TP.HCM: Bệnh viện huyện Bình Chánh lại can thiệp thành công 2 trường hợp tắc mạch

Đó là 2 trường hợp bị tắc động mạch trong tình trạng bị nhiễm trùng, hoại tử các ngón chân do biến chứng bệnh đái tháo đường.

Ngày 23.5, ThS-BSCK2 Võ Ngọc Cường - Giám đốc Bệnh viện huyện Bình Chánh cho hay đơn vị can thiệp tim mạch của bệnh viện này vừa thực hiện can thiệp thành công 2 ca tắc động mạch, trong tình trạng bị hoại tử do đái tháo đường.

Các bác sĩ tiến hành can thiệp nong động mạch đùi nông phải dưới DSA (chụp mạch số hóa xóa nền) cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Các bác sĩ tiến hành can thiệp nong động mạch đùi nông phải dưới DSA (chụp mạch số hóa xóa nền) cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Cụ thể, nam bệnh nhân T.U.O (46 tuổi, quê Sóc Trăng) có tiền sử đái tháo đường 13 năm, hút thuốc lá. Bệnh nhân đã từng bị hoại tử nhiễm trùng ngón chân trái lan dần lên cẳng chân, phải phẫu thuật cắt cụt chi 3 lần kèm điều trị kháng sinh dài ngày tại các bệnh viện khác nhau.

Sau đó, chân phải của bệnh đau nhiều, kèm tê bì kéo dài điều trị thuốc không giảm. Trong vòng 1 tháng trở lại đây, ngón 2 có dấu hiệu viêm đau, triệu chứng khởi phát tương tự như bàn chân trái trước đây, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện huyện Bình Chánh nhập viện điều trị.

Bệnh nhân được chuyên gia can thiệp mạch máu PGS-TS-BS Trần Minh Hoàng khám và chẩn đoán. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân O. tắc gần hoàn toàn động mạch đùi nông phải, tắc hoàn toàn động mạch đùi nông trái, mỏm cụt cẳng chân trái, đái tháo đường biến chứng mạch máu ngoại biên, theo dõi viêm hoại tử ngón 2 bàn chân trái.

Các bác sĩ can thiệp mạch máu của đơn vị tim mạch can thiệp Bệnh viện huyện Bình Chánh hội chẩn với chuyên gia tư vấn chuyên môn, và thống nhất can thiệp nong động mạch đùi nông phải dưới DSA (chụp mạch số hóa xóa nền) điều trị thiếu máu chi do bệnh động mạch ngoại biên biến chứng của đái tháo đường lâu năm.

“Các bác sĩ can thiệp mạch máu, đơn vị can thiệp tim mạch của bệnh viện phối hợp với các chuyên gia can thiệp mạch máu đã can thiệp nong động mạch đùi nông phải. Sau khoảng 1 giờ đồng hồ, ê kíp đã thực hiện thành công. Hiện sinh hiệu của bệnh nhân này đã ổn, không bầm tụ máu, giảm đau giảm tê chân phải. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị nội khoa tối ưu”, bác sĩ Cường cho biết.

Trường hợp khác là bà T.T.L (62 tuổi, quê Nghệ An) mắc bệnh đái tháo đường đã 23 năm và phải điều trị Insulin. Cách đây 2 năm bà bắt đầu thấy tê, đau, giảm cảm giác 2 chi dưới. Sau đó bệnh nhân bị viêm nhiễm trùng ngón 1 bàn chân phải, điều trị nội khoa tại 1 bệnh viện tỉnh không đáp ứng, và phải cắt cụt ngón 1 bàn chân để kiểm soát nhiễm trùng. Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhân lại kèm đau kèm tê nhiều ở cả hai chân nên đến Bệnh viện huyện Bình Chánh kiểm tra.

Tại đây, các bác sĩ phát hiện mạch ở 2 mu bàn chân mờ khó bắt, trong đó bàn chân trái bị cắt 1 ngón, còn bàn chân phải lạnh.

Sau hội chẩn, bệnh nhân được chẩn đoán tắc động mạch chày sau 2 bên và động mạch mu chân bên phải, biến chứng mạch máu chi dưới do đái tháo đường, đã đoạn ngón 1 bàn chân phải, tổn thương thận cấp, mạn do đái tháo đường.

Trước tình trạng trên, PGS-TS-BS Trần Minh Hoàng cho biết bệnh nhân phải can thiệp nong động mạch mu chân phải dưới DSA để điều trị thiếu máu bàn chân do bệnh động mạch ngoại biên biến chứng của đái tháo đường lâu năm, nhằm phòng ngừa biến chứng hoại tử phải cắt cụt chi bệnh nhân.

Sau khi bệnh nhân được điều trị ổn định chức năng thận, các bác sĩ can thiệp mạch máu Bệnh viện huyện Bình Chánh được sự tư vấn hội chẩn chuyên môn của PGS-TS-BS Trần Minh Hoàng, đã can thiệp nong động mạch mu chân phải thành công.

Sau can thiệp bệnh nhân sinh hiệu ổn, không bầm tụ máu, hết đau bàn chân phải, chi ấm. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị nội khoa tối ưu. Các bác sĩ đang xem xét sẽ chụp và can thiệp động mạch bên chân trái sau 1 tuần.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tp-hcm-benh-vien-huyen-binh-chanh-lai-can-thiep-thanh-cong-2-truong-hop-tac-mach-198260.html