TP.HCM: Cần 15.000 tỷ đồng để phát triển ngành công nghiệp văn hóa

Đây là tổng nhu cầu vốn được khái toán trong Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đến năm 2030 vừa được Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM phê duyệt (gọi tắt là Đề án).

Theo đó, tổng nhu cầu vốn phát triển ngành CNVH TP.HCM đến năm 2030 là 14.668 tỷ đồng gồm đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa; hỗ trợ xây dựng các mô hình đầu tư và kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; xây dựng sản phẩm, thương hiệu và thực hiện quảng bá, xúc tiến thương mại, hợp tác phát triển các ngành CNVH; tổ chức quản lý, điều hành và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực CNVH. Trong đó ngân sách Nhà nước là 9.615 tỷ đồng, còn lại xã hội hóa.

Theo UBND TP.HCM, việc xây dựng Đề án là rất cấp thiết, nhằm khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng phát triển một số ngành, lĩnh vực CNVH đang thực hiện và lợi thế của TP.HCM, từ đó nhận diện đầy đủ những tiềm năng, thế mạnh có thể phát triển các ngành CNVH của Thành phố và những hạn chế, thách thức cần phải đối mặt, khắc phục.

Với lợi thế đặc trưng sông nước Nam Bộ, TP.HCM có nhiều thuận lợi để phát triển nền công nghiệp văn hóa đặc sắc.

Với lợi thế đặc trưng sông nước Nam Bộ, TP.HCM có nhiều thuận lợi để phát triển nền công nghiệp văn hóa đặc sắc.

Thành phố đặt ra mục tiêu việc phát triển ngành CNVH trở thành ngành kinh tế sản xuất, dịch vụ và kinh tế sáng tạo quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân Thành phố và xuất khẩu. Góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh, con người TP.HCM; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa của Thành phố. Có 8 ngành, lĩnh vực chủ yếu của ngành CNVH TP.HCM gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang.

Giai đoạn 2021 – 2025, TP.HCM phấn đấu trở thành trung tâm CNVH của cả nước và khu vực. Đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa. Các ngành: Nghệ thuật biểu diễn, nhiếp ảnh và triển lãm trở thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Giai đoạn 2026 – 2030, xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm CNVH của khu vực Đông Nam Á. Tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều giá trị đóng góp vào GRDP như quảng cáo, thời trang, triển lãm, điện ảnh, du lịch văn hóa. Phấn đấu doanh thu của các ngành CNVH đóng góp khoảng 5,7% GRDP của TP.HCM, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội.

Theo UBND TP.HCM, mặc dù là Thành phố phát triển nhất và tiên phong trong cải cách thể chế nhưng vẫn chưa được xem là thành phố của quốc gia (như Seoul, Thượng Hải). Do đó, Thành phố chưa tập trung nguồn lực đúng mức để phát triển, nên ngày càng kém sức cạnh tranh quốc tế lẫn quốc nội. Một trong những nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh của Thành phố thấp đến từ năng lực quản trị nền kinh tế kém hiệu quả. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho việc triển khai Chiến lược phát triển văn hóa và CNVH ở TP.HCM còn nhiều hạn chế.

Ngoài ra, điều quan trọng để phát triển CNVH là cần phải có những nhân tài kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, tinh thông cả về kinh tế lẫn văn hóa. Tuy nhiên, rất nhiều đơn vị tuy có điều kiện kinh doanh tốt nhưng do thiếu nhân tài kinh doanh nên hoạt động kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ. Do vậy, thiếu nhân tài kinh doanh văn hóa cũng là một yếu tố có tính lực cản đối với sự phát triển CNVH ở TP.HCM.

Từ thực tiễn nêu trên, TP.HCM xác định một số giải pháp ưu tiên phát triển ngành công nghiệp văn hóa như: Nghiên cứu đề xuất bổ sung vào quy hoạch của Thành phố sắp tới những vị trí để phát triển ngành CNVH; gắn kết và đẩy mạnh liên kết vùng để tạo động lực cho CNVH phát triển. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, tạo động lực cho ngành CNVH phát triển; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, hợp tác và giao lưu về văn hóa; hình thành trung tâm mua sắm, thương mại, giải trí.

Thành phố sẽ kêu gọi đầu tư, khuyến khích các mô hình đầu tư và kinh doanh về CNVH, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; nghiên cứu thành lập Trung tâm Phát triển CNVH, trung tâm sáng tạo; củng cố nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị một số trường nghệ thuật tại TP.HCM.

Đồng thời Thành phố sẽ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, hình thành các sản phẩm di lịch văn hóa – lịch sử mang tính đặc trưng; hình thành các sự kiện lớn mang tính chất thường niên và đặc trưng, đặc sắc của Thành phố về các ngành CNVH. Tạo ra một số sản phẩm, thương hiệu đặc sắc, đặc trưng mang tầm quốc gia trên lĩnh vực CNVH. Mặt khác thực hiện các quy định về quyền sở hữu trí tuệ; phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức hội nghề nghiệp; nâng hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội.

Hiện nay, Chính phủ xác định nền CNVH Việt Nam có các ngành chủ chốt gồm: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công - mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật - nhiếp ảnh - triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa. Việt Nam đặt mục tiêu đưa CNVH đóng góp 7% GDP và tạo thêm nhiều việc làm vào năm 2030. Phát triển các ngành CNVH sẽ giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm - dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế, góp phần mang văn hóa Việt Nam ra với thế giới, phát huy nội lực, quảng bá hình ảnh đất nước.

