TP. HCM cần nhân lực nhất ở ngành nào vào năm tới?
Theo dự báo, kinh doanh – thương mại sẽ là ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất vào năm 2020, chiếm 18,77% tổng nhu cầu tại TP. HCM.
Theo báo cáo Thị trường lao động TP. HCM năm 2019, dự báo nhu cầu nhân lực năm 2020, thành phố sẽ cần khoảng 323.000 chỗ làm việc, trong đó có 135.000 chỗ làm việc mới.
Nhu cầu nhân lực năm 2020 sẽ tập trung nhiều nhất tại ngành kinh doanh – thương mại, chiếm 18,77% tổng nhu cầu; tiếp đến là dịch vụ - phục vụ chiếm 12,79%, vận tải - kho bãi 7,11%, dệt may - giày da 5,58%, cơ khí - tự động hóa 5,34%.
Ngành dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng chiếm 4,69% tổng nhu cầu, kinh doanh tài sản - bất động sản chiếm 4,39%, kế toán - kiểm toán chiếm 4,35%, dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn chiếm 3,90%.
Ngành có nhu cầu nhân lực ít nhất là tài chính - tín dụng - ngân hàng (3,18%).
Trong quý I/2020, nhu cầu nhân lực được dự báo ở mức 81.800 chỗ làm việc, tập trung ở các ngành kinh doanh - thương mại, dịch vụ phục vụ, dệt - may - giày da, dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng, vận tải và công nghệ thông tin.
Trong hai quý tiếp theo, khi các doanh nghiệp ổn định sản xuất - kinh doanh, nhu cầu nhân lực chuyển dịch theo hướng gia tăng lao động có trình độ, tay nghề, tập trung ở các ngành cơ khí, công nghệ thông tin - điện tử, kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng và vận tải.
Quý IV/2020 là khoảng thời gian cuối năm, các doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất trong năm.
Đây cũng là thời điểm cận kề tết Nguyên đán năm 2021, nhu cầu nhân lực có sự chuyển dịch theo hướng gia tăng lao động thời vụ, bán thời gian phục vụ các dịp lễ, tết cổ truyền.
Nhu cầu nhân lực trong quý cuối năm sau tập trung ở các ngành kinh doanh - thương mại, dịch vụ phục vụ, cơ khí, vận tải, dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng, công nghệ thông tin - điện tử.
Trong khi kinh doanh – thương mại được dự báo là ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất, công nghệ thông tin – điện tử sẽ là ngành có xu hướng thu hút nhân lực nhất.
Đây là một trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu và tạo ra giá trị gia tăng cao trong những năm gần đây, xu hướng tận dụng những công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (big data) ứng dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhu cầu nhân lực trong ngành này tiếp tục tăng mạnh với các vị trí như an ninh mạng, lập trình, phát triển ứng dụng, thiết kế và điều hành web…
Dự báo lao động làm việc trong các doanh nghiệp năm 2020 đạt gần 3,3 triệu người, trong đó doanh nghiệp nhà nước chiếm 4,33%, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 72,39% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 23,28%.
Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM kiến nghị các cơ quan nhà nước tạo điều kiện và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào đào tạo nghề, hỗ trợ công tác giáo dục nghề nghiệp; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các trường.
Ngoài ra, có thể đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ các nguồn lực chung, từ đó hai bên cùng chủ động nắm bắt và đón đầu các nhu cầu của thị trường lao động.
Người lao động cần xác định rõ năng lực bản thân, trang bị các kiến thức, kỹ năng theo nhu cầu thị trường lao động; xây dựng cho mình một thái độ làm việc tích cực, khoa học, khả năng tương tác và kết nối; thích ứng với môi trường làm việc hội nhập, phát huy tư duy, sáng tạo thể hiện năng lực cạnh tranh khi tham gia thị trường lao động hội nhập.