tiêu chuẩn thì cần khuyến khích chuyển công năng xe cho các việc khác như nấu kim loại, ve chai… Một số doanh nghiệp kinh doanh xe điện có chương trình “thu cũ đổi mới”, xe cũ sẽ được đi tái chế thành nguyên liệu.

Đối với xe dùng được vài năm tới, với quy định kiểm định khí thải chặt chẽ, sẽ theo cơ chế thị trường mà tự dạt về một số khu vực nhất định. Còn những xe mới cũng theo cơ chế thị trường mà dịch chuyển khu vực và người tiêu dùng.

“Thời gian di chuyển của tài xế xe xăng gấp 3-4 lần người sinh hoạt bình thường, nếu xe xăng đó chuyển sang cho công chức, người lao động bình thường thì lượng phát thải cũng giảm xuống” – ông Hải nói.

Vị đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nhấn mạnh xu thế chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện là không thể đảo ngược, cần sự đồng thuận của người dân để quá trình chuyển đổi đạt hiệu quả hơn. Do vậy, TP.HCM sẽ có chính sách dành cho những người yếu thế, người cận nghèo, gia đình chính sách… đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Từ đó, TP.HCM tiến đến vùng đô thị xanh, sạch hơn.

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-400000-xe-may-xang-cua-tai-xe-cong-nghe-se-di-dau-sau-chuyen-doi-post860913.html