TP.HCM: Bác sỹ trẻ vượt khó, mang bình an đến xã đảo Thạnh An
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết chương trình đưa bác sỹ trẻ về xã đảo Thạnh An là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao năng lực y tế cho xã đảo này.
Những ngày cuối năm, trong ánh nắng vàng như mật, con đường đến với xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ dường như rực rỡ hơn bởi vàng anh và bông giấy nở rộ. Trong không khí tất bật của những ngày cận Tết, người dân Thạnh An truyền tai nhau về câu chuyện những bác sỹ trẻ tình nguyện đến với xã đảo mùa Xuân này.
Vượt khó đến với xã đảo
Từ vùng quê Bình Phước xa xôi nhưng bác sỹ Nguyễn Văn Chiến (Bệnh viện Nhân Ái, bệnh viện điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đóng trên địa bàn tỉnh Bình Phước) quyết định đăng ký tình nguyện luân phiên ra xã đảo Thạnh An chữa bệnh cứu người. Đây là 2 trong 4 bác sỹ trẻ đầu tiên xung phong về xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ theo lời kêu gọi của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhằm góp phần “nâng cao năng lực y tế” cho xã đảo này.
Những ngày đầu tiên khi đến với đảo, bác sỹ Chiến không khỏi bỡ ngỡ, lạ lẫm. “Dù cuộc sống ở xã đảo khác biệt nhiều so với trong đất liền, các dịch vụ, vui chơi, quán ăn hạn chế, nhưng chính sự yên bình, tình cảm nồng hậu của người dân nơi đây khiến tôi vô cùng yêu mến," bác sỹ Nguyễn Văn Chiến trải lòng.
“Chiến ơi, chuẩn bị dụng cụ đến nhà người dân khám bệnh, phát thuốc nhé," nghe tiếng bác sỹ Luân Thanh Trường, Trưởng Trạm Y tế Thạnh An gọi, bác sỹ Chiến bàn giao ca trực cho bác sỹ Hoàng Thị Phượng (một bác sỹ tình nguyện khác từ Bệnh viện Nhân Ái) rồi xách túi dụng cụ lên đường.
Vừa khám bệnh vừa hỏi thăm gia cảnh, bác sỹ Chiến biết được bà Võ Thị Nén dù mới 64 tuổi nhưng đã mắc bệnh suy thận giai đoạn cuối, sức khỏe của bà vô cùng yếu, nhà lại neo người không thể đến trạm y tế nên nhiều lần phải nhờ các bác sỹ đến tận nhà để thăm khám.
Sau khi khám, cấp thuốc, bác sỹ Nguyễn Văn Chiến còn hướng dẫn người bệnh cặn kẽ về vấn đề uống thuốc, chế độ dinh dưỡng.
“Tôi nghe nói có bác sỹ mới về nên cũng muốn đi đến trạm y tế để khám nhưng sức khỏe yếu không thể đi được. Hôm nay chịu không nổi nên đành gọi điện nhờ bác sỹ xuống khám. Bác sỹ tận tình, ân cần lắm," bà Nén cho biết.
Trước đó, hai bác sỹ trẻ khác là Lê Phúc An và Phạm Hải Việt Tỷ đến từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức cũng đã tình nguyện luân phiên đến công tác tại xã đảo Thạnh An.
Bác sỹ Luân Thanh Trường, Trưởng Trạm Y tế xã Thạnh An, cho biết xã đảo Thạnh An có khoảng 5.000 người dân, chủ yếu làm nghề đánh bắt hải sản và làm muối. Trước đây, để khám bệnh, người dân phải dành nhiều tiếng đồng hồ vượt biển vào đất liền do ở xã đảo thiếu bác sỹ và các phương tiện, máy móc kỹ thuật.
Những năm gần đây, Trạm Y tế Thạnh An được đầu tư rất nhiều. Đến nay, trạm đã có máy đo điện tim, máy siêu âm, máy huyết học, máy X-quang kỹ thuật số có tích hợp trí tuệ nhân tạo giúp việc chẩn đoán, tiên lượng bệnh tốt hơn.
Đặc biệt, mấy tháng nay, các bác sỹ trẻ luân phiên tình nguyện đến Thạnh An đã mang đến một luồng sinh khí mới, sức trẻ, nhiệt huyết. Điều này đã giúp cho công tác tuyên truyền kiến thức và chăm sóc sức khỏe người dân trên đảo được tốt hơn.
Theo bác sỹ Trường, chỉ trong một thời gian ngắn, hình ảnh của các bác sỹ trẻ trở nên thân thuộc với người dân xã đảo. Thời gian qua, tỷ lệ người dân đến khám chữa bệnh tại Trạm y tế đã tăng hơn 40% so với trước. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự tin tưởng của người dân đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe của Trạm y tế xã.
