TP HCM: 6 tháng chuyển mình ấn tượng

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GRDP của TP HCM đạt khá, công tác chuyển đổi số và triển khai Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội kịp thời và hiệu quả...

Ngày 13-6, Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tổ chức Hội nghị lần thứ 31 (mở rộng).

Hội nghị diễn ra trong 1,5 ngày với nhiều nội dung quan trọng

Hội nghị diễn ra trong 1,5 ngày với nhiều nội dung quan trọng

Nhiều điểm sáng

Trong phát biểu khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết tình hình kinh tế - xã hội của TP HCM trong 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, tăng trưởng GRDP đạt khá; các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ trọng yếu tiếp tục đà phục hồi; hoạt động du lịch nhiều khởi sắc; thu ngân sách tăng; nhiều công trình, dự án được khởi công xây dựng và hoàn thành...

Các lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục, y tế, lao động, việc làm, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác chuyển đổi số và triển khai Nghị quyết số 98/2023 của Quốc hội kịp thời, hiệu quả; việc chỉnh trang đô thị gắn với xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, các hoạt động văn hóa, lễ hội, thể dục thể thao sôi động, đa dạng, phong phú.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhìn nhận bên cạnh những mặt làm được, TP HCM vẫn còn một số nhiệm vụ quan trọng chưa đạt yêu cầu. Do đó, ông đề nghị hội nghị tập trung đánh giá bản chất, tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp.

Về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Thành ủy TP HCM tiếp tục đẩy mạnh. Đi cùng với đó là tăng cường xây dựng văn hóa liêm chính đi đôi với uốn nắn, khích lệ, động viên cán bộ, công chức nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ.

Bí thư Thành ủy TP HCM nhấn mạnh các hoạt động của thành phố nhận nhiều sự đồng tình, ủng hộ từ các tầng lớp người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tinh thần ấy cùng những đóng góp sáng tạo đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Tìm hướng mới cho đường sắt đô thị

Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng dành thời gian nói về Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060.

Theo Bí thư, đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của TP HCM. Vì là vấn đề khó, lớn và quan trọng nên các đại biểu cần tập trung trí tuệ, tình cảm và trách nhiệm cao nhất đóng góp ý kiến.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị, ngày 13-6

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị, ngày 13-6

Liên quan đến đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị, Bí thư Thành ủy thông tin Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị ở TP HCM gồm 8 tuyến với tổng chiều dài 220 km. Đến nay, qua gần 20 năm, ngoài tuyến đường sắt đô thị số 1 đạt hơn 96%, tuyến số 2 đang giải phóng mặt bằng, các tuyến khác bắt đầu công tác chuẩn bị đầu tư.

Như vậy, để có 200 km còn lại đúng với kế hoạch đề ra là thách thức lớn. Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, phải tìm cách làm khác, từ huy động nguồn lực đến cơ chế chính sách. Cách làm mới này phải gắn với sự đột phá thì mới có thể thực hiện hệ thống đường sắt đô thị của thành phố nhanh hơn, rút ngắn thời gian và hiệu quả tốt hơn.

Tập trung cho 4 thành phố tương lai

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi khẳng định việc đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị là phương thức gần như tất yếu để phát triển đô thị lớn.

Nguồn vốn 36 tỉ USD không phải là vấn đề lớn đối với ngân sách mà là vấn đề cơ chế chính sách. TP HCM có thể vay vốn từ ngay trong người dân bằng chương trình trái phiếu đường sắt đô thị. Ngoài ra, mỗi năm thành phố có khoảng 9 tỉ USD kiều hối, nếu có chính sách tốt thì huy động hiệu quả.

Liên quan tới phát triển đô thị, Chủ tịch UBND TP HCM thông tin đến năm 2030 thành phố vẫn giữ 16 quận, 5 huyện và TP Thủ Đức. Trong giai đoạn này, 5 huyện được tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng để bảo đảm lên thành phố trực thuộc thành phố.Giai đoạn 2030-2040, địa phương sẽ tổ chức các vùng đô thị theo quy hoạch chung. Cụ thể, sẽ có khu đô thị trung tâm 930 ha; TP Thủ Đức; khu Nam (gồm quận 7, huyện Nhà Bè); khu Tây Bắc (gồm 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn); khu Tây Nam (huyện Bình Chánh và dự kiến một phần của quận 12, Bình Tân). Lúc này TP HCM xem xét Cần Giờ nằm trong khu Nam hay sẽ là một thành phố đặc biệt.

Như vậy, theo chủ tịch UBND TP HCM, giai đoạn 2030-2040, TP HCM sẽ có 5 thành phố (thành phố thuộc thành phố). Mô hình đô thị đa trung tâm sẽ được triển khai đồng bộ, toàn diện. Hệ thống đường sắt đô thị sẽ là một trong những phương thức kết nối đô thị đa trung tâm này.

Hôm nay, 14-6, hội nghị tiếp tục với nhiều nội dung quan trọng.

Bảo đảm tính kế thừa trong quy hoạch

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu chia thành nhiều tổ để bàn về các nội dung do Thành ủy TP HCM định hướng. Chia sẻ tại tổ thảo luận, Bí thư Quận ủy quận 1 Dương Anh Đức bày tỏ quan điểm quy hoạch các khu trung tâm thành phố cần có những tính toán cụ thể để trở thành khu đô thị văn minh thực sự.

Ông Dương Anh Đức cũng nêu thực tế việc xây dựng trường học ở các khu trung tâm như quận 1, quận 3 còn gặp nhiều khó khăn do phải theo quy chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng. Bí thư Quận ủy quận 1 mong muốn thành phố vận dụng tối đa Nghị quyết 98, sớm có chính sách đặc thù, các cơ chế mạnh mẽ để giải quyết phát triển quận 1.

Nói tới Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ nêu ý kiến cần rà soát nội dung đồ án. Từ đó, bảo đảm từng nội dung chi tiết phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành, quy hoạch biển, quy hoạch sử dụng đất quốc gia cũng như quy hoạch vùng đã được phê duyệt theo Luật Quy hoạch. Đồng thời bảo đảm tính kế thừa các quy hoạch trước đây đã, đang thực hiện.

Nâng cấp, mở rộng hơn 500 tuyến đường, hẻm

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và công tác dân vận trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, khoảng thời gian này, toàn hệ thống chính trị thành phố tiếp tục tăng cường các giải pháp thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, tập trung tăng tốc hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ thành phố. Đồng thời, công tác nhân sự, được thực hiện bảo đảm quy trình, quy định.

Việc thực hiện Quy định 1374 (về quy trình giải quyết thông tin phản ánh liên quan tập thể, cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước) ngày càng nền nếp và hiệu quả. Ban Chỉ đạo 902 (Ban Chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đôn đốc giải quyết các vụ việc tồn đọng, vướng mắc, khiếu kiện đông người trên địa bàn TP HCM) đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy đưa 3 vụ việc ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo...

Thành phố đã có 2.908 thiết chế Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, trong đó, các tổ chức tôn giáo, cộng đồng các dân tộc tiếp tục hưởng ứng, triển khai xây dựng không gian trưng bày hình ảnh, tư liệu về Bác. TP HCM cũng đã phát động thực hiện nâng cấp, mở rộng hơn 500 tuyến đường, hẻm theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ngoài ra, tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động "Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường". Hiện nay, trên địa bàn thành phố không có điểm đen về môi trường - theo Chỉ thị số 19...

Bài và ảnh: LÊ VĨNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tp-hcm-6-thang-chuyen-minh-an-tuong-196240613214344733.htm