TP.HCM: Cảnh báo nguy cơ cháy, nổ mùa khô, nóng
PC07 TP.HCM cho biết mùa nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng cao dẫn đến hiện tượng quá tải, chập mạch làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ cháy nổ.
Trong vòng chưa đầy 1 tuần (từ 25-3 đến 31-3), tại TP.HCM đã xảy ra tới bốn vụ cháy. Nhiều vụ cháy đã để lại hậu quả nặng nề, khiến nhiều người trong một gia đình tử vong; hàng trăm vật dụng, phương tiện, tài sản bị thiêu rụi.
Nhiều địa phương trong đó có TP.HCM đang vào cao điểm nắng nóng, chỉ cần một hành vi bất cẩn cũng có thể dẫn đến hỏa hoạn không mong muốn.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (PC07) Công an TP.HCM, thời tiết oi bức, nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt với các thiết bị làm mát công suất lớn, tiêu thụ điện cao như máy điều hòa, quạt điều hòa, máy lạnh… tăng đột biến.
Nhiều hộ gia đình trang bị thêm các thiết bị làm mát mà quên tính toán tới sự an toàn của lưới điện nên dễ dẫn đến hiện tượng quá tải chập mạch làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ cháy nổ. Hệ thống đường dây tải điện tại nhiều khu vực, nhất là khu vực đông dân cư, các chung cư lâu đời, khu tập thể cũ, chợ … khá chồng chéo, xuống cấp.
Cạnh đó, ý thức PCCC nói chung và ý thức đảm bảo an toàn PCCC trong sử dụng điện nói riêng của đa số người dân vẫn còn hạn chế. Các hộ dân thường câu móc, đấu nối điện tùy tiện, không kiểm tra bảo dưỡng các thiết bị điện đã sử dụng lâu năm, tự ý cơi nới, lắp thêm các thiết bị điện mà không nâng cấp dây dẫn điện.
Đây là những nguyên nhân dẫn đến các sự cố hệ thống điện, thiết bị điện, làm tăng nguy cơ xảy ra cháy nổ. Ban đầu chỉ là đốm lửa nhỏ, nhưng không được phát hiện kịp thời sẽ cháy lan vào các vật dụng khác rồi bùng phát thành cháy lớn.
Để đảm bảo an toàn PCCC, giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ do sự cố điện trong mùa nắng nóng, PC07 khuyến cáo người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh và chủ hộ gia đình thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Bố trí, sắp xếp hàng hóa, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong đơn vị, trong nhà xưởng và nhà kho đảm bảo an toàn PCCC theo đúng quy định.
2. Khi lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ và bảo vệ điện phải tính toán, thiết kế theo đúng quy định về an toàn điện và PCCC đề phòng khi có cháy, nổ xảy ra cứu chữa kịp thời có hiệu quả.
3. Không dùng nhiều dụng cụ tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn và không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị điện có công suất lớn để tránh trường hợp quá tải gây cháy, nổ xảy ra.
4. Phải thường xuyên và định kì kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện, các thiết bị điện. Đồng thời mỗi cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình bố trí lối thoát nạn an toàn hoặc các lối ra khẩn cấp ở ban công, lô gia, lối lên mái.
Về phía cơ quan chức năng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCC. Trong đó chú trọng tuyên truyền về nguy cơ cháy, nổ và hướng dẫn cụ thể các biện pháp PCCC trong sinh hoạt; đặc biệt là biện pháp phòng cháy trong sử dụng điện, hàn cắt kim loại, trong kinh doanh xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, thắp hương thờ cúng.
Cần tăng cường kiểm tra và đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở doanh nghiệp có nguy hiểm cháy, nổ, chấp hành nghiêm các quy định về PCCC, tổ chức tốt việc thường trực, tuần tra canh gác, nhất là vào ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính và ban đêm.
Chính quyền cần tổ chức cho các hộ kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại, khu dân cư và các cơ sở khác có nguy hiểm về cháy, nổ ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC; huy động lực lượng chữa cháy dân phòng, chữa cháy cơ sở tăng cường công tác ứng trực đảm bảo quân số.
Người dân có thể báo cháy định vị trên điện thoại di động
Phòng cảnh sát PCCC và CNCH (PC07) Công an TP.HCM đã đưa vào sử dụng ứng dụng Help 114, cho phép định vị được cuộc gọi, giúp tăng cường hiệu quả trong việc triển khai chữa cháy.
Người dân tại TP.HCM có thể dễ dàng vào ứng dụng Stores trên điện thoại iPhone hoặc CH Play trên điện thoại sử dụng hệ điều hành Android để tìm ứng dụng bằng tên “Help 114”, tải và cài đặt.
Với ứng dụng này, khi người dân bấm vào nút 114 thì vị trí của người bấm sẽ hiển thị ngay trên bản đồ cả kinh độ, vĩ độ và lực lượng xác định được các trụ nước, đơn vị cấp cứu, công an... trong phạm vi bán kính 5 km, 10 km, 30 km.
Thông qua ứng dụng, lực lượng chữa cháy có thể xác minh được ngay thông tin báo sự cố là thật hay giả, nếu là giả thì có thể báo vị trí của người gây rối cho công an địa phương xử lý.
Đơn vị đã nạp vào 7.800 trụ nước ở TP.HCM trên hệ thống để khi lực lượng cứu hỏa có mặt sẽ dễ dàng lấy nước chữa cháy. Khi nhận được thông tin người dân báo cháy, lực lượng sẽ phát tới tất cả người dân dùng ứng dụng để có thể phòng tránh hoặc đến hỗ trợ.
Nguồn PLO: https://plo.vn/an-ninh-trat-tu/tphcm-canh-bao-nguy-co-chay-no-mua-kho-nong-976454.html