TP.HCM cần có doanh nghiệp quốc phòng đủ tầm
TP.HCM cần chính sách để hình thành doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đủ năng lực, đỡ phụ thuộc vào nhà sản xuất nước ngoài…
Chiều 28-7, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Nguyễn Minh Đức dẫn đầu đoàn khảo sát Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm việc với UBND TP.HCM phục vụ thẩm tra dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Doanh nghiệp chưa “mặn mà”
Nêu ý kiến với đoàn, UBND TP.HCM cho rằng điểm hạn chế trong lĩnh vực này tại địa phương là một số cơ quan chưa thường xuyên quan tâm thực hiện pháp lệnh công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp.
Nguyên nhân là do còn nhiều khó khăn trong việc quản lý dây chuyền sản xuất. Số lượng doanh nghiệp (DN) công nghiệp trên địa bàn nhiều nhưng chủ yếu là vừa và nhỏ thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau, sản xuất thiếu tính ổn định lâu dài, khả năng đầu tư còn hạn chế.
Có nhiều DN công nghiệp trên địa bàn lớn, có trình độ công nghệ cao nhưng lại là DN nước ngoài, liên doanh nước ngoài hoặc có yếu tố nước ngoài, không thuộc đối tượng khảo sát theo quy định của Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng… Các DN công nghiệp tập trung quan tâm đến thị trường, thị phần sản xuất, kinh doanh; còn xem nhẹ nhiệm vụ quốc phòng chưa được đầu tư đúng mức…
UBND TP.HCM mong Quốc hội nghiên cứu và sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện phù hợp với từng thời điểm để có đầy đủ cơ sở pháp lý giúp địa phương chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện.
TP.HCM cũng kiến nghị hoàn thiện phương thức thực hiện động viên công nghiệp theo ba phương thức: Giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu. Song song đó, cần quy định trách nhiệm và phân cấp quản lý trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp.
Quá phụ thuộc vào nhà sản xuất nước ngoài
Thảo luận với đoàn, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, đi sâu vào vấn đề công nghiệp quốc phòng liên quan đến lĩnh vực PCCC.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, nhu cầu phương tiện PCCC ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là rất lớn. Các cơ quan chức năng phải bỏ ra chi phí cao để nhập các phương tiện hiện đại, trang bị cho lực lượng, phục vụ công tác PCCC. Thế nhưng bất cập ở chỗ việc trang bị phương tiện so với nhiệm vụ thực tế, người điều khiển các phương tiện chưa “ăn khớp”. Nhận thức về phương tiện cũng chưa được nâng lên.
“Nhiều người vẫn có suy nghĩ mua phương tiện đó về chứ không có khái niệm niên hạn bao nhiêu để bảo trì, thay thế. Thực tế hiện nay là hư tới đâu sửa tới đó nhưng cũng không biết gì để sửa. Mỗi lần sửa phải nhờ đến chuyên gia, cũng không có cơ sở nào có thể đáp ứng năng lực sửa được các trang thiết bị hiện đại đó” - Ông Hưởng nói và cho rằng nếu bỏ tiền mua mà người sử dụng không thể dùng sẽ gây lãng phí.
Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho rằng rất cần thiết có một cơ sở sản xuất công nghiệp quốc phòng phù hợp.
Chia sẻ thêm, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TP.HCM Thiếu tướng Lê Xuân Thế nói TP.HCM hiện không có một DN, nhà máy quốc phòng nào mang tính nòng cốt. Hiện chỉ có cơ sở X50 đang làm trong lĩnh vực đóng tàu. Còn lại hầu như chỉ có sản xuất quân trang, sửa chữa, trang bị thông tin…
Việc huy động, đào tạo, thu hút và duy trì nguồn nhân lực có trình độ cao, trang thiết bị công nghệ cao để phục vụ nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng còn gặp khó khăn, DN không muốn tham gia vì phải bù đắp chi phí lớn.
Kết luận buổi giám sát, Trung tướng Nguyễn Minh Đức cho rằng ngành công nghiệp an ninh trong nước hiện nay còn rất non trẻ. Trong đó, năng lực của các đơn vị công nghiệp quốc phòng trực tiếp sửa chữa các phương tiện là rất quan trọng, bằng mọi cách phải giải được bài toán ngành công nghiệp an ninh hiện nay.
Vì vậy, cần phải tham mưu để tái cơ cấu DN, thu gọn để tiến tới thành lập những tập đoàn công nghiệp quốc phòng có thể đảm trách việc sửa chữa các công cụ, phương tiện chuyên dụng cho lực lượng công an, quân đội, đỡ phụ thuộc vào nhà sản xuất nước ngoài…
Ông cũng gợi mở có thể phân loại các ngành công nghiệp quốc phòng, nghiên cứu cơ chế, chính sách đối với những đặc thù, sĩ quan, quân nhân công nghiệp để không lãng phí nguồn nhân lực.
Hiện toàn TP.HCM có 171.655 DN công nghiệp. Trong đó có 30 DN đủ điều kiện động viên công nghiệp, trong đó có hai dây chuyền động viên công nghiệp tại hai DN.
Thành ủy, UBND TP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, xuyên suốt, bố trí hợp lý giữa kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh theo các phương án phòng thủ, đảm bảo phát triển hài hòa, cân đối, kết hợp phân công lại lực lượng lao động, phân bố lại dân cư, phát triển một số ngành công nghiệp, dịch vụ có tính lưỡng dụng cao, sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khi có tình huống.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-can-co-doanh-nghiep-quoc-phong-du-tam-post744431.html