TP.HCM: Cần hạn chế khai thác nước ngầm quá mức
Việc khai thác nước ngầm quá mức không những làm tăng nguy cơ sụt lún mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Trước ảnh hưởng của ô nhiễm nguồn nước mặt và tác động của biến đổi khí hậu thì nguồn nước ngầm vẫn là nguồn nước có vai trò quan trọng. Việc duy trì khai thác nước dưới lòng đất ở một mức độ phù hợp để có thể duy trì cấp nước tối thiểu trong trường hợp nguồn nước mặt bị sự cố là yêu cầu cần thiết.
Nhiều gia đình vẫn dùng song song hai nguồn nước
Tình trạng khai thác nước ngầm tràn lan là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, tăng nguy cơ gây sụt lún trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ gia đình vẫn còn sử dụng nước giếng hoặc sử dụng song song hai nguồn nước là nước giếng và nước máy để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày.
Ông Trần Văn Tư (ngụ huyện Hóc Môn) cho biết gia đình ông đã sử dụng nước giếng 40 năm nay. Do phục vụ cho việc chăn nuôi nên nếu dùng nước máy thì chi phí sẽ rất cao, hơn nữa do thói quen sử dụng nước giếng lâu nên khó bỏ. Đến nay gia đình ông đã gắn đồng hồ nước nhưng cũng chỉ sử dụng nước máy vào việc nấu ăn, tắm giặt.
Theo đại diện của UBND huyện Hóc Môn, tính đến ngày 30-6, trên toàn địa bàn huyện còn 43.707 giếng khoan, với lưu lượng nước dưới đất khai thác hơn 66.637 m3/ngày đêm. Số lượng giếng khoan trên địa bàn huyện đã giảm 25.961 giếng so với năm 2018 và lưu lượng khai thác giảm hơn 39.853 m3/ngày đêm.
Hiện nay còn khá nhiều hộ gia đình sử dụng cả hai nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày nên số lượng giếng khoan được trám lấp trên địa bàn chưa cao. Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh còn sử dụng nước dưới lòng đất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ.
Theo báo cáo của UBND quận Tân Phú, đến tháng 12-2020, trên địa bàn quận có 2.375 giếng khoan đang khai thác, sử dụng, trong đó có 2.005 giếng khoan hộ gia đình và 370 giếng khoan doanh nghiệp. Tổng số giếng đã trám lấp từ năm 2021 đến nay là 686/2.375 giếng.
Hiện nay trên địa bàn quận vẫn còn một số cơ sở, hộ gia đình duy trì sử dụng hai nguồn nước, trong đó sử dụng nguồn nước giếng khoan cho các hoạt động tưới cây, vệ sinh khuôn viên, kinh doanh, sinh hoạt, rửa xe. Một số khu nhà trọ thì sử dụng nhiều nước giếng khoan để tiết kiệm nguồn nước máy, điều này gây khó khăn cho công tác quản lý giếng khoan trên địa bàn.
Vì vậy, UBND quận đã đề ra lộ trình, chỉ tiêu thực hiện hằng năm, phấn đấu đến năm 2025 vận động ngưng không sử dụng và trám lấp 2.375 giếng.
Nhiều giải pháp để giảm khai thác nước ngầm
Nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân, TP.HCM đặt ra mục tiêu trong năm 2022 giảm tỉ lệ thất thoát nước sạch dưới 18,46% và duy trì tỉ lệ 100% hộ dân sử dụng nước sạch. Ngoài ra, TP sẽ tập trung đầu tư mở rộng và cải tạo mạng lưới đường ống cấp nước.
Để đạt được mục tiêu trên, các địa phương cũng như những đơn vị có liên quan đã thực hiện nhiều giải pháp cụ thể.
Đại diện Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân TP, tổng công ty luôn đẩy mạnh công tác phát triển mạnh cấp 1, 2, 3 và gắn mới đồng hồ nước cho khách hàng. Bên cạnh đó, Sawaco thực hiện tốt công tác điều tiết phân vùng phục vụ, đảm bảo phục vụ cấp nước ổn định áp lực và chất lượng, đảm bảo an toàn trong sản xuất nước, đáp ứng đầy đủ nhu cầu dùng nước trên địa bàn TP.
Ông Nguyễn Văn Đắng, Phó Tổng giám đốc Sawaco, nói: “Hiện tại Sawaco đã và đang triển khai nhiều giải pháp, đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025 hạn chế tối đa khai thác nước ngầm, đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục. Công ty sẽ nâng tổng công suất hệ thống cấp nước từ 2,4 triệu m3/ngày đêm lên 2,9 triệu m3/ngày đêm, tỉ lệ thất thoát nước giảm xuống còn 17,5%”.
Theo đại diện UBND huyện Hóc Môn, trong thời gian qua, UBND huyện cũng đã phối hợp cùng Công ty cổ phần Cấp nước Trung An trong việc phát triển cấp nước đến từng hộ, vận chuyển nước đến các bồn tập trung, cũng như lắp đặt đồng hồ tổng để các hộ dân sử dụng nước sạch.
Trong khi Sở TN&MT TP.HCM, TP.HCM đặt mục tiêu đảm bảo việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước dưới đất phải gắn với bảo vệ, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.
Hằng năm Sở TN&MT đều phối hợp với các địa phương để rà soát danh sách hộ dân sử dụng nước sạch sinh hoạt. Sở này cho biết qua rà soát cho thấy số lượng hộ dân khai thác nước ngầm để sinh hoạt giảm dần theo từng năm.•
Không nên sử dụng nguồn nước ngầm quá mức
Để hiệu quả hơn trong việc thực hiện giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất, UBND quận Tân Phú đề xuất UBND TP.HCM chỉ đạo các đơn vị có liên quan cùng tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nước máy. Cạnh đó, cần tuyên truyền việc hạn chế sử dụng nước ngầm để an toàn cho sức khỏe của người dân và hạn chế những hậu quả về môi trường, địa chất trên địa bàn TP nếu sử dụng nước ngầm quá mức.
Đồng thời, các đơn vị liên quan cần tuyên truyền về xử lý vi phạm hành chính theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm trong khai thác, sử dụng nước dưới đất trên địa bàn TP.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tp-hcm-can-han-che-khai-thac-nuoc-ngam-qua-muc-post694608.html