Các bác sỹ trẻ còn thực hiện nhiều chuyến đi đến ấp đảo Thiềng Liềng để khám chữa bệnh cho người dân. Đặc biệt, các bác sỹ trẻ đã cấp cứu kịp thời nhiều trường hợp khẩn cấp trước khi chuyển lên tuyến trên.
Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết chương trình đưa bác sỹ trẻ về xã đảo Thạnh An là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao năng lực y tế cho xã đảo này.
“Chúng ta đã đưa được bác sỹ ra phục vụ người dân ở Trường Sa, tại sao không làm điều đó với người dân xã đảo Thạnh An,” ông Tăng Chí Thượng nói.
Theo ông Thượng, điều đáng ghi nhận đó là hiện đã có nhiều bác sỹ trẻ của nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ năng lực y tế cho xã đảo Thạnh An. Sự hưởng ứng và tình nguyện tham gia của các bác sỹ trẻ chắc chắn sẽ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần trong việc nâng cao chất lượng y tế phục vụ người dân xã đảo duy nhất của thành phố này.
Khi đảo “hóa tâm hồn”…
Hơn 18 năm gắn bó với xã đảo Thạnh An, bác sỹ Luân Thanh Trường đã coi đây là nhà và không muốn rời xa. Anh kể năm 2005, anh được phân công luân phiên nhận công tác tại Thạnh An do thiếu bác sỹ.
Thời gian đầu, anh không khỏi chán nản khi nơi đây thiếu thốn đủ bề. Thiết bị y tế lúc đó chỉ là những chiếc ống nghe, đo huyết áp, nhiệt kế đơn sơ. Không có điện lưới quốc gia, chỉ xã đảo chỉ có nhà máy phát điện diesel phát từ 8 giờ sáng đến 12 giờ khuya. Có những khi máy phát điện hỏng hóc, nhân viên y tế phải mò mẫm cấp cứu trong ánh sáng của đèn pin.
“Đúng hôm cúp điện thì có một đứa trẻ hen phế quản cần xông khí dung gấp, tôi phải bồng cháu tới mấy quán nước của người dân xin cắm điện nhờ, có nhiều lần gặp trường hợp sản phụ chuyển dạ trong đêm mưa gió bão bùng, không có điện buộc phải chúng tôi phải vận chuyển bằng ghe gỗ về trung tâm huyện. Khó khăn cứ bủa vây chúng tôi nhiều năm như thế," bác sỹ Trường kể lại.
Trong quá trình công tác, không ít lần bác sỹ Trường có suy nghĩ xin về lại thành phố nhưng cuối cùng anh không nỡ rời đi. Sau này, anh “phải lòng” vùng đất hoang sơ này, lập gia đình với một cô gái ở xã đảo và biến nơi đây thành quê hương thứ hai của mình.
Hơn 18 năm qua, tất cả người dân xã đảo Thạnh An coi bác sỹ Trường là người nhà bởi anh luôn nhiệt tình, tận tâm. Cứ hễ nghe tin ai đau bệnh là bác sỹ Trường lại tất tả đến tận nơi.
Thậm chí, những ngày lễ, Tết, anh không dám đi đâu xa bởi sợ nhỡ ai đó có bất trắc anh lại không có mặt. Những năm gần đây, Trạm Y tế Thạnh An bắt đầu được đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, thêm nhân lực, bác sỹ Trường vui mừng hơn hết thảy. Có thêm trang thiết bị đồng nghĩa với việc anh và các đồng nghiệp có thêm “vũ khí” để chữa bệnh cứu người và người dân không còn phải vất vả vượt biển lên tuyến trên.
Còn với bác sỹ Hoàng Thị Phượng, dù mới luân phiên về công tác tại Thạnh An hơn 1 tháng nhưng chị rất yêu mến mảnh đất và con người nơi đây. “Người dân ở đây thân thiện lắm, họ thường xuyên mang đồ ăn, hải sản đánh bắt, nuôi trồng được đến tặng các bác sỹ. Buổi chiều cứ đạp xe đi vòng vòng quanh xã đảo thể nào cũng được người dân mời vào ăn cơm. Chúng tôi được ăn cơm ké như thế suốt," bác sỹ Phượng hồ hởi khoe.
Năm nay, bác sỹ Phượng và bác sỹ Chiến ở lại Thạnh An đón Tết Nguyên đán. “Nhiều người dân biết chúng tôi đón Tết tại đảo đã mời về nhà họ cùng đón Tết. Chúng tôi đã lên kế hoạch những ngày Tết sẽ đến thăm, chúc Tết bà con kết hợp thăm khám bệnh cho họ," bác sỹ Chiến cho biết về kế hoạch đón Tết tại xã đảo Thạnh An.
Như vậy, chắc chắn mùa Xuân này, những người dân xã đảo Thạnh An sẽ có thêm niềm vui mới - được các bác sỹ đến tận nhà chúc Tết và khám bệnh. Họ càng yên tâm hơn khi có những người “gác cổng” cận kề ngay bên cạnh trong những ngày vui Xuân, đón Tết./.