TP.HCM: Bắt đầu nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 và Bình Phước 1 lên mức 7m

TP.HCM nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 với tổng mức đầu tư khoảng 245 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Sáng 31/12, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) tổ chức lễ khởi công dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 (quốc lộ 13) và cầu Bình Phước 1 (quốc lộ 1).

Lãnh đạo UBND TP.HCM, Sở GTVT và các đơn vị nhấn nút khởi công dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Lãnh đạo UBND TP.HCM, Sở GTVT và các đơn vị nhấn nút khởi công dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ cho biết, hiện TP.HCM có 14 cây cầu trên sông Sài Gòn, trong đó, chỉ còn hai cây cầu tĩnh không chưa đạt chuẩn là cầu Bình Phước 1 và cầu Bình Triệu 1.

Để đáp ứng đồng bộ tĩnh không các cầu trên sông Sài Gòn đạt tối thiểu 7m theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ. Để tạo điều kiện phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy, phát triển các cảng thủy nội địa TP.HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Tây Ninh, giảm tải cho giao thông đường bộ... Sở GTVT TP.HCM phối hợp cùng nhiều đơn vị, chuyên gia nghiên cứu giải pháp nâng cầu đảm bảo đạt tĩnh không theo mục tiêu dự án.

Theo đó, việc nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên quốc lộ 13 có điểm đầu cách mố cầu hiện hữu phía quận Bình Thạnh khoảng 93,4m (hướng về Bến xe miền Đông); điểm cuối tuyến cách mố cầu hiện hữu phía TP Thủ Đức khoảng 92,4m (hướng về đường Phạm Văn Đồng). Tổng chiều dài toàn dự án khoảng 770,4m.

Cầu Bình Triệu 1 sẽ được nâng cao thêm 1,08m. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Cầu Bình Triệu 1 sẽ được nâng cao thêm 1,08m. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Về quy mô, dự án nâng cầu Bình Triệu 1 đạt khổ thông thuyền BxH = (50x7)m; tải trọng thiết kế đảm bảo tương đương tải trọng cầu hiện hữu.

Giải pháp thực hiện là kích nâng kết cấu nhịp của toàn cầu (hai liên nhịp dẫn phía Bình Thạnh, một liên nhịp chính và một liên nhịp dẫn phía Thủ Đức), chiều cao nâng 1,081m bằng hệ kích thủy lực.

Đồng thời, bổ sung hệ móng cọc khoan nhồi tham gia chịu lực với hệ móng mố, trụ hiện hữu; tăng chiều cao kết cấu mố, trụ cầu hiện hữu bằng bê tông cốt thép.

Đối với cầu Bình Phước 1 trên quốc lộ 1, điểm đầu tuyến cách mố cầu hiện hữu phía quận 12 khoảng 152m (hướng về nút giao Ngã Tư Ga); điểm cuối tuyến cách mố cầu hiện hữu phía TP Thủ Đức khoảng 128m (hướng về nút giao Bình Phước). Tổng chiều dài toàn dự án khoảng 759,69m.

Về quy mô, dự án nâng cầu Bình Phước 1 đạt khổ thông thuyền BxH = (50x7)m; các nội dung còn lại giữ nguyên theo quy mô cầu hiện hữu; tải trọng thiết kế đảm bảo tương đương tải trọng cầu hiện hữu.

Tĩnh không thấp khiến giao thông đường thủy qua cầu Bình Triệu 1, Bình Phước 1 gặp trở ngại. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Tĩnh không thấp khiến giao thông đường thủy qua cầu Bình Triệu 1, Bình Phước 1 gặp trở ngại. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Giải pháp thiết kế chủ yếu là kích nâng kết cấu nhịp của toàn cầu (một liên nhịp dẫn phía quận 12, một liên nhịp chính và một liên nhịp dẫn phía TP Thủ Đức) với chiều cao khoảng 1,25m bằng hệ kích thủy lực.

Dự án này cũng bổ sung hệ móng cọc khoan nhồi tham gia chịu lực với hệ móng mố, trụ hiện hữu; tăng chiều cao kết cấu mố, trụ cầu hiện hữu bằng bê tông cốt thép.

Ông Vinh cho biết, tổng mức đầu tư dự án nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 gần 134 tỷ đồng; tổng mức đầu tư nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1 gần 111 tỷ đồng. Thời gian thi công cả hai cầu là 8 tháng, hoàn thành trong năm 2025.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao nỗ lực của Sở GTVT để khởi công dự án nâng tĩnh không hai cây cầu chưa đạt chuẩn còn lại của TP.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại lễ khởi công. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại lễ khởi công. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Theo ông Cường, cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 được khai thác từ lâu, đã cũ... nên việc nâng cấp tĩnh không cầu rất khó khăn. Thêm vào đó, việc tổ chức thi công bên dưới để nâng tĩnh không cầu nhưng vẫn phải đảm bảo lưu lượng giao thông phía trên rất cao, là một thách thức và cần sự nỗ lực rất lớn.

Lãnh đạo TP.HCM nói thêm, sông Sài Gòn có ý nghĩa chiến lược để phát triển kinh tế, văn hóa, kết nối với các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Campuchia. Việc thực hiện dự án nâng tĩnh không cầu là cam kết trong phát triển vùng, đảm bảo đồng bộ khai thác tuyến đường thủy quan trọng.

"Hiện nay có 14 cây cầu, song chỉ còn 2 cầu Bình Triệu 1 và Bình Phước 1 chưa đảm bảo chiều cao khoảng thông thuyền tối thiểu 7m để đảm bảo cho các tàu thuyền lưu thông. Vì vậy, giải pháp nâng tĩnh không rất cần thiết. Sau khi nâng tĩnh không sẽ tạo nên luồng giao thông thuận lợi", ông Cường nói.

Cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch có tính chất liên kết vùng. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Cầu Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1 nằm trên các tuyến giao thông huyết mạch có tính chất liên kết vùng. Ảnh: Mỹ Quỳnh.

Ngoài ra, theo ông Cường, TP.HCM xây dựng nhiều cây cầu mới đạt chuẩn, giúp các phương tiện lưu thông đường thủy thuận tiện hơn, mang lại ý nghĩa lớn khi TP triển khai dự án Vành đai 3. Theo đó, các phương tiện chở vật liệu về dự án bằng đường thủy dễ dàng, giúp giảm chi phí vận tải, đảm bảo thời gian và giảm áp lực giao thông cho đường bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong quá trình kết nối vùng.

Ông Cường đề nghị Sở GTVT TP.HCM lưu ý khi triển khai các công trình, cần đảm bảo khơi thông đồng bộ các tuyến đường thủy; tiếp tục chú ý loạt dự án trong thời gian tới như rạch Xuyên Tâm, kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên... các cây cầu này khi xây dựng mới đều phải đảm bảo tĩnh không cầu.

Đặc biệt, khi thi công, các nhà thầu phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để ùn tắc giao thông; đảm bảo tiến độ, chất lượng như cam kết. Bên cạnh đó, nỗ lực tập trung nguồn lực, phấn đấu rút ngắn thời gian thi công từ 8 tháng xuống 6 tháng.

Mỹ Quỳnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-bat-dau-nang-tinh-khong-cau-binh-trieu-1-va-binh-phuoc-1-len-muc-7m-192241231073023418.htm