TP.HCM: Bệnh viện gặp khó khăn trong việc mua sắm thuốc, thiết bị y tế

Bệnh viện quận 11 cho biết, không thể tự mua thuốc mà bệnh viện lựa chọn được vì vướng thủ tục pháp lý. Thuốc đấu thầu tập trung chiếm 20% số lượng thuốc của bệnh viện, nhưng bệnh viện không được lựa chọn loại thuốc, đưa về loại nào, bệnh viện phải dùng loại đó...

Ngày 30/9, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) có buổi khảo sát về việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị tại Bệnh viện quận 11 giai đoạn tháng 1/2020 đến tháng 6/2022 nhằm góp ý cho dự án Luật đấu thầu sửa đổi.

Báo cáo tại buổi làm việc, bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện quận 11 cho biết, việc thực hiện cơ chế tự chủ tại bệnh viện còn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, nguồn thu bảo hiểm y tế (BHYT) hiện nay vẫn chiếm tỷ trọng khá cao (khoảng 60%) trong tổng nguồn thu của bệnh viện, trong khi đó chi phí thuốc, vật tư y tế chiếm tỷ lệ lớn và theo quy định bán giá gốc, không có lợi nhuận.

"Mặc dù chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn thu, nhưng giá thu BHYT và viện phí chưa kết cấu đủ chi phí, điều này gây khó khăn rất lớn cho bệnh viện trong việc cân đối nguồn thu để đảm bảo hoạt động thường xuyên và tái đầu tư", bác sĩ Phạm Quốc Dũng cho biết.

Bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện quận 11 phát biểu tại buổi làm việc.

Bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện quận 11 phát biểu tại buổi làm việc.

Một khó khăn khác là bệnh viện vừa phải đảm bảo chi lương, thu nhập cho viên chức vừa phải đảm bảo mua sắm trang thiết bị để tái đầu tư. Vì vậy, việc quy định trích nguồn cải cách tiền lương theo tỷ lệ 35%, 40% cũng gây nhiều khó khăn cho bệnh viện trong việc cân đối nguồn. Nếu trích đủ nguồn quỹ cải cách tiền lương theo quy định thì tỷ lệ trích lập quỹ phát triển bệnh viện là rất thấp, không đảm bảo nguồn thu nhập cho nhân viên và thu hút nhân lực.

Trong công tác mua sắm thuốc, bác sĩ Phạm Quốc Dũng cho biết, trong thời gian chờ kết quả của các gói thầu mua sắm tập trung, bệnh viện thường xảy ra trường hợp thiếu thuốc nhưng không thể tự tổ chức mua sắm các thuốc thuộc hình thức mua sắm tập trung vì Sở Y tế TP.HCM không phê duyệt kế hoạch do các thuốc này nằm trong danh mục mua sắm tập trung. Hoặc nếu bệnh viện mua sắm được thì vướng mắc khâu Bảo hiểm xã hội TP.HCM duyệt thanh toán BHYT cho người bệnh.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Toàn cảnh buổi làm việc.

"Ngoài ra, còn có trường hợp những thuốc bệnh viện tự thực hiện đấu thầu nhưng khi có kết quả đấu thầu tập trung thì phải thương thảo với nhà thầu đang trúng để điều chỉnh giá về bằng giá thầu tập trung, nếu không giảm giá sẽ không được Bảo hiểm xã hội TP.HCM thanh toán", bác sĩ Phạm Quốc Dũng cho biết thêm.

Cũng theo bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Trung tâm mua sắm Quốc gia hướng dẫn lập kế hoạch danh mục đầu năm 2021 trên 700 thuốc là các thuốc biệt dược gốc, nhưng đến cuối năm 2021 lại có văn bản thông báo chỉ còn thực hiện 69 thuốc theo hình thức đàm phán giá. Dẫn đến gói thầu thuốc biệt dược gốc của bệnh viện đã xây dựng trước đó phục vụ cho khám chữa bệnh trong năm 2022 không đủ số lượng sử dụng. "Đến thời điểm này, vẫn chưa có kết quả của gói thầu đàm phán giá, bệnh viện buộc phải thực hiện thêm các gói thầu mua sắm bổ sung", bác sĩ Phạm Quốc Dũng nói.

Phát biểu tại buổi làm việc, Dược sĩ Trương Minh Quang, Trưởng Khoa Dược của Bệnh viện quận 11 cho biết, hiện nay, bệnh viện không thể tự mua thuốc mà bệnh viện lựa chọn được vì vướng thủ tục pháp lý. Thuốc đấu thầu tập trung chiếm 20% số lượng thuốc của bệnh viện, nhưng bệnh viện không được lựa chọn loại thuốc, đưa về loại nào, bệnh viện phải dùng loại đó. Bệnh viện được đấu thầu 80%, nhưng chỉ mua được đúng thuốc khoảng 60% vì nhiều nguyên nhân.

Dược sĩ Trương Minh Quang, Trưởng Khoa Dược của Bệnh viện quận 11 cho biết, bệnh viện không thể tự mua thuốc mà bệnh viện lựa chọn được vì vướng thủ tục pháp lý.

Dược sĩ Trương Minh Quang, Trưởng Khoa Dược của Bệnh viện quận 11 cho biết, bệnh viện không thể tự mua thuốc mà bệnh viện lựa chọn được vì vướng thủ tục pháp lý.

Chia sẻ thêm về vấn đề đấu thầu thuốc, bác sĩ Lê Đức Nhã, Phó Giám đốc Bệnh viện quận 11 cho biết, đa phần giá thiết bị y tế, thuốc sẽ tăng theo thời gian do giá nguyên liệu đầu vào cao vì tình hình kinh tế chung, nhưng theo quy định, giá trúng thầu sẽ không được vượt giá kế hoạch, giá kế hoạch năm sau được lập nên dựa vào giá trúng thầu năm trước. Như vậy, giá mỗi năm sẽ giảm đi, giá đưa ra quá thấp sẽ ít nhà thầu tham gia, chất lượng thuốc cũng sẽ giảm.

"Nếu mua sắm thuốc theo nguyên tắc mua bằng hoặc thấp hơn dựa trên quy định giá kế hoạch năm trước trở thành giá kế hoạch năm sau, thì một lúc nào đó viên thuốc sẽ có giá 0 đồng", bác sĩ Lê Đức Nhã cho biết.

Phát biểu tại buổi làm việc, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đánh giá cao sự cố gắng của Bệnh viện quận 11. Dù dịch bệnh khó khăn nhưng doanh thu hằng năm có tăng, đảm bảo đời sống cho nhân viên y tế. Từ lúc thực hiện cơ chế tự chủ đến nay, bệnh viện đã có những bước tiến nhất định trong cả về chất lượng điều trị và quy mô của bệnh viện.

"Sắp tới, khi làm việc với Ủy ban nhân dân TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, chúng tôi sẽ nêu những kiến nghị tới Thành phố. Ngoài ra, chúng tôi sẽ có kiến nghị với Hội đồng nhân dân TP.HCM xem xét thống nhất ban hành nghị quyết về tiêu chuẩn định mức kỹ thuật để tiến hành mua sắm các trang thiết bị còn thiếu", bà Văn Thị Bạch Tuyết cho biết.

Minh Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-benh-vien-gap-kho-khan-trong-viec-mua-sam-thuoc-thiet-bi-y-te-146772.html