Tp:HCM: Chuyên gia khuyến cáo về bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng
Ngày 7/9, tin từ Sở Y tế Tp.HCM cho biết, thời gian gần đây trên địa bàn có dấu hiệu gia tăng trường hợp đau mắt đỏ. Sở đang phối hợp các đơn vị tìm nguyên nhân.
Đa số ca mắc là trẻ em tuổi đi học
Đại diện Sở Y tế Tp.HCM cho biết, theo báo cáo nhanh của các bệnh viện trên địa bàn Thành phố này, số lượt khám vì viêm kết mạc tính từ ngày 1/1 cho đến nay là 71.740 lượt. Đáng lưu ý, số ca mắc trong những ngày gần đây có xu hướng tăng so với những tháng đầu năm.
Trong số mắc, khoảng 1/3 trường hợp là trẻ em ở tuổi đi học, số còn lại là người lớn. Theo báo cáo của Bệnh viện Mắt Tp.HCM, đáng lo ngại là số trường hợp viêm kết – giác mạc (môt dạng lâm sàng nặng của bệnh đau mắt đỏ) đã được phát hiện trong thời gian gần đây, tuy chưa phổ biến.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2 Tp.HCM, từ ngày 28/8 - 31/8, bệnh viện đã thăm khám cho 188 trường hợp trẻ bị đau mắt đỏ, đa số đều trong độ tuổi đến đi học.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Tuyết, chuyên khoa Mắt, khoa Liên chuyên khoa Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bệnh đau mắt đỏ ở trẻ thường xảy ra vào thời điểm chuyển giao mùa, do thay đổi thời tiết, virus và vi khuẩn gây bệnh.
Nguyên nhân gây viêm kết mạc thường do virus. Trong đó, khoảng 80% là Adenovirus, ngoài ra còn có thể do virus Herpes, Thủy đậu, Poxvirus…
Bệnh đau mắt đỏ dễ lây lan và đường lây chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết của mắt, mũi, miệng do sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh, qua khăn rửa mặt, quần áo, nước trong bể bơi, qua tay người bệnh với người chưa mắc bệnh, dụi tay vào mắt...
Đặc biệt, mùa tựu trường, khi các trường học đồng loạt bắt đầu bước vào năm học mới có thể khiến bệnh dễ lây lan hơn.
"Triệu chứng thường gặp ở bệnh đau mắt đỏ gồm mắt đỏ do xung huyết kết mạc, cộm xốn mắt như có cát trong mắt, kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều gèn rỉ (có thể rỉ trắng, dịch tiết dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể rỉ xanh, vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn); sáng ngủ dậy trẻ khó mở mắt.
Bên cạnh đó, trẻ có thể kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt... Đặc biệt, trẻ có thể xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc) gây chảy máu", bác sĩ Tuyến chia sẻ thêm.
Các chuyên gia khuyến cáo
Đại diện Sở Y tế Tp.HCM cho biết thêm, năm 2013 là năm mà số trường hợp đau mắt đỏ được ghi nhận cao nhất trong vòng 10 năm qua. Từ đó đến nay, số trường hợp đau mắt đỏ vẫn được ghi nhận hàng năm nhưng chỉ là những ca lẻ tẻ.
Đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm,… thì nguyên nhân thường gặp là viêm kết mạc do vi rút Adenovirus, dễ lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp.
Trong trường hợp này, người mắc bệnh nên nghỉ ở nhà (nghỉ làm/nghỉ học từ 5 – 7 ngày), hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan cho người khác.
Khi phát hiện có dấu hiệu đau mắt đỏ thì cần đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, hướng dẫn và chăm sóc phù hợp (lưu ý: chỉ định nghỉ làm/nghỉ học là do bác sĩ quyết định).
Theo khuyến cáo của các chuyên gia Mắt và HCDC, biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do vi rút (thường gặp là Adenovirus) là: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; Không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; Không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…; Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường;
Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; Hạn chế tiếp xúc với người bệnh mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ; Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Trước tình hình số trường hợp đau mắt đỏ có dấu hiệu tăng trên địa bàn Thành phố này trong những ngày gần đây, bên cạnh các khuyến cáo phòng bệnh đau mắt đỏ, Sở Y tế Tp.HCM đã phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện nghiên cứu để tìm và xác định chính xác tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ.
Đồng thời, Sở Y tế đã có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo để chủ động tăng cường phát hiện, hướng dẫn học sinh, phụ huynh học sinh cách phát hiện và phòng bệnh đau mắt đỏ.