Trong thời đại của kinh tế tri thức và công nghệ thông tin, CNVH có khả năng biến văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, từ đó giúp Việt Nam xây dựng được một nền kinh tế linh động, hài hòa, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc vào trong công cuộc xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.

Tại TP.HCM, trong 10 năm gần đây Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố giải quyết 637 hồ sơ xin phép của cơ quan ngoại giao đoàn, ước tính hơn 6.000 lượt người nước ngoài đã đến Thành phố để tham gia các hoạt động văn hóa. Thành phố hiện có trên 900 cơ sở hoạt động liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật như hơn 100 cơ sở đăng ký sản xuất và phát hành phim, 38 cụm rạp chiếu phim với trên 200 phòng chiếu, 11 sân khấu kịch tư nhân, gần 700 doanh nghiệp có đăng ký chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật, 45 trung tâm băng đĩa nhạc... Nguồn nhân lực hoạt động trong một số ngành CNVH chủ lực của các doanh nghiệp có khoảng 90.000 người. Trong đó, số lao động hoạt động trong các lĩnh vực quảng cáo, triển lãm, du lịch văn hóa chiếm tỷ lệ đông nhất.

TP.HCM là trung tâm văn hóa lớn của cả nước vì vậy nơi đây tập trung đông đảo lực lượng văn nghệ sỹ, các đơn vị hoạt động trên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Ngoài ra TP.HCM cũng là nơi quy tụ nhiều nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới đến biểu diễn giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm, điều đó đã tạo nên bức tranh sinh động về hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật. Thành phố có 30 nghệ sỹ nhân dân, 243 nghệ sĩ ưu tú, 18 nghệ nhân ưu tú, 7 nghệ nhân nhân dân, 15 hội hoạt động lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật với 6.723 hội viên.

Trên địa bàn TP.HCM có 7 đơn vị nghệ thuật công lập và 1 Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh, 1 Trung tâm văn hóa và 7 Nhà văn hóa; tất cả các quận, huyện có Trung tâm văn hóa, Trung tâm thể dục thể thao, Trung tâm văn hóa - thể thao và 24/24, Nhà văn hóa thiếu nhi, Nhà văn hóa lao động, Trung tâm văn hóa - thể thao phường, xã... Có 9/16 Khu công nghiệp, khu chế xuất đã xây dựng thiết chế văn hóa – thể thao phục vụ người lao động, 13 bảo tàng, 185 di tích có quyết định xếp hạng. Ngoài ra, còn có 100 công trình, địa điểm được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích lịch sử.

Tổng kinh phí mục chi thường xuyên giai đoạn 2010 – 2015 cho ngành CNVH là 428,970 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 – 2020, kế hoạch đầu tư công phân bổ cho lĩnh vực văn hóa gần 2.870 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2021 toàn thành phố có 85 dự án về văn hóa được đầu tư. Ngoài ra, Thành phố đã đề ra nhiều chính sách nhằm khuyến khích, thu hút nguồn vốn đầu tư trong lĩnh vực văn hóa. Văn hóa là một trong 6 lĩnh vực trọng điểm được đưa vào các chương trình xúc tiến đầu tư các năm của TP.HCM.

Hiện nay, số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa có 17.670 doanh nghiệp, chiếm 7,74% số doanh nghiệp của toàn Thành phố. Giá trị sản xuất hàng năm của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực CNVH đều tăng. Năm 2010, giá trị sản xuất của các ngành CNVH đạt trên 36.094 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt trên 84.123 tỷ đồng và năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên doanh thu sụt giảm còn 77.135 tỷ đồng. Về tỷ lệ đóng góp của sản xuất CNVH vào GRDP: Năm 2010 chiếm tỷ lệ 3,77%, năm 2019 chiếm 3,88%, trong đó ngành có tỷ lệ đóng góp lớn nhất là ngành quảng cáo. Riêng năm 2020, do bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nên giá trị sản xuất của các ngành CNVH chỉ chiếm 3,54% tổng GRDP.

Xu hướng phát triển ngành CNVH ở TP.HCM

1.Phát triển phù hợp với xu thế phát triển CNVH trên thế giới và ở Việt Nam, đảm bảo tính thống nhất và có tính đến sự đặc thù trong phát triển của Thành phố.

2.Tiếp tục phát triển để phục vụ sự nghiệp việc xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của Thành phố, phục vụ nhân dân.

3.Ngành CNVH Thành phố tạo động lực và tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; tạo môi trường hấp dẫn thu hút chất xám và tăng lợi thế cạnh tranh cho nhiều lĩnh vực; thúc đẩy hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế trên nhiều phương diện.

4.Các ngành CNVH tiếp tục trở thành bộ phận quan trọng trong nền kinh tế tri thức ở Thành phố.

5.Ngành CNVH của Thành phố sẽ có sự phát triển sáng tạo, đa dạng, phong phú gắn liền với sự phát triển của đô thị thông minh.

6.Sự cạnh tranh trong các sản phẩm CNVH của Thành phố ngày càng mạnh mẽ.

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tphcm-can-15000-ty-dong-de-phat-trien-nganh-cong-nghiep-van-hoa-162014.html