TP.HCM: Cần đổi mới nội dung, phương thức giám sát từ sớm, từ cơ sở

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho rằng cần đổi mới nội dung, phương thức giám sát theo hướng chủ động, từ sớm, từ cơ sở, phù hợp với nhiệm vụ, năng lực của mỗi cấp, mỗi địa phương.

Ngày 7-3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 13-CT/TU ngày 20-8-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy TP về lãnh đạo thực hiện Đề án “Nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam và Nhân dân giám sát tổ chức đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp TP.HCM giai đoạn 2021-2030”.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VT

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VT

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải ghi nhận thời gian qua, công tác giám sát, phản biện xã hội trong hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP đã thực hiện đồng bộ, đạt được những kết quả tích cực.

Vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng được phát huy.

“Các chương trình, kế hoạch giám sát được thực hiện đúng quy trình, quy định; xác định cụ thể nội dung và đối tượng giám sát; lựa chọn hình thức, phương pháp giám sát phù hợp, thuận lợi nhằm hạn chế trùng lắp đơn vị và nội dung giám sát, không gây phiền hà cho cơ quan, đơn vị được chọn giám sát” - ông Hải nói.

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VT

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VT

Công tác giám sát cán bộ, công chức, đảng viên đã góp phần ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc với người dân. Điều này giúp tổ chức đảng, chính quyền các cấp có thêm thông tin về tình hình sinh hoạt ở nơi cư trú của đảng viên và việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức do mình quản lý.

“Việc phối hợp tổ chức các hội nghị nhân dân cấp quận, cấp phường nhằm đối thoại giữa người đứng đầu UBND với Nhân dân được thực hiện thường xuyên, bài bản. Tập trung vào nội dung, lĩnh vực mà Nhân dân, địa phương quan tâm, bức xúc. Nhờ đó, nhiều nội dung, sự việc đã được giải quyết kịp thời, tạo niềm tin và sự đồng thuận cao trong Nhân dân” - ông Hải đánh giá.

Mặc dù vậy, Phó Bí thư Thành ủy cũng chỉ ra những hạn chế trong việc xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch giám sát như có lúc, có nơi chưa chủ động, kịp thời, còn hình thức, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Các đề xuất, kiến nghị sau giám sát chưa sâu, tính thuyết phục chưa cao; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị còn hạn chế, thiếu quyết liệt...

Để công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam TP và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả hơn, ông Hải đề nghị cần đổi mới nội dung, phương thức giám sát theo hướng chủ động, từ sớm, từ cơ sở, phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện và năng lực của mỗi cấp, mỗi địa phương. Trong đó ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò giám sát của Nhân dân đối với người đứng đầu, cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao ý thức trách nhiệm của mình; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung...

Tại hội nghị, bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, nhìn nhận mặc dù có những nỗ lực đáng kể trong công tác giám sát song vẫn còn những hạn chế nhất định.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Trần Kim Yến ghi nhận những ý kiến, góp ý trong công tác giám sát của Mặt trận TP. Ảnh: VT

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Trần Kim Yến ghi nhận những ý kiến, góp ý trong công tác giám sát của Mặt trận TP. Ảnh: VT

“Một số nơi vẫn còn lúng túng trong xác định phương pháp giám sát, đối tượng, nội dung, hình thức giám sát. Trình độ, năng lực, kinh nghiệm của một bộ phận cán bộ Mặt trận chưa đáp ứng yêu cầu đã ảnh hưởng nhất định đến kết quả giám sát” – bà Yến nói.

Tiếp thu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả giám sát thông qua đổi mới nội dung, phương thức giám sát theo hướng chủ động từ sớm, từ cơ sở phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện năng lực.

“Cần chủ động nắm bắt, lắng nghe thông tin các kiến nghị, vấn đề người dân quan tâm, bức xúc, từ đó xác định nội dung giám sát cho phù hợp và thực hiện những vấn đề đó hiệu quả hơn” - bà Yến lưu ý tại hội nghị.

Bà cho rằng việc tổ chức Hội nghị nhân dân cấp phường nên thực hiện ba tháng một lần để giảm tải thời gian hội họp tại cơ sở, có thời gian để tập trung giải quyết các ý kiến phản ánh, kiến nghị của Nhân dân; đồng thời cho mở rộng đối tượng tham dự và được tổ chức theo từng chuyên đề.

VÕ THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-can-doi-moi-noi-dung-phuong-thuc-giam-sat-tu-som-tu-co-so-post722802.html