TP.HCM cần công bố lộ trình mở cửa trở lại để doanh nghiệp không lúng túng
Các doanh nghiệp cho rằng, TP. HCM cần công bố lộ trình mở cửa rõ ràng để doanh nghiệp chủ động trong việc lên kế hoạch, duy trì hoạt động cũng như theo sát tình hình sản xuất kinh doanh của mình.
Cần có lộ trình mở cửa rõ ràng
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land, việc TP. HCM mở cửa trở lại là điều các doanh nghiệp rất trông chờ sau thời gian giãn cách kéo dài.
Bà Hương cho rằng, câu chuyện đặt ra là làm sao vừa song song hoạt động, lại vừa đảm bảo yếu tố an toàn sức khỏe cho người lao động. Theo bà, cần công bố lộ trình rõ ràng để các doanh nghiệp không phải lúng túng, thiếu chủ động.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land
"Từ đây tới cuối năm lộ trình mở cửa ra sao? Có thể mở cửa từng bước một như 30% số người lao động, đến 50%, 70% cho đến khi có đủ vaccine cho người lao động thì có thể mở cửa toàn phần. Hoặc lộ trình mở cửa phải được công bố rõ ràng, để doanh nghiệp chủ động. Tháng 10, tháng 11 là tháng các doanh nghiệp phải làm kế hoạch kinh doanh cho năm sau", bà Hương nêu.
Theo Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land, nếu không có "bức tranh sáng tối" thì doanh nghiệp khó có thể đưa ra kế hoạch đúng thực tế. Bà Hương đánh giá, tháng 9 này mang tính quyết định chiến lược về chống dịch trong giai đoạn cuối năm nay cũng như giai đoạn 2022. Vì thế, cần công bố lộ trình rõ ràng để doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động, theo sát tình hình sản xuất kinh doanh của mình.
Ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP. HCM
Về phía mình, ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP. HCM cho rằng, việc quay lại "bình thường mới" dựa trên 2 nền tảng.
"Thứ nhất, về độ phủ vaccine. Bởi, một số doanh nghiệp dù có lao động được tiêm vaccine nhưng không đủ để hoạt động.
Thứ hai, khi người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine, tuân thủ quy định được hoạt động để kinh doanh thì cần phải có khách hàng. Theo đó, khách hàng phải được tự do đi lại một cách chừng mực. Mặt khác, cần có sự kết nối giữa các địa phương với nhau, như công dân ở Bình Dương phải lên được lên TP. HCM và ngược lại; tương tự với những kết nối khác", ông Trường nêu.
Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TP. HCM cho rằng, khó khăn lớn nhất là việc tiêm vaccine đang dần được tháo gỡ. Thông tin dữ liệu tiêm chủng của cán bộ công nhân viên ở công ty gắn liền với cơ sở dữ liệu của quốc gia. Thông tin này sẽ giúp thuận tiện cho vấn đề quản lý, nắm được công nhân viên đã tiêm vaccine 100% chưa.
"Cần tháo gỡ vướng mắc các thủ tục trong quá trình kinh doanh, hỗ trợ sao cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại đã. Khi hoạt động được thì mới tính tới những vấn đề tiếp theo", ông Trường nhấn mạnh.
Thí điểm mở lại hoạt động kinh doanh tại “vùng xanh”
Tại buổi livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 6/9, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết “đang thực hiện lời hứa của mình”, ra sức cùng TP. HCM phòng chống dịch, giảm số người tử vong, chăm lo an sinh cho người dân.
Một trong những câu hỏi mà lãnh đạo TP. HCM nhận được nhiều nhất là “khi nào thành phố nới lỏng giãn cách để còn tính đường làm ăn”. Ông Mãi nêu rõ: “Sẽ còn giãn cách nếu tình hình dịch bệnh còn phức tạp, nới lỏng giãn cách mà không đảm bảo tính mạng cho người dân thì không có ý nghĩa”.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP. HCM (phải)
Chỉ ra “mỗi ngày đóng cửa là mỗi ngày tổn thất nặng nề”, nhiều doanh nghiệp cầu cứu “bình oxy” để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Theo ông Mãi, đây là vấn đề lớn và có “3 cái khó”.
Thứ nhất là vốn, nếu vay ngân hàng thì lãi suất thế nào? Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết vừa rồi thành phố đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước về khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi vay và có cuộc đối thoại thường xuyên giữa ngân hàng với hiệp hội doanh nghiệp để biết khó khăn, lắng nghe đề xuất từ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từ đó, ngân hàng có thể có quyết định khoanh nợ, giãn nợ, cho doanh nghiệp vay gói mới để có thể phục hồi, tiếp tục kinh doanh.
Đồng thời, TP. HCM có các chương trình hỗ trợ lãi suất như vay kích cầu và đang khởi động các quỹ, các chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn.
Khó khăn thứ hai của doanh nghiệp là về nguồn lao động. Bởi, những người đã về quê sẽ không quay trở lại được cho đến khi tình hình dịch được cải thiện. TP. HCM đang phối hợp với địa phương để giải quyết việc này, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho lao động để có nguồn lao động cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đối với khó khăn thứ ba về việc thuê mặt bằng, thành phố sẽ có gói chính sách hỗ trợ chi phí mặt bằng, điện nước, dịch vụ để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Mãi cho biết, từ đây đến 15/9, ở “vùng xanh” sẽ thí điểm mở lại dịch vụ bán thức ăn mang về. Sau ngày 15/9, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt sẽ mở lại thêm nhiều hoạt động khác tại các địa bàn an toàn như: các hoạt động thương mại điện tử, sản xuất trang thiết bị ngành y tế, dược phẩm, sản xuất lương thực, cửa hàng xăng dầu, công trường…
Về kế hoạch phục hồi về kinh tế của TP. HCM, người đứng đầu chính quyền thành phố nhấn mạnh sẽ trao đổi với hiệp hội, doanh nghiệp. Kế hoạch sẽ công bố trước ngày 15/9 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Riêng những chính sách liên quan đến Trung ương sẽ chờ được chấp thuận.