TP HCM chuyển hướng đúng, siết lại từng khâu phòng, chống dịch
Một mặt thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, mặt khác TP HCM phải tăng cường truyên truyền, vận động người dân chia sẻ khó khăn, thêm lòng tin vào những giải pháp đang thực hiện.
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại cuộc giao ban trực tuyến ngắn với TP HCM vào chiều 14-7.
Sau khi nghe Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong Báo cáo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng TP HCM về cơ bản đã chuyển hướng đúng, siết lại từng khâu phòng, chống dịch. Điểm nổi bật nhất là công tác xét nghiệm đã được rà soát lại tất cả những gì còn bất cập. Đến nay cơ bản kết quả xét nghiệm được trả trong vòng 24 giờ.
TP HCM cần tiếp tục đưa công cụ công nghệ để khớp nối kết quả xét nghiệm và thông tin người lấy mẫu, phân tích dịch tễ để phục vụ cho điều tra dịch tễ, phân tích chỉ điểm những khu vực trọng tâm, trọng điểm cần tập trung truy vết, lấy mẫu.
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết Thành phố đã triển khai việc phát phiếu mua thực phẩm nhằm hạn chế người dân tập trung cùng một thời điểm. Tại một số chợ truyền thống, giá của một số mặt hàng có tăng nhẹ, Thành phố chỉ đạo Cục Quản lý thị trường, Sở Công Thương phối hợp xử lý, kiểm tra ngay các trường hợp tăng giá.
Cùng với đó, các lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại 12 chốt ra vào Thành phố. Các chốt đã hỗ trợ kết nối giao lưu hàng hóa giữa các địa phương, kiểm soát dịch bệnh. Các chốt, trạm kiểm soát nội thành tăng cường tuần tra, kiểm tra để xem xét việc chấp hành quy định phòng, chống dịch.
Thành phố đã hỗ trợ cho hơn 130.000 lao động tự do với khoảng 195 tỉ đồng, đạt 57% kế hoạch đề ra.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Thành phố đã cơ bản lập lại công tác quản lý ở các khu dân cư, cần tiếp tục chấn chỉnh, thực hiện nghiêm, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân thấy Thành phố đã cố gắng tổ chức lại đời sống sinh hoạt, phân phối hàng hóa, không để ai bị thiếu thốn, dứt bữa nhưng cũng phải vận động người dân cùng chia sẻ khó khăn, không thể giống như lúc bình thường.
Phó Thủ tướng lưu ý Thành phố tiếp tục quan tâm tới những người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những khu, cụm dân cư tập trung rất đông người nghèo. Ngoài hỗ trợ về vật chất, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thì bà con rất cần trợ giúp về đời sống văn hóa, tinh thần để bớt cảm thấy bí bách trong thời gian giãn cách.
Thành phố cũng đã cải tiến và bỏ những quy định để người dân lưu thông thuận lợi trong Thành phố, giải quyết tình trạng ách tắc. Tuy nhiên, để giải quyết căn bản tình trạng này, Phó Thủ tướng đề nghị TP HCM cần liên thông hệ thống mã QR của TP HCM và hệ thống đang triển khai trên cả nước để thống nhất mỗi người dân có 1 mã QR tích hợp kết quả xét nghiệm, khai báo y tế điện tử để quét mã khi đến các cửa hàng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, di chuyển qua các chốt kiểm soát, cũng như phục vụ công tác truy vết. Đồng thời, trong thời gian tới, mã QR của mỗi người dân sẽ được tích hợp thêm các ứng dụng quản lý khác…
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, việc liên thông hệ thống mã QR của TP HCM và hệ thống đang triển khai trên cả nước sẽ hoàn thành trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, TP HCM cần đạt tối thiểu 100.000 điểm kinh doanh, dịch vụ phát sinh hoạt động quét mã QR của người dân hằng ngày từ mức 12.000 điểm hiện nay.
Sau khi ghi nhận nhiều ca nhiễm trong các doanh nghiệp (DN) mà công nhân ở rải rác tại các quận, huyện, lãnh đạo TP HCM đã thảo luận với hiệp hội DN, khu công nghiệp, khu chế xuất, lãnh đạo địa phương để áp dụng phương án cho phép các DN thực hiện theo hai phương thức.
Thứ nhất là "ba tại chỗ" (ăn nghỉ tại chỗ, sản xuất tại chỗ, sinh hoạt tại chỗ trong khuôn viên sản xuất nhưng cũng phải bảo đảm an toàn).
Thứ hai là "hai điểm, một con đường". Tức là nếu nơi sản xuất không có chỗ bố trí ăn nghỉ thì phải bố trí bên ngoài và phải bảo đảm an toàn phòng dịch, tổ chức xe đưa đón tập trung từ nơi nghỉ đến nơi sản xuất. Nếu các DN bảo đảm các điều kiện an toàn và thỏa mãn một trong hai phương thức, cùng với nhu cầu tiếp tục sản xuất thì cơ quan chức năng sẽ chuẩn bị để DN được sản xuất. Nếu không đảm bảo thì DN phải ngừng sản xuất.
Phó Thủ tướng lưu ý, ngoài những DN thực hiện "3 tại chỗ", "hai điểm, một con đường", Thành phố cần nghiên cứu, xem xét các phương án cho DN sản xuất trở lại từng phần căn cứ trên diễn biến dịch bệnh.
Cùng với những chấn chỉnh trong công tác cách ly, điều trị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý công tác thông tin, truyền thông về tình hình dịch bệnh của TP HCM không chỉ thông báo số ca mắc mà phải phân tích đầy đủ nguyên nhân, xu hướng các ổ dịch,… để người dân thêm lòng tin vào những giải pháp đang thực hiện cũng như những gì mỗi người cần làm để giữ được kết quả chống dịch.